Gỡ khó trong tuyển chọn vận động viên năng khiếu
Dù đã mở rộng địa bàn, tăng chế độ thưởng nhưng công tác tuyển chọn vận động viên (VĐV) năng khiếu ở những bộ môn thể thao thành tích cao vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều gia đình vẫn sợ con mình khổ, không có tương lai nếu gắn bó cả tuổi thanh xuân với thể thao.
Nỗi lo tương lai
Từng trực tiếp theo đoàn tuyển chọn VĐV năng khiếu của Câu lạc bộ (CLB) bóng chuyền nữ Bộ tư lệnh Thông tin liên lạc, tôi mới thấu hiểu nỗi vất vả của những tuyển trạch viên. Cả ngày chúng tôi rong ruổi trên các cung đường tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình nhưng lại ra về tay trắng. Gia đình thích thể thao thì con không đạt tiêu chuẩn về chiều cao, tài năng; còn nếu chọn được VĐV đủ tố chất thì không thuyết phục được phụ huynh đồng ý gửi con xuống Hà Nội.
Huấn luyện viên (HLV) Bùi Huy Sơn, người phụ trách công tác tuyển chọn VĐV năng khiếu của CLB bày tỏ: “Trong bóng chuyền, độ tuổi tuyển sinh phù hợp nhất là từ 10 đến 15 tuổi. Vì tuổi còn nhỏ, nhiều gia đình không yên tâm gửi con cho chúng tôi. Trong quá trình tuyển chọn, chúng tôi nhiều lần tiếc nuối vì bỏ lỡ tài năng do không thuyết phục được phụ huynh các em. Tất nhiên, do đã tạo dựng được thương hiệu, bảo đảm được đầu ra, công tác tuyển sinh của chúng tôi còn đỡ khó hơn nhiều bộ môn thể thao khác”.
Dù có chế độ đãi ngộ tốt hơn nhiều địa phương, thành tích thi đấu quốc gia và quốc tế luôn đứng tốp đầu cả nước, song thời gian qua bộ môn muay và kickboxing Hà Nội luôn gặp khó khi tuyển chọn VĐV năng khiếu. Hè này, bộ môn chọn lọc được 15 cháu để đầu tư chuyên sâu, song hành trình tuyển VĐV năng khiếu không đơn giản.
Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Dương Ngọc Hải, phụ trách bộ môn muay và kickboxing Hà Nội trăn trở: “Khó khăn của chúng tôi cũng là thách thức chung của các bộ môn võ. Nhiều gia đình ngăn cấm con em theo muay và kickboxing vì sợ con khổ, suốt ngày đấm, đá sẽ không có tương lai. Thể thao lâu nay gắn với hình ảnh con nhà nghèo theo nghề để bớt khổ, khi cuộc sống được nâng cao thì phụ huynh lại định hướng con theo việc nhàn hạ. Chúng tôi đã mở rộng địa bàn, kết nối thêm “vệ tinh” nhưng khó khăn vẫn chưa được giải quyết”.
Từng là điểm nóng của thực trạng VĐV tập luyện được vài năm rồi bỏ đi làm công nhân hoặc về quê lấy chồng, những năm qua, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Sơn La cùng các cá nhân, tổ chức, công tác đào tạo và huấn luyện của CLB bóng đá nữ Sơn La đã được cải thiện tích cực.
Theo HLV trưởng CLB Lường Văn Chuyên, bóng đá nữ ngày càng được quan tâm và hiệu ứng tấm vé dự World Cup nữ 2023 của đội tuyển nữ Việt Nam đã giúp nhiều cầu thủ thay đổi suy nghĩ, không vì cuộc sống khó khăn mà bỏ bóng đá giữa chừng. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh năng khiếu vẫn còn gặp nhiều thách thức do Sơn La nằm ở địa bàn miền núi, nhiều gia đình ở đồng bằng không sẵn lòng cho con gái lên đây tập luyện.
Tập trung giải quyết "đầu ra"
Có một nghịch lý là xã hội phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao thì việc tuyển sinh VĐV năng khiếu càng khó khăn. Nguyên nhân là thể thao vẫn chưa được xã hội coi trọng, chưa được xem là một nghề kiếm sống. Theo Nghị định số 152/2018/NĐ-CP của Chính phủ, các VĐV đội tuyển quốc gia nhận tiền công tập luyện và thi đấu trong thời gian tập trung là 270.000 đồng/người/ngày, đội tuyển trẻ quốc gia nhận 215.000 đồng/người/ngày. Đối với các VĐV cấp tỉnh tuyến 1 là 180.000 đồng/người/ngày; tuyến 2 hưởng 75.000 đồng/người/ngày; tuyến 3 nhận 55.000 đồng/người/ngày. Không chỉ mức thu nhập thấp, nhiều VĐV dù đạt thành tích thi đấu cao nhưng vẫn lo chuyện tương lai bởi chưa biết làm gì sau khi kết thúc sự nghiệp đỉnh cao.
Từng chứng kiến nhiều cầu thủ phải bỏ bóng đá giữa chừng, ông Trần Duy Ly, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là làm sao để phụ huynh và các VĐV hiểu được những giá trị mà thể thao mang lại. “Chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức, khẳng định niềm vinh dự của VĐV khi được thi đấu mang vinh quang về cho thể thao nước nhà. Câu chuyện của đội tuyển nữ Việt Nam dự World Cup 2023 đã truyền cảm hứng phát triển mạnh mẽ cho lĩnh vực thể thao. Các cầu thủ không những được nhận tiền thưởng lớn mà còn được người dân tự hào, truyền thông quốc tế khen ngợi”, ông Trần Duy Ly bày tỏ.
Theo các chuyên gia, muốn gỡ khó cho "đầu vào" thì trước hết ngành thể thao phải giải được bài toán "đầu ra". Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó cục trưởng Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Những năm qua, ngành thể thao đã chủ động phối hợp với nhiều doanh nghiệp để tạo việc làm cho VĐV sau khi giải nghệ. Tuy nhiên, số lượng VĐV đăng ký rất ít, bởi nhiều em có tâm lý muốn trở thành HLV trong tương lai. Chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi hướng nghiệp và nhiều chuyên gia đều nhận định: Các VĐV có bản lĩnh, ý chí quyết tâm cao hơn người bình thường sẽ làm tốt nhiều công việc. Dẫu vậy, làm sao để VĐV hiểu và thực hiện mới là vấn đề quan trọng”.
HOÀI PHƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.