'Gỡ khó' để lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật phát triển
Để đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật phát triển một cách toàn diện, khoa học cả về số lượng, chất lượng, có tài năng, bản lĩnh cần nhìn nhận, đánh giá một cách thẳng thắn, khách quan, công tâm về thực trạng của đội ngũ này. Phóng viên Báo Văn nghệ Công an đã ghi lại ý kiến của những người làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
PGS.TS Phan Trọng Thưởng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương: "Đốt đuốc đi tìm nhà phê bình"
Nhìn vào đội ngũ lý luận, phê bình hiện nay dễ dàng nhận ra sự hòa trộn của cả 3 "nhà": Nhà nghiên cứu, nhà lý luận, nhà phê bình. Điều đó dẫn đến sự "ngộ nhận", những nhận nhầm, phong nhầm nhà "nọ" thành "nhà" kia. Đó cũng là nguyên nhân khiến đội ngũ lý luận, phê bình của ta trở nên hỗn độn, hầm bà làng, ít mà tưởng nhiều, thiếu mà tưởng là hùng hậu. Đã có lúc cả nền văn học "đốt đuốc đi tìm nhà phê bình" nhưng cũng có lúc tưởng như nhà nhà, người người đều là nhà phê bình.
Thực ra, đội ngũ phê bình thực thụ của chúng ta trong 20-30 năm gần đây đang thưa vắng dần, mai một dần. Ở lĩnh vực văn học vốn được xem là có đội ngũ đông đảo hơn cả cũng chỉ có thể lác đác kể tên vài người, như: Đỗ Lai Thúy, Khuất Bình Nguyên, Lê Hồng Quang… Trong khi nhà nghiên cứu, nhà lý luận ở nước ta hiện nay có thể kể vô số. Bởi vì những người đó có thể đào tạo theo kiểu trường quy được. Còn nhà phê bình thì khó hơn nhiều.
Nhiều năm trước đây, ngoài lĩnh vực văn học, mỗi bộ môn nghệ thuật đều đã từng có một đội ngũ phê bình của mình. Sân khấu có Nguyễn Ánh, Lưu Quang Vũ, Hồ Thi, Tất Thắng, Đức Côn, Nguyễn Thị Minh Thái, Phan Trọng Thưởng… Mỹ thuật có Nguyễn Quân, Thái Bá Vân, Phan Cẩm Thượng… Điện ảnh có Trần Luân Kim, Ngô Phương Lan, Nguyễn Thị Nam… Nhiếp ảnh có Vũ Huyến, Vũ Đức Tân… Nói chung, tôi thấy thực trạng đội ngũ phê bình của ta hiện nay quá èo uột, chưa tương xứng với đội ngũ sáng tác, chưa đáp ứng yêu cầu của công chúng thưởng thức nghệ thuật.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam: Nhiều "vật cản" với người viết phê bình trẻ
Một trong những thực tế nhãn tiền của phê bình văn học nước nhà nhiều năm nay là sự "hụt hơi" về lực lượng. Người tham gia viết phê bình văn học ở ta vốn chẳng được bao năm mà phần lớn trong số đó đều ít nhất đã chạm đến các ngưỡng "tri thiên mệnh". Những người này - gọi một cách ước định là các "nhà phê bình văn học già" - khi nhìn về thế hệ kế tiếp hẳn sẽ không tránh được những lúc phải giật mình.
Vì cái gọi là các "nhà phê bình văn học trẻ" hiện nay - tạm quy ước họ ở độ tuổi từ 40 trở xuống - về số lượng, tôi có thể mạnh dạn khẳng định là không đếm hết số ngón tay trên hai bàn tay. Chuyện sẽ chẳng là gì cả nếu chúng ta coi phê bình văn học là thứ có cũng được mà không có cũng xong. Nhưng nếu chúng ta chấp nhận với nhau rằng phê bình văn học là sự tự nhận thức của văn học, là mặt thứ hai không thể rách rời của một tiến trình văn chương thì rõ ràng sự "hụt hơi" về lực lượng của phê bình văn học nước nhà hiện nay là điều cần phải được cắt nghĩa.
Tôi cứ giả định rằng những người trẻ tuổi có tiềm năng trở thành nhà phê bình văn học hiện nay ai nấy đều sẵn sàng hy sinh thời gian cho việc viết phê bình. Nhưng lập tức có ngay một câu hỏi to đùng: In ở đâu? Ai đọc? Hiện nay, phương thức tồn tại và lưu truyền chủ yếu nhất của sản phẩm phê bình (bài viết) vẫn là ở trên mặt báo. Có điều, với báo chí đang vận hành trong cơ chế kinh tế thị trường như hiện nay, phê bình văn học không phải "món" có thể giúp báo bán chạy nên cũng chẳng được hoan nghênh cho lắm. Nếu báo có cần, là cần những bài điểm sách thật hấp dẫn chứ không phải cần những bài phê bình văn học giàu hàm lượng học thuật. Nghĩa là, về "đầu ra" của phê bình văn học, chẳng có mấy sự kích thích để những người trẻ muốn viết phê bình chịu lao vào công việc này.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương: Cần có chế độ ưu đãi cho đội ngũ lý luận, phê bình
Nhìn tổng thể, các nhà lý luận, phê bình trẻ hiện nay có trình độ văn hóa và trình độ phê bình khá cao, có đam mê và giàu sáng tạo, có trình độ ngoại ngữ và khả năng tiếp nhận, tiếp biến các tư tưởng mới từ các hệ thống lý thuyết phương Tây và vận dụng vào từng không gian văn học, nghệ thuật tương thích để giải mã tác giả, tác phẩm. Tuy nhiên, sự phân bố lực lượng giữa các loại hình, các cấp, các vùng miền không đồng đều.
Ở góc độ hoạt động, đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nhìn chung còn thụ động, ngại va chạm, thiếu tính chiến đấu, tính định hướng, thiếu những bài viết kịp thời và sắc sảo trước những vấn đề, hiện tượng mà xã hội và giới chuyên môn quan tâm. Lực lượng làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật ở nước ta hiện nay dù có nhiều thế hệ nhưng không tập hợp thành một lực lượng nghề nghiệp mà còn tồn tại khá lẻ tẻ, rời rạc, không có sự gắn kết, hỗ trợ nhau trong hoạt động nghề nghiệp, tính nghiệp dư ở một số người còn khá rõ.
Để hiện thực hóa các định hướng đó, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản, như: tạo các sân chơi, cuộc thi, giải thưởng để khuyến khích đội ngũ lý luận, phê bình sáng tạo; tăng cường việc liên kết giữa đội ngũ lý luận, phê bình với các tổ chức văn hóa, nghệ thuật; phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật để có được đội ngũ vừa có lý luận vững chắc, vừa có kỹ năng phê bình bản lĩnh, sáng tạo… Đặc biệt, phải đầu tư đúng mức các nguồn lực, nhất là chế độ, chính sách lương, phụ cấp, nhuận bút, thù lao… cho hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, trong đó có chế độ ưu đãi cho đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nước nhà.
TS Đỗ Anh Vũ, Ban Văn học, nghệ thuật VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam: Bồi dưỡng ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường
Đội ngũ phê bình văn học, nghệ thuật nhìn chung vẫn còn khan hiếm, thiếu vắng các tác phẩm phê bình văn học tạo được ấn tượng đậm nét. Từ đầu năm 2023 đến nay, theo quan sát cá nhân, tôi thấy mới có 3 ấn phẩm ít nhiều gây được sự chú ý của bạn đọc, đó là các cuốn "Hiểm địa văn chương" của Phùng Gia Thế (NXB Hội Nhà văn), "Mây trong đáy cốc" của Đỗ Anh Vũ (NXB Đà Nẵng), "Gieo chữ" của Nguyễn Hoài Nam (NXB Hội Nhà văn).
Một trong những bất cập và thiếu hụt then chốt có thể nhận ra, đó là chúng ta chưa có một cơ sở đào tạo chuyên tâm về mảng phê bình. Đội ngũ phê bình văn học hiện nay chủ yếu do tự rèn luyện, tự trải nghiệm mà nên. Cả nước chỉ có một cơ sơ sở đào tạo duy nhất, ít nhiều có gắn với việc hun đúc các cây bút phê bình văn học, đó là Khoa Viết văn Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhưng Khoa này thực chất quan tâm đào tạo và phát triển cả 3 mảng: Sáng tác thơ, sáng tác văn xuôi và lý luận phê bình chứ không phải chuyên tâm vào một mảng lý luận phê bình.
Để phát triển đội ngũ phê bình văn học của tương lai, chúng ta cần quan tâm đầu tư bồi dưỡng ngay từ khi mỗi học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, chính ở nơi ấy ta đã có thể bắt gặp những mầm mống đầu tiên, những cây bút có năng khiếu thẩm bình vượt trội so với mặt bằng. Sau cấp độ nhà trường phổ thông, lên đến bậc đại học, các thầy cô cần phải quan tâm bồi dưỡng và phát triển với đối tượng là sinh viên thuộc các ngành văn học/ ngôn ngữ học trên cả nước ở tất cả các cơ sở đào tạo.