Gỡ khó trong thu hút đầu tư ở Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh
Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) - 1 trong 8 khu kinh tế ven biển được Chính phủ ưu tiên đầu tư và là 1 trong 4 tứ giác phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hóa. Trong những năm qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương, tỉnh, KKTNS và các khu công nghiệp (KCN) đã phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trước bối cảnh nhiều khó khăn, thử thách như hiện nay, để hoạt động thu hút đầu tư tại KKTNS và các KCN đạt hiệu quả cao, sôi động hơn nữa cần có nỗ lực, năng động, sáng tạo, tinh thần quyết tâm cao, triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực, mang tính bền vững.
Khách sạn Anh Phát 3 đạt tiêu chuẩn 4 sao do Tổng Công ty Anh Phát đầu tư tại KKTNS. Ảnh: H.T
Trước những khó khăn, thử thách đã được dự báo trước, nhằm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện từ phía Trung ương, tỉnh, Ban Quản lý KKTNS và các KCN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từng bước tháo gỡ khó khăn, đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong hoạt động thu hút đầu tư.
Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Ban Quản lý KKTNS và các KCN đã tổ chức đón tiếp nhiều đoàn, cung cấp thông tin, tài liệu cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến làm việc và nghiên cứu đầu tư. Những tháng đầu năm 2023, KKTNS và các KCN đã tiếp đón 5 đoàn nhà đầu tư nước ngoài và có 8 đoàn nhà đầu tư trong nước đến tìm hiểu đầu tư. Nắm bắt từng cơ hội, ban quản lý đã chủ động đấu mối và liên tục hỗ trợ các nhà đầu tư theo nhiều hình thức khác nhau để cung cấp thông tin về quy hoạch, địa điểm đầu tư, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư.
Cùng với đó, Ban Quản lý KKTNS và các KCN tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, thực hiện nghiêm quy định “4 tăng, 2 giảm, 3 không” trong giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng cơ quan hành chính phục vụ, tăng tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính mức độ 3, 4 trên 90%. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư giải quyết các khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ban Quản lý KKTNS và các KCN đã tổ chức làm việc với các nhà đầu tư để giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đối với các dự án lớn, trọng điểm, các dự án chậm tiến độ, dự án chưa thực hiện... Giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của 5 doanh nghiệp thuộc thẩm quyền phục vụ hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp năm 2023 do UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức. Triển khai kế hoạch rà soát, hướng dẫn doanh nghiệp chấp hành quy định pháp luật lao động, bảo hiểm, thuế thu nhập cá nhân và sử dụng lao động nước ngoài. Đến nay, đã rà soát, hướng dẫn cho 20 doanh nghiệp KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga, 15 doanh nghiệp tại KCN Bỉm Sơn..., từ đó tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, hoạt động tại KKTNS và các KCN.
Từ những nỗ lực, cố gắng ấy, trong 6 tháng của năm 2023, tại KKTNS và các KCN đã cấp mới 13 dự án (7 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 8.253 tỷ đồng; 6 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 49 triệu USD); 20 lượt dự án đăng ký điều chỉnh với số vốn điều chỉnh tăng 73,3 tỷ đồng và 47,4 triệu USD; số dự án thu hồi/hết hiệu lực là 6 dự án với tổng vốn đăng ký 3.049 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tại KKTNS và các KCN đã thu hút được 719 dự án, trong đó có 645 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 177.000 tỷ đồng và 74 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 13.638 triệu USD; vốn thực hiện đạt 83.107 tỷ đồng và 13.184 triệu USD.
Về hoạt động sản xuất, kinh doanh tại KKTNS và các KCN, giá trị sản xuất ước đạt 97.431 tỷ đồng (bằng 104% so với cùng kỳ năm 2022); nộp ngân sách ước đạt 10.157 tỷ đồng (bằng 84% so với cùng kỳ năm 2022); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.206 triệu USD (bằng 96% so với cùng kỳ năm 2022); nhập khẩu ước đạt 3.707 triệu USD (bằng 105% so với cùng kỳ năm 2022); giải quyết việc làm cho 97.970 lao động.
Những con số về hoạt động thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã phần nào minh chứng sinh động, thuyết phục cho những nỗ lực, phấn đấu, từ đó tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò “đầu kéo” tăng trưởng kinh tế của KKTNS và các KCN. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xúc tiến đầu tư, kết quả thu hút đầu tư còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, dự án đầu tư nước ngoài; còn tồn tại các dự án chậm tiến độ chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định, phải gia hạn nhiều lần, đặc biệt là các dự án du lịch ven biển.
Tiến độ đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các KCN như: KCN số 1, KCN số 3, KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga, Bỉm Sơn, Lam Sơn – Sao Vàng còn chậm và chưa đồng bộ, còn bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng hạ tầng của các dự án thứ cấp; một số KCN đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư hạ tầng như các KCN: Thạch Quảng, Ngọc Lặc, Bãi Trành.
Tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án còn chậm; một số tồn đọng, vướng mắc tại các dự án chưa được giải quyết dứt điểm, đặc biệt là tại các dự án lớn, dự án trọng điểm phát sinh khối lượng GPMB bổ sung, phát sinh khiếu nại, tái cản trở thi công dự án (như dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam, dự án kè chống sạt lở, dự án đường Đông Tây 1 kéo dài ...), gây khó khăn cho công tác GPMB và tiến độ thi công các dự án. Thiếu hụt mặt bằng sạch tại các dự án KCN quy mô lớn là một trong những nguyên nhân khiến thu hút nguồn vốn FDI của Thanh Hóa chững lại trong vài năm trở lại đây.
Được biết, theo kế hoạch UBND tỉnh giao, tổng diện tích GPMB của thị xã Nghi Sơn là 468,6 ha, bao gồm 39 dự án; trong đó có 26 dự án chuyển tiếp từ năm 2022 là 145,21 ha, 13 dự án mới triển khai GPMB từ năm 2023 là 323,08 ha. Do nhiều yếu tố, nguyên nhân, đến nay, thị xã Nghi Sơn đã thực hiện GPMB được 95,6 ha (đạt 20,37% kế hoạch được giao). Ông Lê Hồng Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Ban GPMB, hỗ trợ và tái định cư thị xã Nghi Sơn, cho biết: “Vấn đề GPMB trên địa bàn thị xã thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến kết quả chung. Năm 2023, các dự án triển khai gặp khó khăn trong vấn đề ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất. Một số dự án lớn trong năm 2023 đang trong quá trình hoàn tất thủ tục, chưa đến bước thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường. Mặt khác, phần lớn các dự án đang thực hiện trên địa bàn là dự án Nhà nước thu hồi đất nên trình tự, thủ tục đòi hỏi sự nghiêm ngặt, chặt chẽ...”.
Để hoạt động thu hút đầu tư tại KKTNS và các KCN đạt hiệu quả hơn nữa, thời gian tới Ban Quản lý KKTNS và các KCN sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; triển khai hiệu quả, mạnh mẽ các cơ chế, chính sách hỗ trợ, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, quy hoạch... làm động lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư.
Tập trung đôn đốc, hỗ trợ tạo mọi điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai sớm đưa vào hoạt động như: Nhà máy xi măng Đại Dương 1 và 2, Nhà máy sản xuất săm lốp ôtô Radial, Nhà máy sản xuất găng tay Nitrile Intco, Nhà máy thép VAS số 2, Nhà máy khung tranh Inteco, Nhà máy hóa chất Đức Giang,...; các dự án đầu tư hạ tầng KCN Lam Sơn - Sao Vàng, KCN số 3, KCN Đồng Vàng, KCN số 1 Luyện Kim; các dự án mới được chấp thuận chủ trương đầu tư như: Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn, Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương, khu nuôi trồng thủy hải sản VNC,...
Thường xuyên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là hoạt động của các dự án lớn như: Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn II, Nhà máy gang thép Nghi Sơn, các nhà máy sản xuất giày da, may mặc,... có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, tạo việc làm cho người lao động.
Triển khai có hiệu quả Chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết để thu hút các dự án công nghiệp nặng, giá trị gia tăng cao; các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics...
Tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng KCN Tây Bắc Ga tập trung rà soát, đầu tư hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng KCN, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là việc nghiên cứu thi công đường nước riêng cho công tác phòng cháy, chữa cháy tại KCN Tây Bắc Ga để có đường đấu nối cho doanh nghiệp.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển KKTNS và các KCN, giai đoạn 2021 - 2025; Đề án GPMB, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và GPMB...
Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh, huyện, Ban Quản lý KKTNS và các KCN quan tâm, chú trọng là tập trung nguồn lực GPMB, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo nhiều quỹ đất “sạch” để thu hút đầu tư. Đầu năm 2023, tỉnh Thanh Hóa thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án GPMB, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và GPMB các KCN trong KKTNS (Đề án 1887). Đây được cho là động thái thể hiện sự quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa nhằm giải quyết kịp thời, đẩy nhanh công tác GPMB trên địa bàn. Mục tiêu đề án ưu tiên nguồn lực GPMB, đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu, đặc biệt tại KKTNS, các KCN và khu vực trọng điểm. Ông Lê Hồng Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Ban GPMB, hỗ trợ và tái định cư thị xã Nghi Sơn, cho biết: “GPMB luôn được xem là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm trong nhiều nhiệm kỳ qua của thị xã Nghi Sơn. Thời gian tới, thị xã Nghi Sơn tập trung chỉ đạo quyết liệt 3 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GPMB: tập trung thu hồi đất, bàn giao, chi trả mặt bằng để tăng tỷ lệ giao mặt bằng, nỗ lực đến 30-6 đạt 40% kế hoạch được giao; đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công; đảm bảo tiến độ thi công các dự án trọng điểm...”.
Năm 2023, KKTNS và các KCN hướng tới mục tiêu tổng giá trị sản xuất của các doanh nghiệp đạt 265 nghìn tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 5.700 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước đạt 26 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm thêm cho khoảng 10 nghìn lao động. Để đạt được mục tiêu ấy, kết quả từ hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư đóng vai trò quan trọng. “Xây tổ đón đại bàng”, đó là nhiệm vụ mang tính chiến lược, yếu tố then chốt làm nên diện mạo, tầm vóc, sự phát triển bền vững của KKTNS và các KCN.