Gỡ khó trong thực thi Luật Thanh tra năm 2022
Từ ngày 1-7-2023, Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực với một số điểm mới như: tổng cục, cục thuộc bộ được quyền thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành; UBND tỉnh có quyền thành lập thanh tra sở…
Sau gần một năm thực hiện Luật Thanh tra năm 2022, có một số vướng mắc cần tháo gỡ.
* Luật bổ sung nhiều điểm mới
Theo Thanh tra Chính phủ, Luật Thanh tra năm 2022 quy định tổng cục, cục thuộc bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành nhưng việc thành lập này không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của tổng cục, cục thuộc bộ; UBND tỉnh có quyền thành lập thanh tra sở trên cơ sở căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao; quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra.
Ngoài ra, Luật Thanh tra năm 2022 quy định thêm về sự phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra. Điểm mới này giúp xử lý các trường hợp bị chồng chéo, trùng lặp từ các khâu, các giai đoạn có mối quan hệ với nhau giữa hoạt động thanh tra, hoạt động kiểm toán nhà nước và hoạt động điều tra.
Luật Thanh tra năm 2022 có sự thay đổi về nhiều nội dung với 8 chương và 118 điều. So với Luật Thanh tra năm 2010, Luật Thanh tra năm 2022 đã tăng 30 điều, trong đó đã bổ sung 2 chương mới (chương 5 về thực hiện kết luận thanh tra và chương 6 về phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra) và lược bỏ chương 6 Luật Thanh tra năm 2010 về thanh tra nhân dân.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản thi hành luật diễn ra vào ngày 29-3, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Trần Văn Long cho biết, Luật Thanh tra năm 2022 nhằm quán triệt và cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về công tác thanh tra; góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; đồng thời, đáp ứng yêu cầu về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, bảo đảm phối hợp có hiệu quả giữa các công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Mặt khác, Luật Thanh tra năm 2022 còn làm rõ và tăng cường trách nhiệm, thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc lãnh đạo công tác thanh tra; xử lý các vấn đề phát sinh được phát hiện qua hoạt động thanh tra; tổ chức thực hiện kết luận thanh tra; chấn chỉnh công tác quản lý, xử lý cán bộ vi phạm, thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, Luật Thanh tra năm 2022 còn quy định nhiều nội dung quan trọng như: tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; quy định về thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra; trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra; bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động thanh tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra...
* Một số vướng mắc trong quá trình thực thi
Theo đại diện Thanh tra tỉnh, sau gần một năm thực hiện Luật Thanh tra năm 2022 đã bộc lộ một số vướng mắc như: luật quy định chánh thanh tra tỉnh có thẩm quyền xử phạt hành chính nhưng không nêu rõ những hành vi vi phạm hành chính nào thì được xử phạt; UBND tỉnh được thành lập thanh tra sở với điều kiện tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ, nhưng lại không có tiêu chí để chỉ rõ phạm vi quản lý cụ thể.
Hơn nữa, theo khoản 2, Điều 77 Luật Thanh tra năm 2022, người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định việc phân công đơn vị, cá nhân thực hiện việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng thanh tra viên còn mỏng nên bố trí cho cá nhân đảm nhiệm công việc này rất khó.
Theo đại diện Thanh tra tỉnh, một số quy định trong Luật Thanh tra năm 2022 chồng chéo với nhau nên rất khó để thi hành luật. Cụ thể, theo quy định tại khoản 11 Điều 2 thì thời hạn thanh tra là khoảng thời gian được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp. Tuy nhiên, khoản 3, Điều 59 Luật Thanh tra năm 2022 lại quy định, đối với cuộc thanh tra theo kế hoạch, quyết định thanh tra phải được gửi đến đối tượng thanh tra và công bố chậm nhất là 15 ngày trước ngày tiến hành thanh tra trực tiếp. Như vậy, sau khi công bố xong 15 ngày sau mới tiến hành thanh tra trực tiếp nhưng thời hạn thanh tra lại tính từ ngày công bố là chưa hợp lý.
Ngoài ra, tại khoản 2, Điều 52 Luật Thanh tra năm 2022 quy định, khi triển khai thực hiện, trong trường hợp người ra quyết định thanh tra đồng thời là trưởng đoàn thanh tra thì trưởng đoàn thanh tra vừa có trách nhiệm tổ chức, vừa chỉ đạo đoàn thanh tra. Như vậy sẽ không đảm bảo tính khách quan trong hoạt động thanh tra. Mặt khác, kế hoạch thanh tra có nhiều chồng chéo giữa thanh tra cấp trên và cấp dưới hoặc ngang cấp...
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản thi hành luật ngày 29-3, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, Vụ Pháp chế tiếp tục tiếp nhận trả lời những vướng mắc, khó khăn của các địa phương một cách kịp thời, chính xác để việc áp dụng pháp luật đúng quy định. Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang tiếp tục ban hành một số văn bản hướng dẫn dưới luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Thanh tra năm 2022.