Gỡ khó về nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) là giải pháp căn cơ, hiệu quả để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), giảm nghèo bền vững. Những năm qua, nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS&MN đã được quan tâm đầu tư và có bước phát triển, tuy nhiên so với mặt bằng nguồn nhân lực chung của cả nước thì vẫn còn sự cách biệt khá lớn...

Từng bước chăm lo nguồn nhân lực

“Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bào DTTS&MN trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững” là chủ đề của hội thảo do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Sơn La vừa tổ chức tại huyện Mộc Châu (Sơn La). Hội thảo là hoạt động quan trọng để triển khai nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.

Vùng đồng bào DTTS&MN chiếm ¾ diện tích tự nhiên cả nước, có vị trí chiến lược quan trọng về KT-XH, đối ngoại, đặc biệt là quốc phòng, an ninh. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những năm qua, nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS&MN đã có bước phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo. Ví dụ như mô hình Hợp tác xã (HTX) dịch vụ phát triển nông nghiệp 19-5 tại huyện Mộc Châu (Sơn La). Với 250 thành viên tham gia (trong đó gần 90% là người DTTS), HTX này đã tổ chức đào tạo chuyên sâu, thay đổi tư duy, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào ghép và tạo giống mới, chế biến sản phẩm từ hoa quả và trồng rau sạch theo quy trình VietGAP. HTX dịch vụ phát triển nông nghiệp 19-5 đã kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm với 20 tập đoàn, doanh nghiệp lớn, nhỏ, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Thu nhập bình quân của các hộ thành viên đạt 400 triệu đồng/ha/năm; lương bình quân người lao động là 6,5-8,5 triệu đồng/tháng.

 Các đại biểu tham quan, tìm hiểu sản phẩm của Hợp tác xã dịch vụ phát triển nông nghiệp 19-5 (Mộc Châu, Sơn La).

Các đại biểu tham quan, tìm hiểu sản phẩm của Hợp tác xã dịch vụ phát triển nông nghiệp 19-5 (Mộc Châu, Sơn La).

Hay tại Điện Biên-một tỉnh miền núi, biên giới, KT-XH còn nhiều khó khăn, khi thực hiện Đề án củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị cơ sở các xã địa bàn trọng yếu giai đoạn 2015-2018, tỉnh đã phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và một số đơn vị tổ chức đào tạo các ngành nghề phù hợp với trình độ nhận thức người DTTS. Với cách làm này, giai đoạn 2017-2019, hàng nghìn cán bộ, đảng viên đã được đi đào tạo. Qua đó, trình độ của cán bộ người DTTS ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Giáo dục-đào tạo có ý nghĩa quyết định

Những năm qua, nguồn nhân lực của vùng đồng bào DTTS&MN đã có bước phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo. Tuy nhiên, theo đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội, hiện nay, lao động DTTS chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, số lao động được đào tạo, có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ lệ rất thấp, chủ yếu là lao động giản đơn và chưa qua đào tạo; số lượng, cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ DTTS chưa theo kịp sự phát triển và yêu cầu thực tiễn.

GS, TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, thực tế trên có thể được giải thích bởi một số nguyên nhân, đó là các trường nghề chưa bắt kịp xu hướng thị trường lao động; chính sách hỗ trợ cho sinh viên dự bị đại học còn nhiều bất cập; chưa có chương trình đào tạo đặc thù, phù hợp với đặc điểm văn hóa, trình độ của người DTTS... Đây là rào cản rất lớn trong phát triển KT-XH của các địa phương.

 Cán bộ Hợp tác xã dịch vụ phát triển nông nghiệp 19-5 (Mộc Châu, Sơn La) giới thiệu khu chế biến của hợp tác xã.

Cán bộ Hợp tác xã dịch vụ phát triển nông nghiệp 19-5 (Mộc Châu, Sơn La) giới thiệu khu chế biến của hợp tác xã.

Mới đây, chúng tôi có dịp làm việc với Tỉnh ủy Sơn La và được biết, việc thu hút người lao động tay nghề cao, các nhà khoa học, sinh viên người DTTS về địa phương được tỉnh thực hiện theo từng giai đoạn và căn cứ vào tình hình thực tế. Tính đến tháng 12-2019, toàn tỉnh Sơn La còn hơn 500 sinh viên cử tuyển, nhiều nhất là lĩnh vực giáo dục, văn hóa, xây dựng... Mặc dù, hằng năm tỉnh vẫn dành chỉ tiêu cho các đối tượng cử tuyển, tuy nhiên việc tuyển dụng rất khó khăn vì biên chế ít và một số sinh viên cử tuyển ra trường năng lực chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Trong khi đó, để thu hút được các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc, chuyên gia là rất khó, vì hầu hết họ không muốn về địa phương khó khăn công tác. Đây cũng là tình trạng chung của các tỉnh miền núi Tây Bắc.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN thì việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng này là nhân tố cơ bản, có ý nghĩa quyết định. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đề xuất 3 nhóm giải pháp: Thông qua chính sách “cử tuyển”; “đặt hàng” đào tạo, đào tạo lại; và thứ ba là “tạo nguồn” đào tạo có chất lượng cho các trường đại học, cao đẳng. Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển trường phổ thông dân tộc nội trú và trường trung học phổ thông chuyên của tỉnh-những mô hình thu hút, nuôi dưỡng, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho đồng bào dân tộc.

Để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng đồng bào DTTS&MN trong thời gian tới, đồng chí Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Các bộ, ngành, địa phương liên quan cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực từ nước ngoài để phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định công nhận, phân định các xã vùng đồng bào DTTS&MN theo trình độ phát triển... Các tỉnh miền núi được thụ hưởng chính sách đặc biệt phải xây dựng cơ sở dữ liệu, xác định nhu cầu đào tạo và phương thức đào tạo, gắn đào tạo với sử dụng nhân lực. Các tỉnh cần có cơ chế, chính sách thu hút học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp về công tác tại địa phương.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/go-kho-ve-nguon-nhan-luc-cho-vung-dan-toc-thieu-so-mien-nui-642080