GỠ KHÓ CHO NHÀ Ở XÃ HỘI
Thực hiện chủ trương phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) cho cán bộ, công chức, viên chức, người thu nhập thấp, trong đó có sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, hàng trăm dự án NƠXH đã được triển khai trên toàn quốc. Theo Bộ Xây dựng, đến nay, cả nước đã hoàn thành 207 dự án NƠXH, quy mô khoảng hơn 85.800 căn, tổng diện tích hơn 4,2 triệu mét vuông.
Trong bối cảnh giá nhà ở đang vượt quá xa thu nhập của người dân và tiếp tục tăng lên, việc phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp không chỉ là giải pháp bảo đảm an sinh xã hội mà còn giúp bình ổn thị trường bất động sản (BĐS). Với sự hỗ trợ của Nhà nước, như miễn tiền sử dụng đất, cho vay vốn ưu đãi, người dân có điều kiện tiếp cận với NƠXH thông qua hình thức mua, thuê, thuê mua. Áp lực cầu vượt xa cung trên thị trường BĐS, chủ yếu ở phân khúc bình dân, nhờ vậy cũng được giải tỏa phần nào.
Tuy nhiên, xu hướng đang dần hiện rõ là các dự án NƠXH ngày càng ít hơn. Chỉ có 9 dự án NƠXH dành cho người thu nhập thấp được hoàn thành trong năm 2019 vừa qua, cung cấp hơn 4.100 căn hộ. Thực tế, kết quả phát triển NƠXH chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, chỉ đạt 34,3% so với mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Hai yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến khả năng triển khai dự án BĐS nói chung, đặc biệt với NƠXH là quỹ đất và nguồn vốn. Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất tại dự án cho NƠXH hoặc nộp tiền với giá trị tương đương. Tuy nhiên, chưa đến một nửa trong số hơn 2.200 dự án nhà ở thương mại trên cả nước thực hiện quy định này, ảnh hưởng lớn đến việc tạo quỹ đất phục vụ các chính sách về nhà ở. Bên cạnh đó, dù đã có quy định cho vay ưu đãi với người mua và doanh nghiệp thực hiện dự án NƠXH, nhưng vì chưa được cấp bù lãi suất nên các ngân hàng được giao nhiệm vụ này chưa thể triển khai.
Để tiếp tục đẩy mạnh các dự án NƠXH trong thời gian tới, những ách tắc đang đặt ra cần được khơi thông. Trong đó, cần đa dạng hóa các nguồn vốn, tránh phụ thuộc quá lớn vào vốn tín dụng. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở đã mang lại kết quả tích cực. Nguồn đóng góp để hình thành quỹ này ngoài trích một phần thu nhập của người lao động còn có sự tham gia của người sử dụng lao động, doanh nghiệp BĐS, hỗ trợ của Nhà nước... Đây là nguồn vốn chi phí thấp, có tính ổn định, lâu dài, giúp các dự án NƠXH được triển khai thuận lợi.
Để đáp ứng được nhu cầu quỹ đất, chính quyền các địa phương cần sâu sát hơn nữa, kiểm soát chặt chẽ các dự án nhà ở, trong đó, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về dành diện tích cho NƠXH. Cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, bảo đảm các quy định được chấp hành nghiêm túc. Tuy nhiên, tỷ lệ đất hoặc số căn hộ dành cho NƠXH trong dự án BĐS thương mại cần được tính toán hợp lý để không làm gia tăng áp lực quá lớn, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Như vậy, mới giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận, quay trở lại đóng góp cho cộng đồng.
Cùng với nỗ lực của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp BĐS là thành tố quan trọng kiến tạo nên thị trường, cung cấp sản phẩm phù hợp nhu cầu người dân. Do vậy, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước là yếu tố mấu chốt giúp thị trường BĐS phát triển bền vững, từ đó, những chính sách ưu việt của Nhà nước, như ưu tiên phát triển NƠXH cho người thu nhập thấp mới thực sự đi vào cuộc sống.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/go-kho-cho-nha-o-xa-hoi-607391