Gỡ khó trong phát triển Đảng tại trường Đại học, Cao đẳng
Công tác phát triển đảng viên nói chung và trong các trường Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ) nói riêng là một trong những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Ðảng. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ trong các trường ĐH, CĐ tại TP Hồ Chí Minh.
Chưa tương xứng với quy mô
Theo báo cáo của Trung ương Đoàn, gần đây, dù đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác phát triển đảng viên nhưng công tác phát triển Đảng trong các trường ĐH, CĐ chưa thực sự tương xứng với quy mô, tiềm năng hiện có. Hiện nay, cả nước có khoảng 2,1 triệu sinh viên nhưng tỷ lệ đoàn viên trong các trường ĐH, CĐ được kết nạp Đảng hằng năm chiếm chưa đến 10% tổng số đoàn viên ưu tú của cả nước được kết nạp Đảng.
Theo Ðảng ủy Khối ĐH, CĐ TP Hồ Chí Minh, từ năm 2020 đến nay, Ðảng bộ Khối kết nạp hơn 920 đảng viên mới; trong đó, kết nạp 626 đảng viên mới là sinh viên (đạt 68% so với tổng số đảng viên được kết nạp). Ngoài những kết quả đạt được trên, việc phát triển Đảng trong sinh viên tại các trường ĐH, CĐ ở TP Hồ Chí Minh còn gặp một số hạn chế, khó khăn, chưa tương xứng với quy mô và dư địa trong khối đối tượng này. Cụ thể, tỷ lệ giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Ðảng xem xét kết nạp trong khối trường ĐH, CĐ còn thấp; tỷ lệ đoàn viên được kết nạp Ðảng trong khối trường ĐH, CĐ còn thấp so với quy mô khoảng 600.000 sinh viên đang học tập ở TP Hồ Chí Minh.
Điển hình, tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, dù có quy mô khá lớn và số lượng sinh viên nhiều nhưng trong 3 năm qua, Đảng bộ Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh mới kết nạp được 157 đảng viên là sinh viên. Giải thích về thực tế trên, bà Phùng Thị Diệu Hương, Bí thư Ban cán sự Đoàn Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, phần lớn đến năm cận cuối và năm cuối, sinh viên mới có thể tích lũy đủ điều kiện và tiêu chuẩn để được xem xét kết nạp Đảng. Trong khi đó, quá trình thẩm tra, xác minh lý lịch chiếm nhiều thời gian. Nhiều trường hợp sinh viên từ khi lập danh sách đối tượng Đảng cho đến khi hoàn thành hồ sơ để xem xét kết nạp Đảng, sinh viên đã có quyết định tốt nghiệp. Bên cạnh đó, việc thẩm tra, xác minh lý lịch của người xin vào Đảng đối với các trường hợp có gia đình ở xa, hay nhiều trở ngại khó khăn do địa phương không đủ thông tin xác nhận. Hơn nữa, quy trình và thủ tục nhiều khi còn rườm rà, dẫn đến kéo dài quá trình hoàn thành hồ sơ kết nạp Đảng.
Từ thực tế trên, bà Phùng Thị Diệu Hương cho rằng, để công tác kết nạp đảng viên trong sinh viên được thuận lợi, nhanh chóng thì cần rà soát và điều chỉnh thủ tục, hồ sơ kết nạp đảng viên theo hướng tinh gọn; nghiên cứu chuẩn hóa quy trình và liên thông thông tin khi thẩm tra lý lịch, lấy ý kiến phản hồi của địa phương liên quan đến người xin vào Đảng thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.
Điều chỉnh các thủ tục phù hợp
Theo ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, công tác phát triển đảng viên nói chung và trong sinh viên nói riêng là một trong những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Ðảng nhằm tăng cường xây dựng đội ngũ đảng viên trẻ, có trình độ cao, phẩm chất chính trị tốt, góp phần tạo nguồn cán bộ kế cận cho hệ thống chính trị các cấp, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng. Ðây là việc làm khó, đòi hỏi phải có sự kiên trì, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Trong đó, các cấp ủy, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị phải tạo điều kiện và cơ hội để đảng viên trẻ đặt niềm tin, được rèn luyện và thử thách; qua đó giúp đảng viên trẻ nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng, sẵn sàng cống hiến sức trẻ của mình cho đất nước.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, sắp tới, để nâng cao chất lượng công tác phát triển Ðảng trong sinh viên, các trường ĐH, CĐ và các đơn vị liên quan cần xác định những giải pháp mang tính đột phá trong các phong trào, hoạt động tuyên truyền, giáo dục để nâng cao hiệu quả giáo dục lý tưởng, bồi dưỡng sinh viên xứng đáng đứng vào hàng ngũ của Ðảng… Cụ thể, các trường cần tập trung các giải pháp hướng đến việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác phát triển đảng viên là sinh viên. Trong đó, các cấp ủy phải căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tiễn của nhà trường để chủ động cụ thể hóa việc thực hiện bằng việc ban hành xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể; xác định rõ những hạn chế để tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc kịp thời…
Còn theo bà Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, vừa qua Thành đoàn đã tạo môi trường khá tốt cho các sinh viên ưu tú được phát triển đảng viên trong các trường ĐH, CĐ. Theo đó, Thành đoàn chủ động phối hợp với trường rà soát các sinh viên trong các phong trào như: “Sinh viên 5 tốt”, sinh viên tình nguyện, Mùa hè xanh… để tiếp tục kết nối, tạo điều kiện cho các em tham gia công tác Đoàn. Ngoài ra, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với đoàn viên ưu tú, mạnh dạn giao nhiệm vụ cho các em tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp, đoàn trường.
Ngoài ra, nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, bà Phan Thị Thanh Phương cho rằng, ở đâu cấp ủy mạnh thì ở đó phát triển đảng viên tốt, từ đó chất lượng đào tạo tốt. Đồng thời, vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên trong các trường ĐH, CĐ rất quan trọng. Đây là nơi tạo môi trường rèn luyện, xây dựng động lực, khát vọng cống hiến để sinh viên nỗ lực phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Tuy nhiên, phát triển đảng viên trong lực lượng sinh viên phải coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng và không vì chỉ tiêu mà hạ tiêu chí, tiêu chuẩn.
Do đó, theo bà Phan Thị Thanh Phương, cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo nhà trường, tổ chức Đoàn cần tích cực kiến tạo môi trường thuận lợi để sinh viên học tập, rèn luyện, sớm đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn trở thành đảng viên.