Gỡ khó việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người lao động
Thời gian qua, chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) của ngành y tế tỉnh đối với các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đặc biệt là công nhân lao động (CNLĐ) từng bước được nâng lên, người bệnh được tiếp cận thuận lợi hơn với các dịch vụ y tế, bảo đảm quyền lợi hơn. Với đặc thù là tỉnh phát triển công nghiệp, gia tăng nhanh dân số cơ học nên công tác KCB BHYT cho CNLĐ tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cần nâng cao hơn về chất lượng.
Nữ công nhân đến KCB BHYT tại TP.Thuận An
Đạt tỷ lệ cao
Tính đến nay, tổng số CNLĐ của tỉnh tham gia BHYT là 918.584 người, trong đó có 463.782 người lao động tại các khu công nghiệp, đạt 91,5%. Từ đầu năm đến nay, tổng số lượt người tham gia KCB BHYT hơn 2,3 triệu người. Bình Dương là một tỉnh công nghiệp, lượng người nhập cư đông nên phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, khó đáp ứng nhu cầu KCB tăng cao.
Đánh giá về việc thực hiện chính sách pháp luật về KCB BHYT, ông Lê Văn Khảm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết: Qua giám sát chuyên đề thực hiện chính sách pháp luật về KCB BHYT cho người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho thấy tỉnh làm rất tốt việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia KCB BHYT và đạt tỷ lệ cao. Các cơ quan quản lý nhà nước về BHYT đã chủ động tham mưu thực hiện các chính sách KCB BHYT trên địa bàn tỉnh có hiệu quả và đã có những giải pháp trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực có thể gây thất thoát quỹ BHYT.
“Mạng lưới các cơ sở y tế phát triển rộng khắp từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, phường, thị trấn. Cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, hệ thống phòng khám được củng cố, y đức được chú trọng. Chất lượng KCB cho các đối tượng tham gia BHYT từng bước được nâng lên rõ rệt qua các năm, người bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế thuận lợi hơn, quyền lợi được bảo đảm. Việc thông tuyến KCB đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được chăm sóc sức khỏe, công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin (kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu) trong công tác KCB BHYT được phát triển mạnh mẽ, góp phần đơn giản hóa thủ tục hồ sơ khi đăng ký KCB BHYT, rút ngắn thời gian giải quyết, hạn chế phiền hà cho nhân dân”, ông Lê Văn Khảm nhận xét.
Tính đến nay, tổng số CNLĐ của tỉnh tham gia BHYT là 918.584 người, trong đó có 463.782 người lao động tại các khu công nghiệp, đạt 91,5%. Từ đầu năm đến nay, tổng số lượt người tham gia KCB BHYT hơn 2,3 triệu người.
Nhiều khó khăn cần khắc phục
Nhìn nhận hạn chế của các cơ sở KCB BHYT, bác sĩ Quách Trung Nguyên, Phó Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: Các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh chưa thật sự tạo niềm tin cho người lao động, chưa thu hút người dân đến KCB tại các tuyến, người dân trong tỉnh còn xuống TP.Hồ Chí Minh đi KCB. Mặc dù được quan tâm đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự, nhưng hoạt động của các phòng khám đa khoa khu vực chưa đáp ứng yêu cầu. Chỉ có 3/18 phòng khám đa khoa khu vực hoạt động chuyên môn có chất lượng, tạo được niềm tin của nhân dân, còn lại chỉ tương đương trạm y tế tuyến xã. Một số trạm y tế xã, phường, thị trấn có chất lượng chuyên môn, kỹ thuật và số lượng người dân đến KCB cao hơn so với các phòng khám đa khoa khu vực.
Hiệu quả KCB bằng y học cổ truyền tại y tế công lập chưa được cải thiện, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Đặc biệt, việc kết hợp Đông - Tây y trong KCB chưa thật sự triển khai tốt ở các cơ sở y tế và bệnh viện tuyến tỉnh. Công tác xã hội hóa y tế chỉ thực hiện được ở một số cơ sở y tế liên doanh, liên kết trong hệ thống y tế công lập về trang thiết bị y tế, hợp đồng mượn máy cung cấp hóa chất xét nghiệm, chưa có nhiều nhà đầu tư công trình y tế cơ sở.
Bác sĩ CKI Phan Công Lý, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước đề xuất: “Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu có chính sách, cơ chế gỡ khó cho các cơ sở y tế trong thực hiện Thông tư số: 15/2018/TT-BYT của Bộ Y tế. Thông tư này quy định mỗi bàn khám bác sĩ chỉ được khám 65 bệnh nhân/ngày đang gây khó khăn cho bệnh viện trong bối cảnh ngành y tế tỉnh đang thiếu bác sĩ”. Trong khi đó, bác sĩ Huỳnh Thị Nguyệt Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Thuận An cho biết: “Hàng quý, hàng năm, cơ quan BHXH ứng trước cho cơ sở KCB 80% kinh phí nhưng quá trình quyết toán 20% còn lại rất chậm, kéo dài làm ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch chi tiêu, kinh phí hoạt động và mua sắm của đơn vị”.
Vừa qua, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, thiếu hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị chẩn đoán bị hư hỏng chưa được sửa chữa, dẫn đến việc người lao động đến khám bệnh phải thực hiện việc chiếu, chụp từ cơ sở y tế tư nhân nên ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Mỗi cơ sở KCB tư nhân tự xây dựng khung giá khác nhau nên người lao động khi đi KCB BHYT phải đóng thêm các loại tiền chênh lệch dịch vụ ngoài khung giá BHYT quy định.