'Gỡ khó' trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Xác định việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) sẽ tạo “cú hích”, giúp nâng cao đời sống người dân, tỉnh ta triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp. Tuy nhiên, đến nay tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đang gặp không ít khó khăn cần tháo gỡ.
Còn nhiều vướng mắc
Theo đánh giá của ngành chức năng, tính đến 20.6.2023, kết quả giải ngân 3 Chương trình MTQG của tỉnh chỉ đạt trên 663 tỷ đồng, bằng 27,1% kế hoạch; trong đó, Chương trình xây dựng Nông thôn mới giải ngân hơn 129 tỷ đồng, đạt 49,8% kế hoạch. Chương trình giảm nghèo bền vững giải ngân hơn 170 tỷ đồng, đạt 17,6% kế hoạch. Chương trình phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân trên 363 tỷ đồng, đạt 29,7% kế hoạch.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lương Văn Đoàn cho biết: Để các chương trình MTQG bảo đảm đúng đối tượng, mục tiêu đặt ra, tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện tại cấp huyện, xã. UBND tỉnh phân công các sở, ngành theo dõi, phụ trách và hướng dẫn các huyện triển khai. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, tỉnh triển khai 2 đợt kiểm tra, giám sát, mỗi đợt thành lập 4 đoàn công tác, kịp thời nắm bắt tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong triển khai các chương trình và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, do vướng mắc về thể chế, chính sách và quá nhiều văn bản quản lý, điều hành, đề nghị của các bộ, ngành dẫn đến khó khăn cho địa phương. Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư phát triển có một số nội dung, dự án chưa đủ điều kiện để phân bổ kế hoạch vốn, do T.Ư chưa phê duyệt danh sách thôn có dân tộc khó khăn đặc thù thuộc diện đầu tư; một số dự án chưa có đề án do UBND tỉnh phê duyệt theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc; có nguồn vốn đã phân bổ cho cấp huyện nhưng không thực hiện được, chờ điều chỉnh theo hướng dẫn. Một số huyện chưa bố trí và phân bổ nguồn vốn ngân sách huyện đối ứng để thực hiện các chương trình; chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đủ điều kiện thực hiện do công tác đề xuất, lựa chọn danh mục dự án chậm triển khai. Đối với nguồn vốn sự nghiệp, việc phân bổ của cấp huyện còn dàn trải, nhỏ lẻ, chưa phù hợp với năng lực thực tế của cán bộ thực hiện, dẫn đến thực hiện không đồng nhất, dễ xảy ra sai xót.
Đối với việc quản lý, sử dụng và giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển, tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Công tác lập, thẩm định và phê duyệt các dự án kéo dài do khảo sát dự án trước khi đề xuất danh mục chưa sát thực tiễn, dẫn đến phải điều chỉnh dự án. Các dự án thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững có quy mô lớn, trình tự thủ tục đầu tư 2 bước nhưng tiến độ thực hiện chậm; trong tổng số 76 công trình triển khai còn 34 công trình vẫn đang hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, với kế hoạch vốn chiếm 61% kế hoạch giao. Đối với các công trình theo cơ chế đặc thù, nhiều công trình đã thi công nhưng chưa đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định; còn tình trạng phê duyệt công trình nhầm lẫn nguồn vốn giữa các chương trình MTQG; chưa phân tách cụ thể các hạng mục do nhân dân đóng góp trong chi phí xây lắp. Mặt khác, thời hạn thông báo tham gia dự thầu quá ngắn, đơn dự thầu chưa chứng minh năng lực, kinh nghiệm; thiếu biên bản nghiệm thu khối lượng, thiếu sự tham gia của ban giám sát cộng động và đại diện cộng đồng thôn trong quá trình giám sát, nghiệm thu dự án. Năng lực các chủ đầu tư, các xã hạn chế; tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư và giải ngân chậm...
Qua tìm hiểu, vốn sự nghiệp một số xã, đơn vị cấp huyện do chưa nắm vững các quy định, hướng dẫn về trình tự thực hiện, hồ sơ, chứng từ thanh, quyết toán; có huyện năm 2023 chưa phê duyệt được dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; quá trình tổ chức thực hiện còn lúng túng, dẫn đến giải ngân nguồn vốn chậm, một số nội dung giải ngân chưa đúng quy định. Đối với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, việc xây dựng dự án chưa căn cứ kết quả khảo sát và nhu cầu thực tế từ các hộ; một số huyện quyết định phê duyệt dự án chưa đầy đủ nội dung và không có danh sách các hộ tham gia dự án. Các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, một số dự án xây dựng với quy mô xã, hộ quá lớn, trong đó nhiều hộ có diện tích tham gia vào chuỗi rất nhỏ. Chất lượng thẩm định các dự án, phương án sản xuất chưa cao, dẫn đến mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và đối ứng của từng hộ tham gia dự án chưa phù hợp thực tế…
Đồng bộ giải pháp tháo gỡ
Để tháo gỡ khó khăn, tránh tình trạng “có tiền nhưng không tiêu được”, tỉnh chỉ đạo các huyện rà soát các dự án thành phần có kế hoạch vốn lớn, chậm tiến độ và giải ngân thấp; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đúng trình tự, mục tiêu, đối tượng, hiệu quả. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ thẩm định các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc thẩm quyền; hướng dẫn các xã và tổ, nhóm cộng đồng trong công tác lập dự án để phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo triển khai có hiệu quả. Mặt khác, rà soát lại các quyết định phân bổ vốn sự nghiệp thực hiện 3 chương trình MTQG năm 2022, 2023 và điều chỉnh dự toán trong trường hợp nội dung phân bổ chưa đảm bảo quy định và chế độ, định mức chi hoặc những nhiệm vụ chi không đủ điều kiện giải ngân.
Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê, Củng Thị Mẩy cho biết: Đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình MTQG, huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương nghiên cứu kỹ các văn bản quy định của T.Ư, của tỉnh về trình tự thực hiện, hồ sơ, chứng từ thanh, quyết toán một số nội dung thuộc nguồn vốn sự nghiệp 3 chương trình; tập trung khắc phục hạn chế trong quá trình thực hiện. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị dự toán và UBND cấp xã trong triển khai các chương trình MTQG, đảm bảo hoàn thiện thủ tục, hồ sơ chứng từ theo quy định tài chính; thường xuyên cập nhật các văn bản, chế độ chính sách có liên quan để kịp thời triển khai theo đúng quy định; tập huấn, nâng cao năng lực của Ban Giám sát cộng đồng xã, thôn.
Xác định việc triển khai các chương trình MTQG là việc khó, nhưng với quyết tâm cao và để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong tổ chức thực hiện, tỉnh chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát và theo dõi chặt chẽ tiến độ thực hiện 3 chương trình MTQG của huyện; yêu cầu các sở, ngành bố trí thời gian và nhân lực hướng dẫn, hỗ trợ các huyện trong quá trình triển khai và phản ánh khó khăn, vướng mắc phát sinh của cơ sở để tháo gỡ kịp thời. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục hồ sơ theo trình tự, đảm bảo chi đúng mục tiêu, đối tượng, đáp ứng tiến độ giải ngân trong năm 2023.