Gỡ khó trong phát triển làng nghề ở Tam Nông

PTĐT - Thời gian qua, bám sát Kế hoạch 5025/KH- UBND ngày 03/11/2016 của UBND tỉnh về phát triển làng nghề nông thôn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016- 2020, huyện Tam Nông đã ưu tiên phát triển các ngành nghề có tiềm năng, các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, đến nay việc phát triển làng nghề vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Cây sơn ta vốn thích ứng với thổ nhưỡng của huyện Tam Nông, song vài năm trở lại đây, do tiêu thụ khó khăn nên tác động không nhỏ đến hoạt động của các làng nghề sản xuất sơn ta. Tại nhiều địa phương như: Thọ Văn, Dị Nậu, Xuân Quang, Văn Lương một số hộ dân làng nghề vẫn cố gắng bám trụ để bảo tồn nghề và nâng cao thu nhập.

Cây sơn ta vốn thích ứng với thổ nhưỡng của huyện Tam Nông, song vài năm trở lại đây, do tiêu thụ khó khăn nên tác động không nhỏ đến hoạt động của các làng nghề sản xuất sơn ta. Tại nhiều địa phương như: Thọ Văn, Dị Nậu, Xuân Quang, Văn Lương một số hộ dân làng nghề vẫn cố gắng bám trụ để bảo tồn nghề và nâng cao thu nhập.

Toàn huyện có 6 làng nghề đã được công nhận từ giai đoạn 2011- 2015, đó là các làng nghề: Mộc Minh Đức (xã Thanh Uyên), đan lát khu Bắc (xã Hiền Quan), sản xuất sơn Văn Lang (xã Văn Lương), sản xuất sơn ta Thọ Xuyên (xã Thọ Văn), sản xuất sơn ta Xuân Quang (xã Xuân Quang), sản xuất sơn đỏ Dị Nậu (xã Dị Nậu). Ngoại trừ làng nghề mộc Minh Đức phát triển tốt, doanh thu tăng trưởng khá, còn lại hầu hết các làng nghề trong huyện đều ở mức duy trì để giữ nghề. Mới đây chúng tôi về làng nghề sản xuất sơn ta Thọ Xuyên, xã Thọ Văn- một trong những làng nghề được công nhận từ năm 2013, so với thời điểm mới công nhận thì số hộ, số lao động tham gia làm nghề và doanh thu của làng giảm mạnh. Hiện tại làng nghề Thọ Xuyên đang có hơn 500 hộ làm nghề trồng và khai thác nhựa cây sơn đỏ, tạo việc làm cho 626 lao động với thu nhập bình quân 2,1 triệu đồng/người/tháng. Năm 2018 doanh thu của làng nghề chỉ đạt 15,2 tỷ đồng. Trưởng làng nghề sản xuất sơn ta Thọ Xuyên - ông Nguyễn Quang Thuần cho biết: Mặc dù trồng và sản xuất sơn ta là nghề truyền thống, có từ lâu đời góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, song những năm qua do đầu ra phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, giá bán bấp bênh nên diện tích trồng sơn cũng như số hộ làm nghề không còn nhiều như trước. Có thời điểm giá sơn rớt xuống còn 120.000- 140.000 đồng/kg khiến không ít hộ tự chặt hạ sơn chuyển sang trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Diện tích cây sơn vì thế mà giảm từ 400ha xuống còn 260ha. Không riêng làng nghề Thọ Xuyên gặp khó khăn về đầu ra, diện tích trồng sơn giảm mạnh mà hầu hết các làng nghề sơn ở Tam Nông cũng trong tình cảnh tương tự. Qua tìm hiểu được biết, cả 4 làng nghề sản xuất sơn chỉ có một sản phẩm chủ đạo là nhựa sơn tươi, chưa qua chế biến, người dân thu hoạch đến đâu bán cho thương lái đến đó để xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, không có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm nên dễ bị ép cấp, ép giá, với giá bán dưới 150.000 đồng/kg thì người trồng sơn hầu như không có lãi. Chính thực tế thu nhập thấp, thị trường tiêu thụ bấp bênh, sản phẩm thô chưa qua chế biến, giá trị sản phẩm không cao… đang là những khó khăn mà các làng nghề nơi đây phải đối mặt những năm qua.

Trong khi nhiều làng nghề khó khăn về đầu ra, người làm nghề không mặn mà, giá trị sản lượng sản phẩm và doanh thu đều sụt giảm thì công tác nhân cấy nghề, phát triển làng nghề mới ở Tam Nông thời gian qua cũng chưa có nhiều tín hiệu khả quan, làm cho bức tranh làng nghề của huyện chưa khởi sắc. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu Trang- Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tam Nông cho biết: Từ năm 2016 đến nay, huyện chưa có thêm làng nghề mới, mặc dù nhiều địa phương như: Tam Cường, Cổ Tiết, Thượng Nông, Quang Húc đều có các làng có nghề đan lát, chế biến lâm sản, làm đồ thủ công mỹ nghệ, nuôi cá lồng. Huyện cũng đã chỉ đạo các xã trên tạo điều kiện cho các hộ mở rộng quy mô sản xuất, ưu tiên các nguồn lực hỗ trợ dạy nghề, nhân cấy nghề… song đến nay vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chí về số hộ làm nghề, lao động, giá trị sản xuất, doanh thu. Do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, các hộ làm nghề không tập trung, mặt khác còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố khách quan như thời tiết tác động... Để tháo gỡ khó khăn, huyện Tam Nông cần có những biện pháp lâu dài để thúc đẩy thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm; nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của sản phẩm, xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề hàng năm gắn với triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong xây dựng và phát triển làng nghề; có cơ chế hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nhân cấy nghề ở các làng có nghề để đảm bảo các tiêu chí làng nghề. Riêng đối với làng nghề trồng sơn, huyện cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước thu mua, chế biến nhựa sơn, thúc đẩy xuất khẩu theo đường chính ngạch bởi sơn đỏ Tam Nông vốn đã có thương hiệu sản phẩm, chất lượng tốt, hoàn toàn có thể xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có như vậy các làng nghề mới phát triển bền vững, góp phần tích cực trong bảo tồn nghề truyền thống, nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng nông thôn mới.

Mai Phương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/201909/go-kho-trong-phat-trien-lang-nghe-o-tam-nong-166549