Gỡ khó cho nông sản thời virus Corona
Với những mặt hàng phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong một thời gian nhất định, bởi dịch bệnh do virus Corona (Covid-19) gây ra tại Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp, các hoạt động xuất khẩu nông sản vào quốc gia này bị gián đoạn hoặc hạn chế. Giải pháp trước mắt, kể cả lâu dài là tăng cường thêm các kênh phân phối nội địa, tìm kiếm thêm những thị trường mới tiềm năng, ổn định.
Nỗi lo xứ xoài
Từ khi quyết định chuyển đổi đất lúa sang trồng xoài ở vùng cù lao Giêng (Chợ Mới, An Giang), ông Nguyễn Văn Liệt (xã Bình Phước Xuân) chưa bao giờ thấy xoài rớt giá như hiện nay.
“Đối với xoài 3 màu loại 1 (hơn 620gr/trái), những lúc giá thấp nhất cũng hơn 15.000 đồng/kg. Vừa qua Tết năm nay, xoài đột ngột giảm giá mạnh, nhiều vựa hạn chế thu mua dù giá bán tại vườn chỉ 5.000 đồng/kg” - ông Liệt thông tin.
Nhờ tập trung vào thị trường nội địa và xuất khẩu thị trường cao cấp, sản phẩm xoài Keo của Hợp tác xã Long Bình vẫn tiêu thụ tốt
Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Ngô Hoàng Hiếu cho biết, diện tích trồng xoài trên địa bàn huyện hiện đạt 6.116,83ha, trong đó diện tích xoài đến tuổi cho trái khoảng 4.172ha (chiếm hơn 68% diện tích).
Dự kiến từ tháng 2 đến tháng 6-2020, sản lượng thu hoạch đạt khoảng 19.630 tấn. Mặc dù vùng xoài Chợ Mới có thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu chính ngạch sang Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc nhưng số lượng chưa nhiều, trong khi hơn 90% sản lượng được xuất sang thị trường Trung Quốc, chủ yếu theo đường tiểu ngạch.
Do vậy, khi bị ảnh hưởng dịch bệnh virus Corona, Trung Quốc đóng cửa nhập khẩu thì phần lớn các vựa xoài trên địa bàn huyện Chợ Mới cũng ngưng hoạt động.
Hiện nay, tình hình thu mua ở các vựa xoài rất trầm lắng, chỉ còn vài vựa xoài lớn đang hoạt động cầm chừng, chủ yếu tiêu thụ nội địa với giá mua rất thấp, bình quân 5.000 đồng/kg (xoài loại 1 từ 7.000-8.000 đồng/kg; xoài loại 2, 3 rớt xuống còn 2.000-4.000 đồng/kg), trong khi thời điểm trước khi có dịch bệnh, giá xoài thu mua bình quân đạt 15.000 đồng/kg. Ghi nhận sơ bộ, tại các vựa hiện nay còn tồn hơn 100 tấn xoài chưa tiêu thụ được.
Bộ Công thương cho biết, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan đã mở cửa vào ngày 3-2, Trung Quốc đã thông báo lùi thời hạn mở cửa khẩu vào cuối tháng 2-2020. Theo kế hoạch ban đầu, TP. Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) dự kiến sẽ thông quan cửa khẩu Tân Thanh vào ngày 9-2 nhưng đã quyết định lùi lại thêm 20 ngày nữa do dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Như vậy, thời gian khôi phục hoạt động trao đổi của cư dân biên giới (theo các cặp cửa khẩu phụ ở Lạng Sơn như: Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình...) cũng sẽ phải lùi tới cuối tháng 2-2020, thay vì ngày 10-2 như đã thông báo. Hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tiếp tục gián đoạn hoặc hạn chế.
Tìm hướng đi mới
Đối với “vựa nếp” Phú Tân, hiện nay mới bước vào thu hoạch nên chưa bị ảnh hưởng trước dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, khi sản lượng nhiều, giá bán sẽ bị tác động bởi Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ nếp chính của Việt Nam.
Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Dương Văn Cường cho biết, vụ đông xuân 2019-2020, Phú Tân xuống giống 23.855ha lúa nếp, phần lớn diện tích đang giai đoạn đẻ nhánh đến đòng - trổ.
Trong đó, diện tích đã thu hoạch được hơn 100ha với năng suất 6,96 tấn/ha. Dự kiến đến cuối tháng 2-2020, diện tích lúa nếp chín có khả năng thu hoạch trên 10.000ha, sản lượng khoảng 65.000 tấn.
Hiện nay, giá bán nếp tươi ở mức khá (từ 5.500-6.000 đồng/kg). Vụ đông xuân, có 3 công ty liên kết sản xuất tiêu thụ với 4 hợp tác xã (HTX) của huyện, đạt diện tích 760ha, gồm: Công ty An Thạnh ký với HTX Phú An 400ha nếp; Công ty Nguyễn Phú Vinh ký với HTX Thạnh Phú 10ha, ký với HTX Nam Phú Bình 100ha; Công ty TNHH Lương thực Phước Thịnh ký với HTX Hưng Tân 250ha.
Nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân, UBND huyện Phú Tân đề nghị ngành chuyên môn tỉnh giới thiệu thêm doanh nghiệp (DN) đến tiêu thụ lúa, nếp trên địa bàn huyện.
Đối với mặt hàng lúa, diễn biến dịch bệnh Covid-19 không quá đáng lo bởi hiện nay, Trung Quốc không phải là thị trường chiếm thị phần nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Đối với nếp, nếu liên kết phân phối tốt thì hoàn toàn có thể tiêu thụ nội địa hoặc DN thu mua nếp tươi, sấy khô rồi tích trữ vào kho chờ thời điểm thích hợp xuất khẩu (nếp khô bảo quản được lâu).
Đối với xoài, nếu tính toán lại giống xoài, tiêu chuẩn chất lượng, hướng đến phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu sang những thị trường tiềm năng, giá trị cao thì có thể giải quyết được đầu ra lâu dài.
Điển hình như ở vùng biên giới An Phú, HTX Long Bình vẫn hoạt động tốt khi tập trung liên kết với nông dân ở các xã: Khánh Bình, Khánh An và thị trấn Long Bình để xây dựng vùng nguyên liệu xoài Keo, hợp đồng thu mua để giao cho các DN đặt hàng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang các quốc gia như: Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ…
Chủ nhiệm HTX Long Bình Huỳnh Thanh Minh cho biết, giá mua xoài Keo tại vườn hiện bình quân 15.000 đồng/kg, trong khi giá bán loại xoài này tại chợ là 30.0000 đồng/kg. “Khi nông dân tuân thủ tốt quy trình canh tác an toàn, sản phẩm xoài hoàn toàn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang những thị trường khó tính” - ông Minh nhấn mạnh.
Thấy được khuynh hướng này, UBND huyện Chợ Mới đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn để có thể tiêu thụ được nhiều thị trường.
Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, các DN tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó là tăng cường công tác mời gọi đầu tư, đặc biệt đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến nhằm đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị của các loại cây ăn trái như: xoài, mít, sầu riêng…
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/go-kho-cho-nong-san-thoi-virus-corona-a264487.html