Gỡ khó trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế
Tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh đã cơ bản được giải quyết sau khi trúng gói thầu mua thuốc phục vụ khám - chữa bệnh. Tuy nhiên, để vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế được giải quyết triệt để, cần có những giải pháp căn cơ.
Thực hiện Quyết định số 1208 ngày 3/6/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mua thuốc phục vụ công tác khám - chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai năm 2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tổ chức lựa chọn nhà thầu. Ngày 8/7 có kết quả trúng thầu, trong 84 mặt hàng thuốc được phê duyệt, 16 mặt hàng không có nhà thầu tham dự, 11 mặt hàng có nhà thầu tham dự nhưng không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật hoặc giá cao hơn giá kế hoạch đã xây dựng; 57 loại thuốc trúng thầu với giá trị hơn 7,8 tỷ đồng, chỉ đạt hơn 60% về số lượng thuốc và đạt 78% giá trị gói thầu.
Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trước tình trạng thiếu thuốc, chúng tôi đã có nhiều giải pháp trên quan điểm đảm bảo đúng quy định của pháp luật và chất lượng điều trị, như sử dụng các thuốc có thể thay thế trong điều trị; lựa chọn những mặt hàng cần thiết, cấp bách đấu thầu trước; tiếp tục rà soát để tổ chức đấu thầu gói thầu tiếp theo với những loại thuốc chưa đấu thầu hoặc chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu. Bệnh viện cũng triển khai mua thuốc bằng các hình thức khác, như mua sắm trực tiếp, chỉ định thầu, xin ủng hộ, hỗ trợ của một số doanh nghiệp.
Gói thầu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh cơ bản đáp ứng được một phần thuốc cấp bách cho việc khám và điều trị. Hiện nay, bệnh viện đã liên hệ với các nhà thầu và một số mặt hàng đã được cung ứng, như nhóm thuốc điều trị ung thư, thuốc kháng sinh điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn nặng, thuốc điều trị một số bệnh cấp tính và bổ sung thuốc huyết áp, tiểu đường phục vụ điều trị người bệnh mãn tính... Tại Khoa Cấp cứu, thời gian trước luôn trong tình trạng thiếu thuốc, đặc biệt là kháng sinh hỗ trợ điều trị trường hợp bệnh nhân viêm não, xuất huyết não, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết não... bác sỹ phải giải thích và kê đơn để gia đình mua ngoài bệnh viện mang về sử dụng cho người bệnh. Đến nay, thuốc đã được cung ứng đa dạng hơn, phục vụ điều trị cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, việc thiếu các loại thuốc do không trúng thầu dẫn đến nhiều khó khăn trong điều trị. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang quản lý và điều trị 176 bệnh nhân mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối, cần chạy thận nhân tạo theo chu kỳ và hơn 30 bệnh nhân cấp cứu phải chạy thận nhân tạo. Thời gian qua, bệnh viện sử dụng dung dịch lọc máu dùng trong thận nhân tạo (thuốc Kydheamo -2A và Kydheamo - 1B) để chạy thận nhân tạo cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, vừa qua 2 mặt hàng này không trúng thầu do nhà thầu có đơn giá dự thầu cao hơn giá kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Bệnh viện phải sử dụng hóa chất dung dịch thẩm phân máu đậm đặc RENALVN-A (Acid) và RENALVN-B (Bicarbonat) để thực hiện kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Việc sử dụng các hóa chất trên đảm bảo về an toàn, hiệu quả điều trị, tuy nhiên khi sử dụng trong chạy thận nhân tạo sẽ thừa khoảng 12% và không tái sử dụng được. Với nhu cầu sử dụng như hiện nay và giá dung dịch thẩm phân máu đậm đặc RENALVN-A (Acid), RENALVN-B (Bicarbonat) là 160.000 đồng/can 10 lít (giá trúng thầu tại Yên Bái và Hà Giang), chi phí cho phần hóa chất không tái sử dụng được lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng, gây lãng phí rất lớn. Bệnh viện đã có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở Y tế để có biện pháp tháo gỡ.
Đầu tháng 7, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cũng có kết quả trúng thầu sau 1 tháng được UBND tỉnh phê duyệt dự toán gói thầu mua thuốc bổ sung phục vụ công tác khám - chữa bệnh. Tuy nhiên, gói thầu có tổng dự toán 1,9 tỷ đồng, nhưng kết quả đấu thầu chỉ được 41/64 loại thuốc, giá trị khoảng 1,4 tỷ đồng, do nhiều loại thuốc đấu thầu giá cao hơn giá kế hoạch đã phê duyệt. Bác sỹ Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cho biết: Thuốc cung ứng sau trúng thầu cơ bản đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu khám và điều trị của bệnh viện, đặc biệt là thuốc kháng sinh và dịch truyền. “Giải pháp tình thế là thay thế các thuốc khác thuộc nhóm thuốc tương tự, song song với việc mua đấu thầu thuốc bổ sung, chúng tôi cũng đã trình Sở Y tế gói thầu mua sắm trực tiếp với giá trị hơn 100 triệu đồng”, bác sỹ Khánh cho hay.
Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc, nguy cơ nhiều vị thuốc quan trọng sắp cạn kiệt. Vừa qua, bệnh viện đã mở thầu gói vị thuốc giá trị 800 triệu đồng, chỉ có 1 đơn vị bỏ thầu với 47/132 vị thuốc, tuy nhiên do 2 vị thuốc không đạt yêu cầu kỹ thuật nên phải hủy thầu. Bệnh viện đang lên phương án chia nhỏ gói thầu, thu hẹp các loại thuốc và mua theo hình thức mua sắm trực tiếp để cung ứng các vị thuốc có nhu cầu sử dụng cấp bách.
Để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị y tế trong việc đấu thầu thuốc và vật tư y tế, ngày 1/7/2022, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 2933, giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính rà soát nội dung Quyết định số 2756 ngày 6/9/2019 của UBND tỉnh và Thông tư số 15 ngày 11/7/2019 của Bộ Y tế nhằm làm rõ sự đồng bộ, thống nhất trong việc quy định phân cấp và ủy quyền tại các văn bản trên; đề xuất việc phân cấp phê duyệt dự toán, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc của các cơ sở y tế công lập.
Bà Nguyễn Thị Kim Ánh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Hiện nay, các bệnh viện tuyến huyện đã xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu và đang trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo thông tin từ Bộ Y tế, vào cuối tháng 7/2022, các gói đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia sẽ có kết quả, với khoảng 528 sản phẩm thuốc có chi phí lớn và số lượng sử dụng nhiều, như kháng sinh, tim mạch, thuốc điều trị ung thư... tổng giá trị các gói thầu là 8.890 tỷ đồng. Sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu, các đơn vị sẽ cung ứng thuốc đến các bệnh viện công, tháo gỡ phần lớn khó khăn do thiếu thuốc và vật tư y tế.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/358885-go-kho-trong-dau-thau-thuoc-vat-tu-y-te