'Gỡ khó' giải ngân vốn đầu tư công Nghệ An: Nhiều đơn vị có tỉ lệ giải ngân 0%
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện còn 5 cơ quan, đơn vị có tỉ lệ giải ngân 0% và 28 cơ quan, đơn vị có giải ngân nhưng tỉ lệ vẫn còn thấp, dưới 39,99%.
Nhiều vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công
Năm 2023, tổng kế hoạch đầu tư công đã giải ngân của tỉnh Nghệ An là 8.585 tỷ đồng, đạt 95,04% kế hoạch giao đầu năm; trong đó, vốn đầu tư công tập trung đã giải ngân 5.217 tỷ đồng, đạt 93,44%.
Tuy nhiên, trong năm 2023, do gặp rất nhiều khó khăn nên trong những tháng đầu tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Nghệ An vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Phải đến những tháng cuối năm, trước sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh nên các địa phương mới gấp rút thực hiện để hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Vì vậy, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh Nghệ An đã đưa ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, hoàn thành kế hoạch giao vốn trong tháng 3; kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; thành lập 1 tổ công tác cấp tỉnh và 2 tổ công tác cấp phòng; tổ chức hội nghị giao ban đẩy nhanh giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm; xây dựng kế hoạch và cam kết tiến độ giải ngân…
Hết quý I/2024, toàn tỉnh Nghệ An đã giải ngân được gần 1.000 tỷ đồng, đạt 21,7%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (15,3%) và cao hơn bình quân chung cả nước (17,46%). Hết quý II/2024, kết quả giải ngân đã đạt 38,52%.
Thực tế cũng cho thấy, Nghệ An là một trong số các địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên mức bình quân chung của cả nước sau 6 tháng đầu năm nay. Mặc dù vậy, mục tiêu giải ngân 95% mà tỉnh này đưa ra hồi đầu năm vẫn đang là thách thức lớn.
Tính đến ngày 30/4/2024, trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn 13 cơ quan, đơn vị chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. UBND tỉnh đã có công điện yêu cầu các đơn vị phấn đấu đến hết tháng 6/2024 không còn đơn vị giải ngân 0 đồng.
Tuy nhiên, đến tháng 7/2024, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 5 cơ quan, đơn vị có tỉ lệ giải ngân 0% và 28 cơ quan, đơn vị có giải ngân nhưng tỉ lệ giải ngân vẫn còn thấp, dưới 39,99%.
Tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang cho biết, ngoài nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan là do áp lực giải ngân năm 2024 lớn.
Các dự án triển khai ở vùng miền núi địa hình phức tạp, thường xuyên bị thiên tai, giao thông đi lại khó khăn... ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai.
"Ngoài ra, một số dự án thực hiện các thủ tục thuộc thẩm quyền cơ quan Trung ương nên nhiều dự án còn vướng mắc. Công tác chỉ đạo ở cấp huyện, năng lực đội ngũ quản lý dự án còn yếu và thiếu", ông Phạm Hồng Quang nói.
Bên cạnh đó, một số dự án phải thực hiện thủ tục chuyển đổi đất rừng, đánh giá tác động môi trường nên mất nhiều thời gian cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ trong khi có một số chủ đầu tư chưa bám sát để thực hiện.
Mặt khác, công tác chỉ đạo của cấp huyện, năng lực quản lý dự án cấp huyện còn yếu và thiếu, đơn cử có những huyện như Tương Dương không tuyển được người về làm việc tại các Ban quản lý các dự án…
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số nguồn vốn giải ngân còn chậm, như: Ngân sách trung ương nguồn vốn trong nước, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Công khai các dự án giải ngân 0%, nỗ lực đạt kịch bản đề ra
Để tăng cường công tác giải ngân vốn đầu tư công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Thanh An đã ký ban hành Văn bản số 4190/UBND-KT, về việc công khai các dự án giải ngân 0% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, yêu cầu các Sở, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo mục tiêu đề ra.
Tính đến ngày 23/5, trong số danh mục 62/160 dự án nguồn đầu tư công tập trung (chưa bao gồm Chương trình mục tiêu quốc gia) chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, có thể kể đến các dự án có sử dụng nguồn vốn đầu tư công không nhỏ nhưng tiến độ giải ngân vẫn 0%.
Như: Dự án xây dựng trụ sở làm việc HĐND – UBND huyện Anh Sơn; Dự án xây dựng hồ chứa nước Khe Rắt, xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn; Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông nối từ Quốc lộ 1A đến Quốc lộ 7A (tuyến đi qua các xã Diễn An, Diễn Lộc, Diễn Phú, Diễn Lợi và Minh Châu huyện Diễn Châu); Dự án nâng cấp, mở rộng đường giao thông Tràng – Minh huyện Đô Lương;…
Vì vậy, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong danh sách nêu trên khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thủ tục, áp dụng các biện pháp cần thiết (huy động nhân lực, tăng ca, tập trung nhiều mũi thi công...) để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch được giao.
Thời gian tới, để đạt mục tiêu là giải ngân vốn đầu tư công trên 95%, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; thực hiện phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân theo chỉ tiêu đến cuối năm.
Tổ chức rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án và cho biết trong tháng 7 này sẽ điều chuyển vốn của những dự án giải ngân chậm bổ sung cho những dự án có tiến độ giải ngân tốt. Dự kiến đợt 1 sẽ điều chuyển vốn của 10 dự án khoảng 75 tỷ đồng.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong việc thẩm định, giải quyết hồ sơ thủ tục và xử lý các vướng mắc khó khăn cho các dự án; kiên quyết xử lý các chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện...
Theo Kế hoạch của HĐND tỉnh Nghệ An, tổng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2024 là 9.076,67 tỷ đồng, trong đó đưa vào đầu tư công tập trung phần tỉnh quản lý là 4.628,57 tỷ đồng. Nghệ An phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân đề ra (trên 95%).
(Còn nữa)