Gỡ khó dạy tích hợp
Bước sang năm thứ 3, triển khai dạy học các môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp vẫn còn khó khăn.
Trước thực trạng trên, Bộ GD&ĐT đã ban hành Văn bản số 5636/BGDĐT-GDTrH ngày 10/10/2023. Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT tại văn bản được nhận định giúp tháo gỡ vướng mắc cho nhà trường.
Gợi ý kế hoạch dạy học chi tiết
Chia sẻ của Nhà giáo Ưu tú Bạch Thái An - Hiệu trưởng Trường THCS Tích Thiện (Trà Ôn, Vĩnh Long), khó khăn nhất với nhà trường thời gian qua khi triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là phân công giáo viên. Thời khóa biểu thay đổi liên tục, giáo viên có giai đoạn phải đảm nhiệm quá nhiều giờ, đôi khi ngược lại… Lý do, chưa có giáo viên có thể đảm nhiệm toàn bộ 1 trong 3 môn học/hoạt động giáo dục nói trên. Hướng dẫn trong Văn bản số 5636 của Bộ GD&ĐT hướng đến gỡ khó những vướng mắc nói trên.
“Văn bản số 5636 hướng dẫn cụ thể, tường minh hơn so với các công văn trước đây của Bộ GD&ĐT nên cơ sở giáo dục có thể vận dụng dễ dàng. Đặc biệt, phụ lục gồm 3 gợi ý kế hoạch dạy học là thông tin mới. Dựa vào đó, cơ sở giáo dục có thể bám theo để xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường hợp lý, khoa học, từ đó tổ chức giảng dạy hiệu quả.
Với nhà trường, việc triển khai theo hướng dẫn của Bộ thuận lợi vì tinh thần chỉ đạo được Vĩnh Long nắm bắt, lồng ghép vào kế hoạch thực hiện nhiệm vụ từ đầu năm học của sở GD&ĐT”, Nhà giáo Ưu tú Bạch Thái An cho hay.
Cùng quan điểm, thầy Lê Xuân Thiều - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ea Trol (Sông Hinh, Phú Yên) nhận định: Văn bản 5636 tạo hướng mở, linh động cho cơ sở giáo dục; từ việc phân công giáo viên đến xây dựng kế hoạch giáo dục và tổ chức thực hiện, kiểm tra đánh giá. Các phụ lục gợi ý kế hoạch dạy học kèm theo cũng xây dựng kỹ lưỡng, là tham khảo hữu ích cho nhà trường.
“Triển khai dạy học, chúng tôi tiếp tục phân công 3 giáo viên (môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) đảm nhận môn Khoa học tự nhiên; 2 giáo viên (Lịch sử, Địa lý) giảng dạy môn Lịch sử và Địa lý. Các giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách Đội đảm nhận Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp (trong đó tùy chủ đề, thời điểm sẽ có sự tham gia của cán bộ quản lý và bộ phận khác trong nhà trường).
Về kế hoạch dạy học, sẽ tổ chức xây dựng lại cho phù hợp; vì số lớp ở cấp THCS ít nên không quá khó khăn trong thực hiện. Chúng tôi dự kiến tiếp tục thực hiện song song các chủ đề ở môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Về kiểm tra đánh giá thì thực hiện như hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Kiểm tra theo nội dung học sinh được học và tùy vào thời lượng từng phân môn mà có trọng số điểm tương ứng”, thầy Lê Xuân Thiều cho biết.
Là Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Phú Thọ, ông Lê Bá Việt Hùng đánh giá cao 3 gợi ý kế hoạch dạy học (môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) được Bộ GD&ĐT xây dựng, ban hành kèm Văn bản 5636. Các kế hoạch được xây dựng công phu, chi tiết; phân bổ số tiết theo mạch nội dung khoa học, hợp lý.
Dù đã triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đến năm thứ 3, nhưng xây dựng kế hoạch dạy học vẫn là nhiệm vụ khó khăn với các nhà trường; đặc biệt là phân bổ số tiết thế nào cho phù hợp khối lượng kiến thức từng chủ đề, sắp xếp thời khóa biểu. Bởi vậy, gợi ý kế hoạch dạy học của Bộ GD&ĐT là tham khảo hữu ích. Nếu sử dụng gợi ý này còn tạo ra sự thống nhất, giúp chỉ đạo chuyên môn, kiểm tra đánh giá, tập huấn giáo viên… thuận lợi.
Thuận lợi trong triển khai
Nhận định nội dung hướng dẫn trong văn bản của Bộ GD&ĐT cụ thể, ông Lê Bá Việt Hùng cho biết: Sở GD&ĐT Phú Thọ đã nghiên cứu và làm văn bản mang tính chuyển tiếp để triển khai đến các nhà trường. Sau đó tổ chức hội nghị nhằm thống nhất nhận thức, quan điểm, cách làm đối với lãnh đạo nhà trường, giáo viên giảng dạy.
Nội dung chỉ đạo trong Văn bản 5636/BGDĐT-GDTrH thống nhất với chỉ đạo của Bộ GD&ĐT từ trước đến nay liên quan đến môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; tuy nhiên rõ và chi tiết hơn. Hiểu đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT từ đầu, nên với Phú Thọ, nội dung văn bản không mới. Sở GD&ĐT chỉ đạo và các nhà trường triển khai theo đúng tinh thần.
Với môn Lịch sử và Địa lý, cô Nguyễn Thị Chinh Nương - Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội) nhận định: Trước đây, hướng dẫn chưa cụ thể mà để các trường chủ động khiến tiến trình hai phân môn trong một kỳ học chưa thực sự đồng đều. Thực hiện xây dựng kế hoạch môn học theo hướng dẫn tại Văn bản 5636, sự thống nhất cao hơn, thuận lợi cho việc xây dựng kế hoạch ôn tập, kiểm tra đối với học sinh giỏi khối 8. Phân công giáo viên phụ trách môn học theo hướng dẫn cũng bảo đảm chất lượng môn học hơn trước.
Tuy nhiên, cốt lõi để triển khai dạy học hiệu quả môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý là vấn đề đội ngũ, thiết bị dạy học. Chia sẻ điều này, thầy Lê Xuân Thiều trăn trở khi nút thắt lớn nhất của Trường Tiểu học và THCS Ea Trol chưa tháo gỡ được trong năm học này là trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho các khối lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018 và vấn đề nhân sự. Vì vậy, thầy Lê Xuân Thiều kiến nghị cần đầu tư đầy đủ trang thiết bị đồ dùng dạy học (theo danh mục thiết bị đồ dùng dạy học tối thiểu của Bộ GD&ĐT) cho cơ sở giáo dục; đồng thời tăng cường mở lớp bồi dưỡng, đào tạo để bảo đảm mỗi giáo viên có thể giảng dạy cả môn học.
Theo cô Ngô Thị Trà Hương - Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội), hướng dẫn của Bộ GD&ĐT tháo gỡ nhiều khó khăn cho giáo viên giảng dạy môn Khoa học tự nhiên; vừa linh hoạt về xây dựng kế hoạch dạy học, đồng thời thuận lợi phân công giáo viên giảng dạy tùy thực tế mỗi trường. Đặc biệt, hướng dẫn đưa ra khung gợi ý giảng dạy các mạch nội dung, bảo đảm kiến thức tiếp nối liên tục, xuyên suốt năm học.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/go-kho-day-tich-hop-post658826.html