Gỡ khó trong hỗ trợ giải quyết việc làm

Việc đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua các phiên giao dịch đã góp phần không nhỏ trong công tác hỗ trợ giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua.

Tuy nhiên, tỷ lệ kết nối cung - cầu lao động đạt hiệu quả chưa cao do nguồn cung hạn chế, các vị trí việc làm đặc thù khó tiếp cận lao động phù hợp, các ứng viên chưa thực sự có nhu cầu tìm kiếm việc làm… đòi hỏi sớm có giải pháp gỡ khó.

Tư vấn tuyển dụng cho người lao động tại phiên giao dịch việc làm quận Nam Từ Liêm, tháng 5-2025. Ảnh: Thu Minh

Tư vấn tuyển dụng cho người lao động tại phiên giao dịch việc làm quận Nam Từ Liêm, tháng 5-2025. Ảnh: Thu Minh

Không dễ tìm được việc làm đúng nhu cầu

Là người có nhiều kinh nghiệm tuyển dụng, Phó Trưởng phòng Tổ chức Hành chính (Công ty cổ phần Dịch vụ và Giải trí Hà Nội - HASECO) Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tuyển dụng hơn 60 nhân sự, trong khi nhu cầu tuyển dụng năm 2025 lên đến gần 200 người. Thương hiệu Công viên Hồ Tây của chúng tôi có uy tín 25 năm nên thực ra không quá khó trong tuyển nhân lực, nhưng áp lực chính là xu hướng thích “nhảy” việc của giới trẻ. Công viên Hồ Tây đang vào mùa cao điểm hoạt động, cần tuyển hơn 100 chỉ tiêu trong các tháng 6 và 7. Chúng tôi liên tục đồng hành với các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Nội vụ Hà Nội) tổ chức nhiều năm qua để dễ tiếp cận được nguồn lao động thường xuyên. Lời khuyên đối với các bạn trẻ, đó là các em phải kiên trì với công việc lựa chọn, gắn bó ít nhất một mùa vụ. Nếu thay đổi việc nhiều quá, các em khó có thể nắm bắt, chắt chiu kinh nghiệm và có kỹ năng thật sự”.

Nhà tuyển dụng gặp khó vì tình trạng giới trẻ hay “nhảy” việc, nhưng ở góc độ ngược lại, người lao động cũng không dễ tìm được việc làm đúng nhu cầu. Liên tiếp tham gia 2 phiên giao dịch việc làm lưu động tại quận Ba Đình (ngày 10-5) và quận Nam Từ Liêm (ngày 11-5), chủ động tiếp cận nhà tuyển dụng ngay tại phiên và cả sau khi các phiên đã kết thúc, nhưng anh Nguyễn Văn Hoàng - cử nhân Đại học Kinh tế quốc dân, có 1 năm kinh nghiệm làm kế toán và nhiều kỹ năng bổ trợ, vẫn chưa tìm được công việc phù hợp. Anh Hoàng chia sẻ: “Sau khi gặp gỡ, trải qua phỏng vấn tại phiên, có nhà tuyển dụng đã liên lạc lại, xếp lịch mời tôi tham gia phỏng vấn lần hai ngay tại công ty. Công việc mà doanh nghiệp đề xuất với tôi là nhân viên quản lý tài sản kiêm hỗ trợ tổ chức sự kiện. Hiện tôi vẫn chờ kết quả”.

Có thể thấy, cơ hội việc làm không ít, nhưng khớp nối công việc thành công hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Tính riêng quý I-2025, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 53 phiên giao dịch việc làm, bao gồm 47 phiên hằng ngày, 2 phiên chuyên đề, 2 phiên trực tuyến kết nối 13 tỉnh, thành phố và 2 phiên lưu động tại các quận, huyện, thị xã. Tuy có tới 1.891 lượt đơn vị tham gia với 46.238 chỉ tiêu tuyển dụng; 29.732 lượt lao động được tư vấn và cung cấp thông tin thị trường lao động nhưng mới có 8.805 lượt lao động được phỏng vấn, kết nối việc làm. Số lao động được tiếp nhận hồ sơ, tuyển dụng tại phiên trong quý I-2025 chỉ đạt 2.454 người.

Tăng cường kết nối cung - cầu lao động

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành phân tích một số nguyên nhân khiến công tác tư vấn, cung cấp thông tin thị trường lao động, kết nối việc làm gặp nhiều khó khăn: “Thực tế là không phải lúc nào nguồn lao động cũng đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là lực lượng lao động phổ thông. Bên cạnh đó, nhiều vị trí tuyển dụng của doanh nghiệp chưa hấp dẫn, chưa đa dạng, mức lương trả cho người lao động không cao nên chưa tạo được sức hút. Người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp có tâm lý muốn chuyển đổi công việc, nhưng khó khăn trong việc kết nối việc làm nằm ở mức lương họ mong muốn. Mặt khác, có nhiều lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự có nhu cầu tìm kiếm việc làm”.

Đáng chú ý, công tác tư vấn giới thiệu việc làm cho các đối tượng lao động đặc thù còn gặp nhiều khó khăn do việc kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị tiếp nhận tuyển dụng số lao động thuộc đối tượng lao động đặc thù như người mãn hạn tù, sau cai nghiện ma túy, nhiễm HIV… rất hạn chế. Bên cạnh đó, nhóm lao động này hầu hết chưa sẵn sàng làm việc, phần lớn là lao động phổ thông, thiếu kỹ năng làm việc.

Nhấn mạnh mục tiêu tăng cường kết nối cung - cầu lao động, ông Vũ Quang Thành cho biết: “Việc gỡ khó, hỗ trợ giải quyết việc làm đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ. Hiện nay, chúng tôi tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm hằng ngày, đồng bộ trên hệ thống 15 sàn giao dịch việc làm vệ tinh thông qua hệ thống trang tương tác trên Facebook (fanpage), website, hội nhóm trên mạng xã hội, tạo bản tin tuyển dụng và hình ảnh trên các bảng điện tử về vị trí tuyển dụng của các doanh nghiệp, tạo thông báo trên mạng xã hội... Cùng với đó, Trung tâm tăng cường thu thập thông tin việc làm, người tìm việc để hỗ trợ kết nối tuyển dụng trực tuyến, trên cơ sở khớp nối cung - cầu thông qua hệ thống dữ liệu thị trường lao động”.

Một trở ngại hiện nay là hệ thống trang thiết bị, máy tính sử dụng tại một số sàn giao dịch vệ tinh đã cũ, hỏng, gây khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với các hoạt động nghiệp vụ và ảnh hưởng đến quá trình hiện đại hóa hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm. Vì vậy, trong thời gian tới, rất cần đầu tư nâng cấp, đầu tư trang thiết bị... tại các sàn giao dịch việc làm để phù hợp với hoạt động chuyên môn, bảo đảm sự đồng bộ trong quản lý, điều hành giữa sàn giao dịch Trung tâm ở số 215 phố Trung Kính và hệ thống 14 sàn vệ tinh, từ quy trình phỏng vấn trực tuyến, lưu trữ cơ sở dữ liệu, cho đến kết nối tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề.

Mai Hoa

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/go-kho-trong-ho-tro-giai-quyet-viec-lam-702963.html