'Gỡ khó' nhờ Nghị định 08: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp 'ấm' trở lại
Thống kê của VnEconomy cho thấy, ngay sau khi Nghị định 08 được ban hành, số lượng trái phiếu được phát hành mới đã cải thiện tích cực trong nửa đầu tháng 3/2023...
Như VnEconomy đưa tin, ngày 5/3 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Một trong những điểm quan trọng của Nghị định 08 là ngưng hiệu lực thi hành với quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân tại Nghị định số 153 được sửa đổi tại Nghị định 65; Quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành tại khoản 7, khoản 8 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP cùng một số nội dung sửa đổi quan trọng khác.
Thống kê của VnEconomy cho thấy, ngay sau khi Nghị định 08 được ban hành, số lượng trái phiếu được phát hành mới cải thiện tích cực trong nửa đầu tháng 3/2023.
Cụ thể, từ đầu tháng 3 tới nay có tổng cộng 9 đợt chào bán thành công trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị 23.825 tỷ đồng. Con số này tăng mạnh so với thời điểm tháng 1, tháng 2 và cuối năm 2022.
Trong đó, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Hưng Yên dẫn đầu về tổng giá trị phát hành trái phiếu với hai đợt phát hành 7.200 tỷ đồng. Tiếp theo là Công ty Luxury Living tổng giá trị phát hành 4.800 tỷ đồng. Công ty Nam An đứng thứ ba với giá trị phát hành 4.700 tỷ đồng.
Về lãi suất, Công ty Ngôi sao Phương Nam và Kinh doanh Nam An dẫn đầu với lãi suất 13%/năm. Trong khi đó, Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Dream City Villas phát hành thành công 2.300 tỷ đồng trái phiếu với mức lãi suất chỉ 6%/năm. Riêng với hai lô trái phiếu của Đô thị Hưng Yên không có thông tin về mức lãi suất.
Dự kiến, số lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ gia tăng trong thời gian tới sau khi Nghị định 08 có hiệu lực. Bởi Nghị định này sẽ tạo ra hành lang pháp lý cần thiết xử lý một vài điểm nghẽn hiện nay trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp; tăng tỷ lệ phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công thông qua việc hoãn thực thi một số điều khoản như quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc tăng thời gian phân phối.
Trong năm 2023, VnDirect ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 252 nghìn tỷ đồng tăng 64% so với cùng kỳ. Trong đó, Q1/23 sẽ có khoảng 31 nghìn tỷ đồng giảm 41% đáo hạn, tuy nhiên áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong Q2 và Q3/23 với giá trị lần lượt khoảng 76,5 nghìn tỷ đồng tăng 120% và 83 nghìn tỷ đồng tăng 39%.
Sau giai đoạn thách thức này, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ giảm về mức 61 nghìn tỷ đồng tăng 14% trong Q4/23.
Xét theo ngành nghề, nhóm doanh nghiệp Bất động sản là chiếm tỷ trọng lớn nhất với 43% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm 2023, tương đương 107,7 nghìn tỷ đồng tăng 76,2%. Theo sau là nhóm Tài chính – Ngân hàng với 31% tỷ trọng giá trị đáo hạn, tương đương 77,6 nghìn tỷ đồng tăng 24% so với cùng kỳ. Các ngành khác chiếm khoảng 26% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong 2023, với khoản 66,5 nghìn tỷ đồng tăng 126% so với cùng kỳ.