Gỡ khó cho xuất khẩu

Dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của cả nước nói chung và của Hà Nội nói riêng. Nhiều thị trường nước ngoài đóng cửa, đơn hàng bị hủy, sức tiêu thụ chậm… Trước tình hình đó, chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông hàng Việt Nam ra thế giới.

Dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của cả nước nói chung và của Hà Nội nói riêng. Nhiều thị trường nước ngoài đóng cửa, đơn hàng bị hủy, sức tiêu thụ chậm… Trước tình hình đó, chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông hàng Việt Nam ra thế giới.

Bài 1: Nỗ lực duy trì hoạt động của doanh nghiệp

Kim ngạch xuất khẩu bảy tháng đầu năm 2020 của thành phố Hà Nội đạt 8.291 triệu USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2019 do hầu hết các đơn hàng đều bị hoãn hoặc hủy, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội phải nỗ lực tìm kiếm giải pháp để giảm thiệt hại, duy trì hoạt động.

Khó khăn

Là doanh nghiệp xuất, nhập khẩu chủ lực của thành phố, Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Công ty CP (Hapro) có nhiều mặt hàng xuất khẩu tới gần 80 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhưng trước tác động của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đầu năm 2020 của Hapro chỉ đạt 17,21 triệu USD, bằng 48,04% so với cùng kỳ năm 2019. Ðại diện lãnh đạo đơn vị cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp đã phải hủy đăng ký tham gia nhiều hội chợ thương mại lớn, chuyên ngành, có vai trò quan trọng trong quảng bá thương hiệu, tìm kiếm các đối tác, khách hàng mới được tổ chức trong năm 2020.

Dệt may và da giày cũng là hai lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch Covid-19. Ðầu năm 2020, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn nguyên liệu, nay khi vấn đề nguyên liệu đã cơ bản được khơi thông, thì đầu ra lại gặp khó khăn, khi đơn hàng từ các thị trường như Mỹ, EU… đều bị hoãn hoặc bị hủy, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán. Ðại diện các đơn vị như Tổng công ty May 10, Tổng công ty CP May Hưng Yên, Tập đoàn Dệt may Việt Nam... cho biết, hiện chỉ còn các đơn hàng cũ đến khoảng tháng 9, chưa có đơn hàng mới và dự báo đến cuối năm, tình hình chưa thể khởi sắc. Bên cạnh đó, sự phục hồi của nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu giảm có thể khiến giá sản phẩm dệt may trên toàn thế giới giảm 20%.

Ðối với hàng thủ công mỹ nghệ, tình hình dịch bệnh cũng khiến thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản… khá dè dặt trong việc đặt hàng. Hầu hết làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội như làng nghề điêu khắc Dư Dụ (huyện Thanh Oai), làng sơn mài Duyên Thái và làng thêu Quất Ðộng (huyện Thường Tín)… đều đã giảm tới 70% doanh thu do không có đơn hàng xuất khẩu. Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, năm nay, hoạt động xuất khẩu không thể tăng trưởng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hầu như không có đơn hàng mới, phần lớn đối tác đều yêu cầu hủy hoặc lùi thời gian giao hàng.

Những tín hiệu khả quan

Theo Cục Thống kê Hà Nội, kim ngạch xuất khẩu bảy tháng đầu năm 2020 của thành phố ước đạt 8.291 triệu USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 12 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội, kim ngạch xuất khẩu của chín nhóm hàng giảm so với cùng kỳ năm 2019. Ðiện thoại và linh kiện giảm 41,7%; hàng nông sản giảm 15,6%; hàng dệt may giảm 14,7%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện giảm 13,9%; xăng, dầu giảm 43%; máy móc, thiết bị, phụ tùng giảm 13,6%... Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ hạn chế hoạt động thương mại và tiêu dùng, kinh tế đình trệ và sức mua giảm đáng kể. Cả năm thị trường xuất khẩu lớn của Hà Nội đều giảm kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019, như thị trường Mỹ giảm 1,5%, các nước ASEAN giảm 9,7%, Nhật Bản giảm 10,9%, các nước EU giảm 22,5% và Trung Quốc giảm 20,1%. Kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường còn lại chiếm tỷ trọng 30,8%, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội vẫn nỗ lực tìm kiếm giải pháp giảm thiệt hại, duy trì hoạt động. Ðại diện Hapro cho biết, đơn vị đã cố gắng mở rộng thị trường, phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu mới, nâng hiệu quả lợi nhuận xuất khẩu và bảo đảm an toàn nguồn vốn. Tổng công ty May 10 nỗ lực khai thác các đơn hàng khẩu trang, quần áo kháng khuẩn, đồ bảo hộ y tế... Bảy tháng đầu năm, bên cạnh các nhóm hàng giảm xuất khẩu, vẫn có ba nhóm hàng tăng kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2019. Ðó là nhóm hàng gốm sứ đạt 118 triệu USD, tăng 9,9%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 293 triệu USD, tăng 3,6%. Ðáng lưu ý, do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, trang thiết bị y tế của thế giới tăng mạnh, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng này, đạt 2.659 triệu USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng mặt hàng gạo, tuy vẫn tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2019 (-2,1%) nhưng đang phục hồi nhờ đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường các nước ASEAN, châu Phi, Cu-ba…

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải nhận định, trong bối cảnh chung đó, các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế trong nước tiếp tục giữ vai trò chủ lực tăng trưởng xuất khẩu. Cụ thể, bảy tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước chiếm 61% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm tỷ trọng 39%. Qua đó, có thể thấy những nỗ lực của doanh nghiệp Hà Nội nhằm vượt qua khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, để có thể giữ đà tăng trưởng xuất khẩu, cần đẩy mạnh những giải pháp đồng bộ, hiệu quả và phù hợp tình hình mới.

(Còn nữa)

Nguyên Trang

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/go-kho-cho-xuat-khau-614634/