Gỡ khó nguồn nhân lực du lịch từ cuộc 'đại tuyển sinh'
Chính thức mở cửa trở lại cũng là lúc nỗi lo thiếu nguồn nhân lực của ngành du lịch gia tăng. Việc doanh nghiệp liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh tuyển sinh chính là cách chung tay tháo gỡ khó khăn về nguồn lao động cho ngành công nghiệp không khói.
Qua dịp nghỉ Tết Nhâm Dần và Giỗ tổ Hùng Vương vừa qua cho thấy, các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam như: Đà Nẵng, Đà Lạt, Quảng Ninh, Phú Quốc... đều đón lượng khách kỷ lục.
Nhân lực vừa thiếu, vừa yếu
Hàng loạt điểm đến của Sun Group tại khắp các tỉnh thành khác cũng ghi nhận tỷ lệ khách tăng tốt như: Sun World Hon Thom Nature Park (Phú Quốc) tăng 53%, Sun World Bà Đen Mountain (Tây Ninh) tăng 287,3%, Sun World Fansipan Legend (Sapa) tăng 13,4%. Hầu hết các khu khách sạn, resort của tập đoàn này trên cả nước đều kín phòng.
Tuy nhiên, trái ngược với tình hình khách tăng trưởng tốt của ngành du lịch là sự thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng.
Dẫn chứng số liệu từ Tổng cục Thống kê tại Hội nghị Tuyển sinh – Đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng năm 2022 do Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) tổ chức, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, TS Trương Anh Dũng cho biết, 2 năm Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp lữ hành rơi vào khủng hoảng, 90-95% doanh nghiệp dừng hoạt động, chuyển ngành nghề, đổi mô hình kinh doanh, cắt giảm nhân sự.
Cụ thể là nếu như năm 2019, Việt Nam có 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch thì đến năm 2020, gần 80% nhân sự của ngành này bị cắt giảm bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Và đến năm 2021, chỉ 25% lao động trong số còn lại làm việc đủ thời gian.
Có thể thấy, nhân lực ngành du lịch phần lớn bị mất việc làm, số ít còn lại làm việc cầm chừng hoặc bắt buộc phải chuyển đổi sang ngành nghề khác để kiếm sống. Điều này khiến ngành du lịch rơi vào cảnh thiếu nhân lực trầm trọng hậu Covid-19.
Chia sẻ của các doanh nghiệp du lịch đều cho thấy họ đang thiếu nguồn nhân sự từ cấp nhân viên đến cấp quản lý. Đại diện của Sun Group cho biết, để đáp ứng nhu cầu phát triển và mở rộng thị trường, Tập đoàn đang có nhu cầu tuyển dụng rất lớn: Cụ thể là cần 624 lao động ngành nhà hàng, bếp ngay trong năm 2022 và đến năm 2025 là 3.564 lao động. Hay đối với ngành vận hàng khách sạn, Sun Group cần tuyển 1.446 lao động trong năm 2022 và 9.950 lao động vào năm 2025.
Bà Nguyễn Thị Hải Hòa, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng khẳng định, nhu cầu từ các khách sạn, nhà hàng, các tập đoàn du lịch lớn tuyển dụng từ vị trí cấp trung đến các vị trí chuyên môn nghề với số lượng rất nhiều. Chính vì vậy, năm nay, trường dự kiến tuyển sinh tăng từ 20-30% số lượng sinh viên đầu vào.
Không chỉ thiếu về số lượng, các doanh nghiệp du lịch cũng khẳng định, kỹ năng của nhân lực trong ngành cũng phần nào yếu đi sau 2 năm hoạt động cầm chừng.
Vụ trưởng Vụ Đào tạo Lê Anh Tuấn cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc tổ chức đi thực tập, thực tế của học sinh, sinh viên tại các doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa, không đón khách hoặc chỉ duy trì ở mức tối thiểu nên hạn chế nhu cầu tiếp nhận học sinh, sinh viên thực tập và giải quyết việc làm.
Dịch bệnh cũng ảnh hưởng rất nhiều đến công tác tuyển sinh và đào tạo của các trường có chuyên ngành du lịch. Tâm lý của phụ huynh và học sinh - những người yêu thích ngành du lịch cũng có sự băn khoăn, cân nhắc khi lựa chọn ngành nghề này.
Số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về số lượng tuyển sinh đối với 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp du lịch được thực hiện vào tháng 9/2021 cũng cho thấy, số lượng tuyển sinh đã bị sụt giảm 32%; đến hết năm (tháng 12/2021), kết quả tuyển sinh cũng chỉ bằng 50% so với năm 2019.
Ths. Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn, cho biết điều này cũng rất dễ hiểu vì ngành du lịch trải qua một thời gian dài rơi vào cảnh ảm đạm.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với ngành du lịch, vì đây là yếu tố quyết định sự thành công không chỉ của một sản phẩm du lịch mà còn là thương hiệu du lịch của một quốc gia. Trong khi đó, du lịch cũng là ngành kinh tế rất đặc biệt vì khả năng phục hồi rất nhanh chóng sau đại dịch so với các ngành kinh tế khác, nhất là khi Chính phủ thực hiện chính sách mở cửa du lịch từ ngày 15/3 vừa qua.
Vậy, đâu là giải pháp để có nguồn nhân lực du lịch đủ cả chất và lượng để cung cấp cho ngành trong giai đoạn du lịch đang phục hồi mạnh mẽ hiện nay và tương lai sắp đến? Câu trả lời chính là đẩy mạnh tuyển dụng vào đào tạo nhân sự tại các trường, trong đó có các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp
Du lịch là ngành đặc thù, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao. Để có nhân lực bảo đảm chất lượng cần thời gian dài để đào tạo và tích lũy kinh nghiệm, thậm chí phải mất vài năm mới đào tạo được một lao động chuyên nghiệp. Trong khi sự cạnh tranh của các điểm đến, nhất là các điểm đến trên thế giới thời điểm hậu Covid-19 là vô cùng khốc liệt bởi đại dịch đã đưa du lịch của các nước về con số 0.
Theo các chuyên gia, để giải quyết bài toán nguồn nhân lực cho ngành du lịch, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nhằm bảo đảm chất lượng, tiết kiệm chi phí... cho cả hai bên.
Tuy nhiên, thực tế trong quá trình kết hợp giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là du lịch là ngành có sự dịch chuyển lao động lớn, các doanh nghiệp luôn đối mặt với tình hình nhân viên chuyển việc. Đây là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp rất thận trọng khi đặt hàng đào tạo các hệ từ hệ cao đẳng trở lên.
Đặc biệt, sự thay đổi về chính sách của doanh nghiệp khi có sự thay đổi các nhà quản lý cấp cao cũng đòi hỏi phải giải quyết bằng những buổi làm việc và bàn bạc lại về quyền lợi cũng như nghĩa vụ của các bên.
Để công tác đào tạo nhân lực ngành du lịch giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp hiệu quả, các chuyên gia cho rằng trong quá trình hợp tác, giữa các bên cần có văn bản thỏa thuận và cam kết trách nhiệm, quyền lợi... nhằm đảm bảo lợi ích giữa các bên.
Mỗi một cơ sở đào tạo cần chủ động trong việc “lôi kéo” các doanh nghiệp tham gia các khâu của quá trình đào tạo. Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh những chính sách, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo và nghiên cứu ban hành một số quy định cụ thể quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với sự nghiệp đào tạo. Theo Ths.Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế, điều này hết sức cần thiết và mang lại lợi ích trên nhiều mặt cho cơ sở đào tạo, học sinh, sinh viên, doanh nghiệp và xã hội.
Đại diện Sun Group cho biết, Tập đoàn sẽ liên kết chặt chẽ với các cơ sở đào tạo xây dựng bộ tài liệu, học liệu và công cụ đánh giá theo tiêu chuẩn của từng nghiệp vụ. Bên cạnh đó là tổ chức tuyển dụng trực tiếp, thực tập, làm việc thời vụ theo nhu cầu thực tế hai bên.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng, việc ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp không phải chỉ diễn ra trong 1-2 năm mà cần được duy trì, phát huy trong những thời gian tiếp theo để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng làm việc cho người lao động, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và thị trường lao động nói chung.
Chính vì vậy, ngoài sự kết hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp, các ngành liên quan trong đó có các Sở LĐTB&XH cần tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực phối hợp với các doanh nghiệp trong việc đào tạo, đào tạo lại và cung ứng nguồn nhân lực. Phối hợp xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp, sát với yêu cầu sử dụng lao động và văn hóa của doanh nghiệp.