Gỡ khó cho y tế trường học

PTĐT - Mọi năm, Bảo hiểm xã hội (BHXH) đều trích chuyển 5% số thu bảo hiểm y tế (BHYT) cho các trường để chi vào các hoạt động y tế, trong đó có chi phí chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tuy nhiên, năm nay để được trích chuyển 5% thì BHXH yêu cầu nhân viên y tế của các trường...

Nhân viên y tế Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thành phố Việt Trì thăm khám sức khỏe cho học sinh.

Nhân viên y tế Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thành phố Việt Trì thăm khám sức khỏe cho học sinh.

PTĐT - Mọi năm, Bảo hiểm xã hội (BHXH) đều trích chuyển 5% số thu bảo hiểm y tế (BHYT) cho các trường để chi vào các hoạt động y tế, trong đó có chi phí chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tuy nhiên, năm nay để được trích chuyển 5% thì BHXH yêu cầu nhân viên y tế của các trường phải có chứng chỉ hành nghề (mọi năm không có tiêu chí này). Như thế, vô hình dung, yêu cầu này đã tạo ra nhiều bất cập cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn vì đa số nhân viên y tế đều không có chứng chỉ hành nghề.
Tiền có nhưng... khó lấy
Nhiều năm nay, kinh phí dành cho y tế trường học (YTTH) của các trường chủ yếu “trông chờ” từ nguồn BHYT trích lại. Tổng số tiền mà BHYT thu được của mỗi học sinh là 563.220 đồng/12 tháng; các trường được trích lại 5% tổng thu quỹ BHYT trên tổng số học sinh (tương đương 28.161đồng/năm/học sinh). Giả sử một trường có 1.000 học sinh thì mỗi năm có số tiền chăm sóc sức khỏe ban đầu trên 33,5 triệu đồng. Số tiền này giúp các trường mua sắm thiết bị y tế và hỗ trợ trả lương hợp đồng cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, ngày 17/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 146, quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, theo đó, tại điểm a, khoản 1 Điều 34 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định: “Có ít nhất một người có đủ điều kiện hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh làm việc chuyên trách hoặc kiêm nhiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu”. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Khám chữa bệnh: “Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của luật này”. Như vậy, một trong những điều kiện để được trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu là nhân viên y tế của các cơ sở giáo dục hoặc cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hầu hết các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh một năm nay không nhận được số tiền trích lại từ BHYT để chi cho các hoạt động y tế. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 934 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập và tư thục với gần 380 nghìn học sinh. Tuy nhiên, toàn tỉnh cũng chỉ mới có 28 trường có biên chế nhân viên YTTH, còn lại là giáo viên kiêm nhiệm, hợp đồng và hầu hết không có chứng chỉ hành nghề. Vì thế từ đầu năm đến nay, các cơ sở giáo dục không được trích chuyển số tiền 5% từ BHYT. Nhiều cơ sở giáo dục không có tiền mua sắm các thiết bị y tế và hỗ trợ tiền lương hợp đồng cho nhân viên YTTH. Thầy giáo Hoàng Công Tuấn- Hiệu trưởng Trường THCS Dữu Lâu, thành phố Việt Trì cho biết: “Do nhân viên y tế nhà trường không có chứng chỉ hành nghề nên từ đầu năm 2019 đến nay, nhà trường phải vay tiền để trả cho nhân viên y tế hợp đồng”.Khó khăn của Trường THCS Dữu Lâu cũng là khó khăn chung của tất cả các cơ sở giáo dục trong suốt một năm nay. Lý giải vấn đề này, ông Phan Sỹ Liên-Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: “Để đủ điều kiện trích chuyển 5% BHYT các cơ sở giáo dục phải đủ điều kiện đạt chuẩn về nhân viên y tế, phòng y tế theo quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Do các văn bản hướng dẫn thực hiện chậm nên các cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị trích chuyển. Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ tạo điều kiện về thời gian để các cơ sở giáo dục hoàn thiện hồ sơ. Nếu như hồ sơ, giấy tờ của cơ sở giáo dục không đạt yêu cầu theo quy định sẽ không được trích chuyển”.

Trường THPT Công nghiệp Việt Trì phối hợp với Bệnh viện Xây dựng Việt Trì tổ chức khám sức khỏe ban đầu cho học sinh năm học 2019-2020.

Trường THPT Công nghiệp Việt Trì phối hợp với Bệnh viện Xây dựng Việt Trì tổ chức khám sức khỏe ban đầu cho học sinh năm học 2019-2020.

Giải quyết bất cậpĐể “gỡ khó” cho các cơ sở giáo dục, ngành Bảo hiểm xã hội hướng dẫn các cơ sở giáo dục về điều kiện thực hiện hồ sơ khi cho phép các cơ sở giáo dục ký kết hợp đồng với cơ sở (Trạm y tế xã, phường, Phòng khám đa khoa) hoặc cá nhân miễn là cơ sở, cá nhân đó đủ điều kiện khám chữa bệnh theo quy định hiện hành để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, nghĩa là có chứng chỉ hành nghề. Và để đủ điều kiện trích chuyển, nhiều cơ sở giáo dục đã ký hợp đồng với nhân viên các Trạm y tế và Trung tâm y tế huyện, thành, thị. Qua rà soát, đến nay, toàn tỉnh có trên 500 cơ sở giáo dục ký kết hợp đồng với nhân viên các Trạm y tế hoặc Trung tâm y tế và người có chứng chỉ hành nghề, còn gần 400 trường vẫn là giáo viên kiêm nhiệm, hợp đồng làm công tác YTTH. Việc ký hợp đồng với các cơ sở khám, chữa bệnh cũng nảy sinh nhiều băn khoăn đối với hoạt động của nhà trường. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Thịnh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thành phố Việt Trì bày tỏ: “Nhân viên y tế là người của Trạm y tế sẽ không đảm bảo tính kịp thời của việc sơ cấp cứu ban đầu đối với các tai nạn, sự cố về sức khỏe của học sinh. Hơn nữa, nhà trường sẽ rất khó khăn trong việc theo dõi sức khỏe, sự phát triển của học sinh tại nhà trường. Với trường có sĩ số trên 2.000 học sinh học bán trú, chúng tôi cần có nhân viên YTTH chuyên trách, thường trực ở trường”. Theo quy định về vị trí việc làm, mỗi cơ sở giáo dục đều có một nhân viên YTTH chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. Công việc của nhân viên YTTH được ví như nuôi “con mọn”, phải xử lý các tình huống khi học sinh bị cảm sốt, nghịch ngợm, leo trèo dẫn đến tai nạn thương tích. Bếp ăn bán trú phải do cán bộ y tế chịu trách nhiệm an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi mùa có dịch bệnh, nhân viên YTTH phải xử lý môi trường. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân như tinh giản biên chế, chủ trương sắp xếp lại trường, lớp học dẫn đến nhân viên y tế các cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức nên xảy ra tình trạng kiêm nhiệm, không có trình độ chuyên môn. Mặt khác, không phải trường nào cũng ký hợp đồng được với nhân viên trạm y tế do họ cũng không thể kham nổi hai vai. Ông Nguyễn Ánh Hoàng - Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Phú Thọ cho biết: “Toàn thị xã vẫn còn 2 trường mầm non không có nhân viên YTTH và không ký được hợp đồng. Mỗi khi học sinh gặp vấn đề về sức khỏe như đau bụng, đau đầu hay bị sốt đều do giáo viên xử lý hoặc chuyển sang trạm y tế, nặng hơn thì báo với phụ huynh đón về”.Theo phản ánh của các cơ sở giáo dục, không chỉ việc trích chuyển 5% BHYT cho các nhà trường gặp khó, việc tổ chức khám sức khỏe ban đầu hằng năm cho học sinh cũng khó khăn là do mời các cơ sở khám chữa bệnh, trung tâm y tế về khám có yêu cầu kinh phí rất cao. Nhiều trường không thể tổ chức khám được khi không thể thu các khoản chi phí này từ học sinh. Do không tổ chức khám sức khỏe, nhiều nhà trường cũng không thể quản lý và lưu hồ sơ sức khỏe của học sinh.Như vậy là, BHYT vẫn đóng hằng năm, nhưng rất khó tổ chức khám sức khỏe ban đầu theo quy định đối với mỗi cơ sở giáo dục. Để giải quyết vấn đề này cần có sự thống nhất, phối hợp của nhiều ngành chức năng. “Ngành giáo dục chỉ có thể đảm bảo cho công tác dạy và học, còn về biên chế, khám chữa bệnh, BHYT, chúng tôi rất mong có sự vào cuộc của các ngành: Y tế, Bảo hiểm, Nội vụ để các nhà trường yên tâm tổ chức các hoạt động dạy và học”, ông Phùng Quốc Lập-Phó Giám đốc Sở GD&ĐT chia sẻ.Thực tế cuộc sống và nhiệm vụ giáo dục giai đoạn mới đặt ra yêu cầu đối với các nhà trường, cả mầm non và phổ thông, phải quan tâm hơn nữa đến công tác truyền thông, chăm sóc, giáo dục sức khỏe cho học sinh, giúp các em có kiến thức, kỹ năng chủ động phòng chống dịch bệnh và các tệ nạn xã hội. Vẫn biết Nghị định 146/2018/NĐ-CP nhằm chuẩn hóa đội ngũ nhân viên YTTH, tuy nhiên quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều bất cập, cần có thời gian, lộ trình và sự phối hợp của các ngành chức năng để “gỡ khó” cho các cơ sở giáo dục.

Phòng CT-XH

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/201912/go-kho-cho-y-te-truong-hoc-168421