Gỡ khó để ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi
Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc ứng dụng này chỉ được thực hiện ở các doanh nghiệp, trang trại lớn, còn với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội còn nhiều khó khăn, nhất là do thiếu vốn đầu tư.
Theo ông Nguyễn Văn Đông (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn), với quy mô trang trại nuôi 1.000 gà đồi, gia đình ông rất muốn ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhưng chưa thực hiện được vì thiếu vốn. Để xây dựng chuồng trại quy mô khép kín, có hệ thống làm mát, máng ăn tự động... cần đầu tư 700-800 triệu đồng, đây là một khoản không nhỏ với các hộ dân.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Hưng Thịnh (xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ) cho biết, đầu tư công nghệ hiện đại trong chăn nuôi chi phí cao hơn 20% chăn nuôi truyền thống, trong khi đó thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo hướng công nghệ cao lại chưa ổn định, nên nhiều chủ trang trại chưa dám mạo hiểm đầu tư. Hiện nay, các trang trại mới chỉ đầu tư từng phần, xây dựng chuồng trại khép kín để phòng, chống dịch bệnh.
Nói về những khó khăn đang đặt ra, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hà Tiến Nghi cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 133 mô hình ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 101 mô hình ứng dụng trong chăn nuôi. Qua rà soát của Sở NN&PTNT, 100% cơ sở chăn nuôi đã sử dụng thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn tự phối trộn.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao còn khó khăn do chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán trong nông hộ còn chiếm tỷ lệ cao (60%). Cơ sở vật chất phục vụ chăn nuôi, từ khâu sản xuất giống đến thức ăn, còn thiếu và yếu. Mặt khác, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi áp dụng công nghệ cao chưa ổn định, nên nông dân chưa mạnh dạn đầu tư.
Để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thành phố Hà Nội đề ra là phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp gắn với giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung; áp dụng công nghệ tiên tiến nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Tại huyện Ứng Hòa, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đặng Thị Tươi cho biết, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, huyện hỗ trợ người dân tập huấn kỹ thuật, đồng thời phối hợp với các ngân hàng tháo gỡ về vốn và giúp nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Khuyến nông. Qua đó, các hộ có vốn để xây dựng chuồng trại đồng bộ, khép kín nhằm quản lý dịch bệnh và nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng thông tin thêm, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm 45% giá trị sản xuất chăn nuôi toàn thành phố. Để đạt mục tiêu này, trước hết, các địa phương cần thực hiện tốt quy hoạch để hình thành các vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cao.
Cùng với đó là khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi thành lập các hợp tác xã chuyên ngành chăn nuôi, doanh nghiệp chăn nuôi, hiệp hội chăn nuôi để phổ biến tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Từ đó tạo đầu ra ổn định, giúp người dân yên tâm đầu tư vào sản xuất công nghệ cao, mang lại giá trị kinh tế, hạn chế dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường...