Gỡ khó triển khai hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu
Việc triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền cho các DN kinh doanh bán lẻ xăng dầu góp phần tích cực vào công cuộc chuyển đổi số, chống thất thu và tăng thu ngân sách Nhà nước. Đồng thời tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, mua bán hàng hóa có hóa đơn, chứng từ hợp pháp…
Hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích
Tại tọa đàm “Triển khai HĐĐT trong bán lẻ xăng dầu - Thực trạng và giải pháp” do Báo Tiền Phong tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vừa qua. Ban tổ chức cho biết, hiện trên toàn quốc có hơn 17.000 cửa hàng xăng dầu, trong đó khối các DN Nhà nước có gần 6.000 cửa hàng; DN bán lẻ - thương nhân phân phối có hơn 10.000 cửa hàng.
Ngày 1/12/2023 Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1284/CĐ-TTg về tăng cường công tác quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Trước đó, ngày 18/11/2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1123/CĐ-TTg về tăng cường quản lý, sử dụng HĐĐT, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.
Việc Thủ tướng liên tiếp có 2 công điện rốt ráo yêu cầu ngành thuế triển khai chủ trương cho thấy sự quan tâm rất lớn của Chính phủ trong đẩy mạnh các hoạt động triển khai liên quan đến tăng cường công tác quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Thời gian này, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cũng có công văn gửi các địa phương, đơn vị chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với cơ quan thuế địa phương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu để nắm bắt thực trạng đáp ứng việc triển khai HĐĐT theo từng lần bán hàng.
Chia sẻ tại tọa đàm. Ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế cho biết: từ năm 2023, Tổng Cục Thuế tiếp tục triển khai hóa đơn điện tử kết nối với máy tính tiền tại các nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Theo ông Mai Sơn, HĐĐT xuất từng lần mang lại nhiều lợi ích. Đối với DN sẽ giúp các đơn vị thay đổi công nghệ quản lý, quản trị, nâng cao thương hiệu, uy tín khi quản lý bằng công nghệ và đem đến nhiều quyền lợi cho người tiêu dùng. Dần dần, tất cả hàng hóa sẽ xác định được nguồn gốc, tiêu chuẩn như công bố của đơn vị sản xuất. Góc độ các cơ quan quản lý Nhà nước cũng sẽ giảm thiểu được hành vi gian lận (nếu có).
Đầu tư triển khai hóa đơn điện tử
Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Cty CP Dầu khí Đồng Nai chia sẻ: việc triển khai HĐĐT bán lẻ trong xăng dầu, các cơ quan chức năng cần có lộ trình thời gian cụ thể để các DN ở vùng sâu, vùng xa từng bước hoàn thiện. Xuất phát điểm của đơn vị xăng dầu Petrolimex khác với các DN tư nhân nên việc triển khai HĐĐT được thuận lợi, còn phía DN tư nhân tự bỏ tiền ra đầu tư, hạ tầng chưa tương tích, cơ sở kinh doanh chưa đồng bộ. Để triển khai HĐĐT thì các DN tư nhân phải có tài chính. Một trạm xăng phải bỏ ra 70 triệu đồng để đầu tư việc triển khai HĐĐT này. Mặt khác, cơ sở hạ tầng, hệ thống phần mềm, hóa đơn là do các DN tự đầu tư hay do cơ quan Nhà nước cung cấp và trong trường hợp bị trục trặc kết nối thì ai sẽ chịu trách nhiệm.
Giải đáp vướng mắc của ông Văn Tấn Phụng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng: "HĐĐT áp dụng với xăng dầu cũng như các hóa đơn bán các mặt hàng khác. Nếu có vướng mắc trong quá trình sử dụng, có trục trặc đến đâu chúng tôi sẽ cùng với các nhà cung cấp giải pháp và các đơn vị trung gian, tiếp nhận thông tin và sẽ xử lý kịp thời ngay. Chúng tôi có đường dây nóng, có trung tâm công nghệ với các giải pháp vận hành để xử lý tất cả các vấn đề liên quan, giải quyết khó khăn cho DN, không để chậm trễ. Hệ thống HĐĐT khá hiện đại, có phương án dự phòng nên có khả năng hạn chế và tránh được các nguy cơ nghẽn mạng, sập mạng hạn chế ảnh hưởng đến các DN…".
Theo chuyên gia kinh tế, TS.Vũ Đình Ánh, việc triển khai HĐĐT trong bối cảnh ngành xăng dầu đang gặp nhiều khó khăn. Rất mong cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó, đại diện cơ quan ngành thuế, áp dụng chính sách, triển khai pháp lý từ trên xuống, hết sức quan tâm đến hoàn cảnh thực tế của các DN, đặc biệt là DN xăng dầu. Việc triển khai HĐĐT là tất yếu và buộc phải thực hiện.