'Gỡ khó' để có tự vệ mạnh
Đông Anh là cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội. Trên địa bàn huyện có 2 khu công nghiệp lớn, 3 cụm công nghiệp và một số làng nghề truyền thống nên thu hút hàng trăm nghìn lao động. Tuy nhiên, do đặc thù hoạt động của từng loại hình doanh nghiệp nên công tác xây dựng lực lượng tự vệ tại địa phương không hề dễ dàng.
Qua khảo sát thực tế, chúng tôi thấy, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tự vệ trên địa bàn cơ bản đều làm việc kiêm nhiệm nên khó khăn về thời gian, quân số khi huy động tham gia huấn luyện. Trong khi đó, một số doanh nghiệp có vốn nước ngoài thành lập được đơn vị tự vệ nhưng mới chỉ dừng lại ở chức năng bảo vệ công ty, coi tự vệ như bảo vệ mà chưa làm tốt chức năng là một thành phần của LLVT nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Chính trị viên Ban CHQS Công ty Cổ phần in sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cho biết: “Tổng số cán bộ, nhân viên, người lao động của Công ty là 76 người, nên để thành lập đầy đủ một tiểu đội tự vệ là cả một sự cố gắng và Công ty gặp không ít khó khăn”. Hay theo đồng chí Nguyễn Văn Phi, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS Công ty Cổ phần khóa Việt Tiệp thì đặc thù sản xuất của Công ty là gia công cơ khí chính xác, các trang thiết bị, máy móc đều tự động hóa nên không có nhiều công nhân, vì thế rất khó khăn trong xây dựng lực lượng tự vệ.
Cùng với đó, công tác huy động huấn luyện cũng là bài toán khó. Theo lãnh đạo Tập đoàn Ô tô Thành Công, nếu huy động lực lượng tự vệ tham gia huấn luyện trong ngày nghỉ sẽ phải trả tiền lương gấp đôi, như thế doanh nghiệp không bảo đảm được; còn huấn luyện vào ngày thường thì lại ảnh hưởng đến tiến độ công việc của đơn vị.
Những đặc điểm nêu trên chính là rào cản lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng lực lượng, huấn luyện, diễn tập, thực hiện nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng của lực lượng tự vệ trên địa bàn. Để khắc phục những hạn chế đó, Ban CHQS huyện Đông Anh đã kịp thời phối hợp, thống nhất với các doanh nghiệp về quân số khi thành lập tổ chức tự vệ, như sử dụng lực lượng ở khối bảo vệ, văn phòng, hạn chế lấy công nhân trong các dây chuyền sản xuất, vị trí quan trọng để không ảnh hưởng đến chỉ tiêu, năng suất lao động của doanh nghiệp. Ban CHQS huyện cũng hướng dẫn các đơn vị tự vệ bám sát Luật Dân quân tự vệ để giải bài toán thiếu hụt lực lượng khi doanh nghiệp có ít công nhân, không tuyển thêm người. Đó là, khi hết tuổi tham gia dân quân tự vệ, nếu công dân có sức khỏe tốt và có đơn tự nguyện tham gia thì ban CHQS tại các doanh nghiệp có thể xem xét đưa vào lực lượng để bảo đảm quân số.
Thượng tá Lại Đức Mạnh, Chính trị viên Ban CHQS huyện Đông Anh cho biết: “Cùng với giải quyết bài toán khó trong xây dựng lực lượng, chúng tôi tích cực điều chỉnh thời gian huấn luyện cho phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, như bố trí huấn luyện theo cụm thi đua, tổ chức huấn luyện tránh những dịp cao điểm, mùa vụ, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Nhờ chủ động tìm nhiều biện pháp tháo gỡ vướng mắc và sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện nên thời gian qua, huyện Đông Anh trở thành điểm sáng trong xây dựng và huấn luyện lực lượng tự vệ. Kết quả kiểm tra huấn luyện lực lượng tự vệ của địa phương có 100% đạt yêu cầu, trong đó trên 75% khá, giỏi. Hiện nay, lực lượng tự vệ trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn phát huy tốt vai trò, cùng các lực lượng chức năng tích cực tuần tra nắm chắc địa bàn, tập luyện các phương án phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn, rò rỉ hóa chất, cứu hộ, cứu nạn... góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.