'Gỡ khó' chuyển đổi số
BHG - Sau một thời gian quyết liệt triển khai chuyển đổi số (CĐS) tỉnh ta có sự bứt phá mạnh mẽ trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Với tâm thế tiên phong CĐS, tỉnh đang tập trung các giải pháp “gỡ khó” để thúc đẩy CĐS, góp phần đưa Hà Giang phát triển.
Xác định rõ vai trò của CĐS, tỉnh ta đã quyết tâm, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS và đảm bảo an toàn thông tin. Ban điều hành CĐS được thành lập từ tỉnh đến xã để thống nhất nhận thức và hành động; ưu tiên nguồn lực triển khai CĐS; thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng - “cánh tay” nối dài của Ban Chỉ đạo CĐS các cấp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia CĐS. Để có giải pháp hữu hiệu, thúc đẩy CĐS nhanh chóng, hiệu quả, tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác về CĐS giai đoạn 2023 - 2025 với Tập đoàn Viettel và VNPT.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lã Đình Điền cho biết: Qua quá trình CĐS, nhận thức của công chức, viên chức (CCVC), người dân chuyển biến tích cực, chủ động tham gia ứng dụng công nghệ số trong công việc hàng ngày. Công tác truyền thông về CĐS có cách làm mới, hiệu quả; triển khai các mô hình, cách làm về CĐS được người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia, như: Thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai chợ 4.0; đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia… Các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP được quảng bá, đăng tải và mua bán trên các sàn thương mại điện tử, góp phần tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm, thúc đẩy kinh tế số phát triển. Riêng năm 2022, tỉnh phủ sóng di động bổ sung 101/154 thôn trắng sóng di động. Các hệ thống thông tin dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp.
Việc thực hiện CĐS không thể là chuyện “một sớm, một chiều”. Điều đó dễ dàng nhận thấy từ việc nhận thức về CĐS ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, CCVC chưa thực sự quyết tâm, chưa hiểu rõ tầm quan trọng, lợi ích của CĐS, mức độ sẵn sàng CĐS của các chủ doanh nghiệp chưa cao. Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của một số cơ quan, cán bộ, CCVC hạn chế; thiếu nhân lực có trình độ, chuyên gia về CĐS, chưa phát huy được chức năng Tổ công nghệ số cộng đồng. Điều đáng nói, hiện thiếu một số quy định, cơ chế chính sách về nhân lực để thúc đẩy CĐS; chưa có quy định về tỷ lệ chi ngân sách nhà nước tối thiểu hàng năm cho CĐS. Các quy định về đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin chưa thực sự rõ ràng. Một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được giao kinh phí thực hiện nhưng triển khai chậm, chưa đưa vào sử dụng. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được triển khai đồng bộ, thống nhất nhưng quá trình sử dụng còn nhiều bất cập như: Độ ổn định chưa cao; truy cập chậm, phát sinh lỗi, tỷ lệ đồng bộ trạng thái hồ sơ với Cổng dịch vụ công quốc gia thấp; số liệu thống kê chưa chính xác. Các chỉ tiêu về hạ tầng số như: Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh; tỷ lệ hộ dân có cáp quang internet; tỷ lệ thôn phủ sóng di động trên địa bàn; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến… còn thấp.
Theo đồng chí Lý Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Pải Lủng (Mèo Vạc) cho biết: Thực hiện CĐS, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhưng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của cơ quan, đơn vị, đặc biệt một số máy tính, trang thiết bị có cấu hình thấp, không đồng đều, ảnh hưởng đến ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS. Đường truyền internet tốc độ thấp, thường xuyên xảy ra tình trạng rớt mạng, không truy cập được hệ thống; mạng nội bộ chưa được nâng cao chất lượng hoạt động…
Năm nay, Ủy ban quốc gia về CĐS xác định là năm “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu. Cụ thể hóa nội dung đó, tỉnh tập trung thúc đẩy CĐS có trọng tâm, trọng điểm. Các cấp, ngành tích cực kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị với cổng dữ liệu dùng chung của tỉnh thông qua nền tảng chia sẻ tích hợp dữ liệu của tỉnh. Chú trọng kết nối cơ sở dữ liệu dân cư với 25 dịch vụ công thiết yếu và 28 dịch vụ công trực tuyến; thực hiện hiệu quả việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Cập nhật khung kiến trúc chính quyền điện tử 2.0; xây dựng và ban hành khung kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh làm cơ sở để triển khai các nhiệm vụ CĐS của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho biết: Để góp phần giảm bớt khó khăn, tạo thêm thời cơ và thuận lợi để phát triển KT – XH, bảo vệ QP – AN và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành đào tạo, bồi dưỡng về CĐS cho công chức, viên chức cấp xã, huyện; tập huấn, diễn tập về an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ và mở rộng kết nối, giám sát, kiểm soát truy cập tập trung của mạng truyền số liệu chuyên dùng, bảo đảm ổn định, thông suốt giữa các cấp. Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo hạ tầng kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Nhằm thúc đẩy CĐS toàn diện, tỉnh ta tiếp tục hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hợp đồng điện tử, mô hình chợ 4.0 và tập huấn về CĐS cho các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp CĐS trong quản lý điều hành, sản xuất, kinh doanh. Nâng cao năng lực, vai trò và hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng. Tuyên truyền, phổ biến, chia sẻ các mô hình thí điểm CĐS hiệu quả tại các cơ quan, địa phương để nhân rộng, thúc đẩy CĐS. Các doanh nghiệp viễn thông đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang đến các thôn, bản; nâng cao tỷ lệ người dùng internet; nâng cao dung lượng kết nối và chất lượng mạng viễn thông…
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202303/go-kho-chuyen-doi-so-fa57d6b/