Gỡ khó cho văn học chiến tranh cách mạng lan tỏa trong thời đại số
50 năm đất nước thống nhất, nhiều sự phát triển và thay đổi đã mang về nhiều thành tựu nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Dòng văn học chiến tranh cách mạng cũng đứng trước nhiều khó khăn đòi hỏi phải thay đổi theo xu thế mới, nhất là trong một thế giới phẳng và thời đại của công nghệ số như hôm nay.
Cần một cuộc chuyển giao ký ức giữa hai thế hệ
Cách đây 3 năm, trong một trại sáng tác tôi gặp nhà thơ Vũ Ngọc Thư, một thương binh 2/4, người đã đi qua chiến chinh với những vết thương hiện hữu nơi cơ thể. Tôi lúc ấy, chỉ biết chiến tranh qua những bài học lịch sử, qua những tác phẩm văn chương. Anh người Bắc, tôi người Nam, vẫn cứ say sưa chuyện văn chương và ký ức một thời lửa đạn của anh.
Tôi ấn tượng câu chuyện 5 người lính dắt nhau đi với 6 cái chân, 8 cánh tay và 5 cái đầu đều chẳng bình thường bởi còn sót lại tàn tích cuộc chiến trong đấy. Có người là mảnh đạn găm vào. Có người là sự chấn thương của não. Từ nhiều câu chuyện của anh, tôi lấy làm chất liệu để viết những truyện ngắn đề tài chiến tranh cách mạng đăng trên một số báo. Tôi gọi đó là một cuộc chuyển giao ký ức giữa hai thế hệ.

“Cây bút vàng” là giải thưởng uy tín phát hiện nhiều tác giả trẻ viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.
Chúng ta có rất nhiều nhà văn đã đi qua cuộc chiến, nhưng, phải nói thật, họ đã gần kề đến thời khắc về với đất cùng những đồng đội của mình. Vậy những ký ức đó, những câu chuyện thực sự tạo ra cảm xúc mãnh liệt đó chẳng lẽ cũng chôn vùi đi. Trong khi lứa viết trẻ chúng tôi muốn viết về chiến tranh, về người lính, về những vấn đề hậu chiến không thể ngồi một nơi, giở lịch sử, tra tư liệu mà viết. Bởi đó chỉ là xác chữ. Cái độc giả cần là hồn chữ.
Những người viết trẻ chúng tôi có hiện tại nhưng quá khứ thì rất cần những câu chuyện mà chính người đi qua cuộc chiến mới có thể nhóm lên trong lòng chúng tôi một ngọn lửa xúc cảm. Việc nối liền hai miền thời gian, không gian sẽ giúp cho người viết trẻ chạm vào đề tài này một cách tự tin hơn.
Nhưng, để có cuộc chuyển giao này, kỳ thực với người viết trẻ như tôi chỉ tìm thấy ở trại sáng tác của NXB Công an nhân dân, NXB Quân đội nhân dân, Tạp chí Văn nghệ quân đội, hay trại sáng tác “Về nguồn” của các Hội VHNT… Vậy rất cần thêm nhiều đơn vị hay các cơ quan có liên quan, có trách nhiệm, tạo thêm nhiều cuộc giao lưu, trại sáng tác mở nữa, cho các cây bút trẻ, những người viết trẻ chưa là hội viên Hội Nhà văn, được tham gia và tiếp xúc với những nhân chứng sống này. Bởi đó chính là một mồi lửa bén, nhóm lên trong chúng tôi những cơn cháy hết mình cho đề tài này.
Tạo thêm môi trường và thay đổi mỹ thuật
Theo tôi biết ngoại trừ các cuộc thi định kỳ của NXB Công an nhân dân và của Tạp chí Văn nghệ quận đội dành cho thơ và truyện ngắn hay cuộc thi 5 năm của Bộ Quốc phòng, thì NXB Quân đội nhân dân có in sách về đề tài chiến tranh cách mạng của các tác giả hàng năm, nhưng chưa thể kích thích nhiều tác giả tìm đến với bản thảo hay, xuất sắc cho mảng đề tài này.
Nên chăng có một cuộc thi thường niên từ các tờ báo như Công an nhân dân, Quân đội nhân dân để tạo dựng thương hiệu như một số đơn vị đã làm rất gây tiếng vang như Văn học tuổi 20 của NXB Trẻ, Cây bút vàng của NXB Công an nhân dân… Bởi chính từ các cuộc thi sẽ tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng và lan tỏa đi dòng văn chương về chủ đề chiến tranh và người lính rất hữu hiệu.
Các cuộc thi luôn là nơi thu hút rất nhiều các cây bút tài năng, những cây bút trẻ tìm đến với những tác phẩm ưng ý, tâm huyết nhất. Hiện tại, làng văn mỗi năm rất nhiều cuộc thi lớn nhỏ, nhưng chuyên biệt cho đề tài này thì quả thực rất ít. Từ sự đánh động của các cuộc thi, các ấn phẩm về đề tài này được in thành tuyển tập sẽ tạo sự góp mặt vào dòng sách vốn khá ít trong các đầu sách được in trên thị trường. Từng chút một, thị phần và văn hóa đọc, cũng như sự chọn lựa của độc giả sẽ khiến tác phẩm văn chương về đề tài này lan tỏa hơn trong bối cảnh quá nhiều sự chọn lựa cho giải trí của người dân.
Đổi mới trình bày, minh họa cũng là một yếu tố mà chúng ta cần cân nhắc để sách dễ dàng tiếp cận từ cái nhìn đầu tiên với độc giả. Phần lớn các đầu sách đề tài này luôn có những bìa sách rất xưa cũ, chưa bắt mắt và không thể tạo ấn tượng. Với xu thế mới ngày nay, bìa sách và trình bày minh họa luôn được độc giả chú ý. Cảm quan đầu tiên bằng mắt luôn là sự thu hút trước nhất cho một sự lựa chọn. Như chúng ta ăn một món ăn, điều đầu tiên là nhìn phần trang trí món trước tiên sau đó mới đến phần ăn.
Tôi có dịp đi Hàn Quốc và Nhật Bản, khi ghé đến các nhà sách, ngay cái nhìn đầu tiên, tôi đã thấy ấn tượng trước cách vẽ bìa của họ. Nó đập vào mắt mình sự ám gợi, tò mò khiến mình phải tiến đến, mở trang sách ra, dù ngay lúc đó tôi chẳng biết cuốn sách viết gì. Nhưng, cuốn sách chinh phục tôi bởi nó đẹp. Cái ấn tượng đầu tiên đó, sẽ luôn là ấn tượng khiến độc giả thích thú và dễ gây nên sự chọn lựa cảm tính của họ. Giữa một cuốn sách viết về đề tài cuộc sống gia đình minh họa bìa lung linh và một cuốn sách viết về chiến tranh với bìa giản đơn theo phong cách cũ, độc giả sẽ lựa chọn sự mới mẻ, hợp thời và bắt mắt với mình nhất.
Vận dụng truyền thông số để lan tỏa tác phẩm và tác giả
Với người trẻ, đây sẽ là mấu chốt. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, trong thế giới phẳng ngày nay, thì truyền thông không còn là cuộc chơi của các ấn phẩm in ấn như các chuyên mục điểm sách, giới thiệu tác giả trên báo nữa. Chúng ta cần nhìn nhận 3 yếu tố của truyền thông số đã chinh phục công chúng nhất là công chúng trẻ ngày nay, đó là nhanh - sâu - và rộng.
Với việc tận hưởng sự tiện ích tối đa của công nghệ số, chúng ta sẽ lan tỏa các tác phẩm văn học về đề tài này một cách hữu hiệu hơn, tiếp cận độc giả thuộc phân khúc thị trường của mình. Hầu hết các tác phẩm văn chương chủ đề đời sống xã hội đều tận dụng công nghệ số để làm truyền thông. Từ đó cuốn sách, tác giả nhanh chóng đến tay bạn đọc yêu thích, tiếp cận trực diện vào đúng đối tượng mình đang hướng tới, và hơn hết là độ lan tỏa cực kỳ tốt.
Nhà xuất bản Hội Nhà văn gần đây có những phiên livestream giới thiệu các cuốn sách khá thành công. Tôi cho rằng đây là một bước tiến mới của đội ngũ kinh doanh của Nhà xuất bản và sự quyết liệt thay đổi của nữ giám đốc trẻ. Bởi lần đầu tiên, mới có một nhà xuất bản không thuộc đơn vị tư nhân lại có phương thức marketing năng động như vậy.
Hầu như các phiên live giới thiệu sách của Nhà xuất bản Hội Nhà văn đều mời các tên tuổi định danh trên văn đàn đến trò chuyện, giao lưu và tương tác trực tiếp từ nội dung cuốn sách, đến tác giả và những câu chuyện văn chương bên lề. Điều này là một sự mới mẻ, hấp dẫn khiến các cuốn sách của nhà xuất bản nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng và bán rất nhanh. Điển hình là Chuyên đề Viết & Đọc, hầu như luôn cháy hàng khi vừa mở bán.
Chúng ta có tác phẩm, có sách in và chúng ta đưa cuốn sách đó ra thị trường. Thay vì đi theo cách cũ là phân phối về các nhà sách thì bây giờ thêm một kênh phân phối nữa đó chính là các trang mạng xã hội. Sự giao lưu, mua bán trên các kênh online ấy nhìn nhận thực tế rất hữu ích và chiếm ưu thế trong thời đại mà tiêu dùng luôn theo xu thế giản tiện và trực diện.
Chính tính năng vượt trội của truyền thông số khiến thông tin lan nhanh hơn chờ một tờ báo in điểm tin, giới thiệu. Độc giả luôn cần những thông tin nóng hổi như vậy về một cuốn sách mà họ quan tâm. Cung và cầu dường như tìm được tiếng nói chung, đồng thuận nhất để từ đó lan tỏa thông tin theo cấp số nhân rất nhiều. Vì thế tức thì độ phủ rộng của thông tin về cuốn sách, về tác giả tự khắc lan xa, bay xa một cách hữu hiệu đôi khi chỉ sau 1 tiếng đồng hồ.
Cũng cần nói thêm, với truyền thông số, nơi nào có mạng Internet nơi đó sẽ tiếp cận được những thông tin này. Với cách thức tiếp cận cũ qua các kênh phát hành là nhà sách, bưu điện, điểm bán báo thì rõ ràng các trang mạng, các kênh online sẽ có độ phủ sâu hơn, thậm chí đến các vùng xa xôi hẻo lánh. Và hầu hết mọi vùng miền của Việt Nam đều đã kết nối mạng Internet.