Gỡ khó cho tài chính xanh

Không chỉ đẩy mạnh tín dụng xanh, các ngân hàng còn tích cực huy động dòng vốn từ tiền gửi xanh, trái phiếu xanh...

Ngân hàng (NH) HSBC Việt Nam mới đây ký thỏa thuận tài trợ khoản tín dụng xanh đầu tiên trong lĩnh vực thủy sản cho Công ty CP Vĩnh Hoàn. Trong khi đó, NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa lần đầu tiên huy động thành công 2.000 tỉ đồng trái phiếu xanh để cho vay đối với dự án bảo vệ môi trường hoặc đem lại lợi ích về môi trường.

Sôi động dòng vốn xanh

Nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu xanh sẽ được Vietcombank giải ngân cho các dự án thuộc 7 lĩnh vực: năng lượng tái tạo, giao thông bền vững, quản lý nước, công trình xanh, quản lý chất thải, nông - lâm - thủy sản bền vững và năng lượng hiệu quả.

Theo Vietcombank, việc lần đầu tiên phát hành trái phiếu xanh là cột mốc quan trọng của NH trong chiến lược ESG (quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp (DN) - PV) và tuân thủ tự nguyện nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA). "Nhu cầu đầu tư vào dự án thân thiện với môi trường ngày càng tăng và trái phiếu xanh là công cụ hiệu quả để huy động vốn hỗ trợ với chi phí hợp lý" - Vietcombank cho biết.

Bà Helena McLeod, quyền Tổng Giám đốc Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI), nhận định đợt phát hành trái phiếu xanh thành công của Vietcombank cho thấy nhu cầu, sự tín nhiệm ngày một lớn từ phía nhà đầu tư đối với các dự án xanh. Đây là tín hiệu tích cực trong việc huy động dòng vốn từ khối tư nhân phục vụ mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam.

Thống kê của FiinGroup cho thấy từ đầu năm tới nay đã có 4 lô trái phiếu xanh được phát hành theo nguyên tắc của ICMA với tổng giá trị 6.900 tỉ đồng (khoảng 394 triệu USD), chiếm khoảng 2% tổng giá trị phát hành trong kỳ.

Bên cạnh trái phiếu xanh, một số NH thương mại còn đẩy mạnh thu hút tiền gửi xanh. Tháng 8-2024, NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) huy động thành công hơn 5.000 tỉ đồng từ sản phẩm Tiền gửi xanh. NH Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng huy động vốn qua sản phẩm Tiền gửi xanh; dành 5.000 tỉ đồng trong chương trình tài chính xanh Green UP cấp vốn cho các dự án, phương án mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội.

Về phía DN, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn, cho hay việc theo đuổi mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản nhiều năm qua giúp công ty tối ưu hóa chuỗi giá trị, giảm thiểu chất thải và tạo ra giá trị từ phụ phẩm. "Công ty CP Vĩnh Hoàn đạt các chứng nhận quốc tế của Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản và Tiêu chuẩn Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất. Đó là những yếu tố chính giúp DN nhận được khoản vay thương mại xanh" - bà Tâm thông tin.

Sản phẩm của Công ty CP Vĩnh Hoàn - doanh nghiệp thủy sản vừa được nhận khoản tín dụng xanh từ Ngân hàng HSBC Việt NamẢnh: NGỌC ÁNH

Sản phẩm của Công ty CP Vĩnh Hoàn - doanh nghiệp thủy sản vừa được nhận khoản tín dụng xanh từ Ngân hàng HSBC Việt NamẢnh: NGỌC ÁNH

Chờ danh mục phân loại xanh

Ông Hà Huy Cường, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Nam Á (Nam A Bank), cho biết đang phối hợp với các đối tác là tổ chức tài chính quốc tế xây dựng danh mục xanh với các tiêu chí cụ thể dựa trên từng ngành. Ngành nghề nào được cấp tín dụng xanh sẽ được ưu tiên phát triển về nguồn vốn, lãi suất cho vay, ưu tiên xử lý hồ sơ...

Đáng chú ý, Nam A Bank đã đồng hành với DN trong hành trình xanh. Chẳng hạn, NH tư vấn ngay từ đầu để xây dựng khung tín dụng xanh, số hóa... cho một DN tại tỉnh Long An đầu tư kho lạnh trị giá 100 triệu USD. Hay với một dự án khu du lịch xanh ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, NH cũng phối hợp với tổ chức quốc tế cấp chứng chỉ vật liệu xây dựng xanh.

Tuy vậy, các NH vẫn gặp khó khăn do chưa có danh mục phân loại xanh để làm căn cứ cấp tín dụng. Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), phân tích rằng việc thiếu khung pháp lý, khung chính sách cho các dự án xanh, thiếu khái niệm và danh mục xanh dẫn đến vướng mắc trong khâu đánh giá dự án. "Nhiều DN lo ngại dự án xanh có thể không mang lại lợi nhuận ngay hoặc có thể gặp rủi ro cao, nhất là khi chi phí đầu tư ban đầu lớn. Việc tìm kiếm nguồn bổ sung để thực hiện dự án có thể là rào cản khiến DN do dự đầu tư vào dự án bền vững, dù về lâu dài có thể mang lại lợi ích kinh tế" - ông Hải nói.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, nếu năm 2017 chỉ có 5 tổ chức tín dụng tham gia tín dụng xanh thì nay đã có 50 đơn vị phát sinh tổng dư nợ xanh khoảng 650.000 tỉ đồng. Dù vậy, các bộ, ngành liên quan cần có hướng dẫn về danh mục phân loại xanh để tổ chức tín dụng có căn cứ cấp vốn. "Đầu tư vào lĩnh vực xanh đòi hỏi nguồn vốn lớn và kỳ hạn dài trong khi nguồn vốn huy động của hệ thống NH rất ngắn hạn" - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu thêm.

Còn nhiều dư địa

Theo ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia, Kinh tế trưởng tại Việt Nam của NH Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng tài chính xanh của nước ta khá tích cực nhưng vẫn ở mức thấp, khi tín dụng xanh chỉ đạt 4,5% tổng dư nợ của hệ thống NH. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội, dư địa để tăng trưởng tín dụng xanh trong thời gian tới. "DN Việt Nam cần bắt đầu triển khai báo cáo xanh và phát triển bền vững, thảo luận với NH về khoản vốn vay xanh mà NH có. Riêng DN lớn có thể phát hành trái phiếu xanh và bền vững" - ông Hùng gợi ý.

L.Thúy

THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/go-kho-cho-tai-chinh-xanh-19624120819023949.htm