Gỡ khó cho vườn ươm phát triển công nghệ
Cần vốn phát triển công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm nhưng mức hỗ trợ thấp, thủ tục khó khăn nên nhiều doanh nghiệp đành tự bơi
Dù TP Cần Thơ có nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp (DN) đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhưng nhiều DN vẫn chưa mặn mà.
Hỗ trợ còn ít
TP Cần Thơ hiện có khoảng 8.000 DN (chủ yếu là DN nhỏ và vừa) đang hoạt động. Thời gian qua, trung ương và TP có nhiều chính sách ưu đãi cho DN, tổ chức, cá nhân trong đổi mới công nghệ, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều DN nhỏ và vừa trên địa bàn không mặn mà với chính sách này do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là nguồn vốn ngân sách hỗ trợ không nhiều, chỉ 30% trên tổng mức đầu tư của dự án, tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án.
Ông Phạm Hoàng Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất máy nông nghiệp Hoàng Thắng (phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), phản ánh: "Trước đây, tôi làm một dự án "Đổi mới sản phẩm, đổi mới công nghệ sản xuất máy móc phục vụ cho nông nghiệp" và đã tiếp cận được chính sách của TP là hỗ trợ vốn 30% cho dự án. Nhưng khi thực hiện, vướng phải cơ chế chính sách của ngành tài nguyên - môi trường, ngân hàng. Chính sách hỗ trợ vốn 30% trên tổng mức đầu tư dự án nhưng mình phải có 70% vốn đối ứng. Do không có đủ khoản này nên cuối cùng không thực hiện được dự án".
Trong khi đó, DN tại Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP, đặt ở KCN Trà Nóc 2, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) muốn phát triển cũng gặp không ít khó khăn. KVIP được khánh thành vào ngày 14-11-2015, là dự án hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc. KVIP có diện tích 13.000 m2 bao gồm khu văn phòng làm việc và các khu thí nghiệm, nhà xưởng với trang thiết bị hiện đại, tổng mức đầu tư hơn 21 triệu USD (vốn ODA Hàn Quốc không hoàn lại khoảng 17,7 triệu USD). Mục tiêu của dự án là hỗ trợ nghiên cứu phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh của TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung. KVIP được xây dựng theo mô hình Techno Park của Hàn Quốc, đây là một trong những mô hình cơ bản giúp Hàn Quốc từ nghèo khó sau chiến tranh đã phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong quá trình hình thành và phát triển, bên cạnh những kết quả đạt được, KVIP còn có những khó khăn về tiềm lực khoa học và công nghệ (KH-CN), cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực còn khiêm tốn. Ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc KVIP, cho biết: "Vườn ươm hoạt động theo Quyết định 1193/QĐ-TTg nhưng trong quá trình hoạt động có cái khó là DN ươm tạo chưa tiếp cận được nguồn kinh phí hỗ trợ và chính sách về đất đai sau ươm tạo. Vừa qua, UBND TP Cần Thơ có quyết định chuyển KVIP từ Sở Công Thương sang Sở KH-CN quản lý".
Xã hội hóa quỹ KH-CN
Dù đã khuyến khích nhưng nhiều DN vẫn chưa quan tâm thành lập quỹ KH-CN để tạo nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động KH-CN. Ở TP Cần Thơ chỉ có 2 DN thành lập quỹ phát triển KH-CN là Công ty CP Dược Hậu Giang và Công ty TNHH Sản xuất máy nông nghiệp Hoàng Thắng. Lãnh đạo TP Cần Thơ yêu cầu các ban, ngành cần tập trung thực hiện việc xã hội hóa để thành lập quỹ KH-CN cũng như có chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ.
Qua gần 4 năm, KVIP đã hỗ trợ 7 DN ươm tạo các sản phẩm như: bột cá, máy gieo hạt, sữa gạo, bột yến sâm thảo dược… Trong đó, Công ty TNHH Phạm Nghĩa T&N đã thành công với sản phẩm chả cá thát lát nhân trứng muối. Theo Sở Công Thương, KVIP đã hỗ trợ tích cực cho các DN trong hoạt động nghiên cứu sản xuất như: liên kết chuyên gia lĩnh vực chế biến thực phẩm giải quyết một số điểm yếu trên sản phẩm khô cá basa, bánh snack da cá basa cũng như kết nối xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.
Từ năm 2016-2018, KVIP đã ký kết 13 biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm của chuyên gia cũng như khai thác các trang thiết bị. Đồng thời, hợp tác với 27 chuyên gia đến từ các viện, trường, các đơn vị nhằm hỗ trợ KVIP các đề tài về khoa học có tính ứng dụng cao. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng cử 2 chuyên gia đến vườn ươm để hỗ trợ.
Theo bà Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH-CN TP Cần Thơ, cơ quan này đã làm các thủ tục để tiếp nhận KVIP từ Sở Công Thương. "Chức năng của KVIP phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Sở KH-CN. Hiện tại, KVIP hoạt động theo cơ chế thí điểm của Quyết định 1193/QĐ-TTg, đến năm 2020 sẽ hết hiệu lực. Đến lúc đó, sở sẽ xây dựng đề án KVIP hoạt động lại như một tổ chức KH-CN theo Nghị định 54/2016/NĐ-CP (quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức KH-CN công lập) cho phù hợp với hoạt động của KVIP" - bà Phương nói.
Giải quyết khó khăn về vốn
Ông Phạm Minh Quốc cho rằng hoạt động của KVIP phù hợp với lĩnh vực quản lý, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở KH-CN nên khi được chuyển giao về sở này thì sẽ giải quyết được khó khăn về kinh phí hỗ trợ cho DN. Ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, yêu cầu Sở Công Thương và Sở KH-CN hỗ trợ vườn ươm tạo lập các kênh thông tin quảng bá, tạo mối quan hệ với các DN, kêu gọi DN tham gia ươm tạo tại KVIP.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/go-kho-cho-vuon-uom-phat-trien-cong-nghe-20191027215147995.htm