Gỡ nhiều nút thắt trong lưu thông hàng hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh
Các ngành thống nhất đảm bảo cho các doanh nghiệp lưu thông xuyên suốt trên địa bàn Thành phố và ưu tiên (luồng xanh) khi qua các trạm kiểm dịch trên địa bàn các tỉnh Miền Đông, Miền Tây Nam bộ.
Trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam áp dụng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương và Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho các tỉnh phía Nam đã có các buổi làm việc với Sở, Ban ngành, doanh nghiệp, nhà phân phối để tiếp tục tháo gỡ các vấn đề phát sinh trong lưu thông hàng hóa.
Tuân thủ các quy định trong kinh doanh
Sáng 22/7, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã làm việc với Hệ thống Bách Hóa Xanh về vấn đề cung ứng hàng hóa và việc tuân thủ các quy định trong kinh doanh.
Báo cáo với Tổ công tác, ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Hệ thống Bách Hóa Xanh cho biết đây là một hệ thống siêu thị mini, hiện nay có gần 2.000 điểm bán hàng trải dài trên 24 tỉnh phía Nam với lực lượng lao động 20.000 người và có 560 cửa hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Lượng hàng hóa luân chuyển qua hệ thống của Bách Hóa Xanh khoảng 1.300-1.500 tấn/ngày, gồm thực phẩm tươi sống và những hàng hóa thiết yếu khác. Do ảnh hưởng của dịch bệnh và một số kênh phân phối khác bị hạn chế, lưu lượng hàng hóa qua hệ thống Bách Hóa Xanh tăng lên gấp đôi, từ 2.000-3.000 tấn/ngày.
Liên quan đến những phản ánh mới đây về giá các mặt hàng tại hệ thống Bách Hóa Xanh tăng, đại diện doanh nghiệp này lý giải, trong mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh có từ 3.000-5.000 mã sản phẩm khác nhau, phần lớn trong số hàng hóa này giá không tăng lên.
Tuy vậy, trong những ngày đầu áp dụng Chỉ thị 16, do áp lực giá cả đầu vào, cung ứng, vận chuyển hàng hóa… nên 1 số mặt hàng có tăng so với bình thường và giá cả gần đây đã dần ổn định trở lại.
Ông Trần Kinh Doanh cho biết trong lúc áp lực cầu thị trường tăng cao, khối lượng công việc lớn thì sai sót khó tránh khỏi và đơn vị này đã khắc phục ngay.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải ghi nhận những đóng góp của hệ thống Bách Hóa Xanh trong việc tham gia vào các chương trình bình ổn, kết nối thị trường. Tuy nhiên, gần đây hệ thống Bách Hóa Xanh đã vi phạm trong hoạt động kinh doanh, do vậy ông đề nghị doanh nghiệp phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, cần có giải pháp khắc phục ngay.
Nhận định thị trường cung ứng hàng hóa trong giai đoạn tới sẽ có những diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của dịch bệnh, ông Hải yêu cầu Hệ thống Bách Hóa Xanh cần tăng cường nguồn hàng, tăng việc bán hàng lưu động, nhất là với hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, doanh nghiệp cần quan tâm đến vấn đề tiêu thụ nông sản, nhất là nông sản đến thời vụ để hỗ trợ nông dân, nhà sản xuất.
“Bộ Công Thương đề nghị Bách Hóa Xanh hài hòa lợi ích kinh doanh và việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản, cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người dân. Trong quá trình kinh doanh, cung ứng hàng hóa nếu phát sinh vướng mắc, doanh nghiệp cần báo cho địa phương và Bộ Công Thương để có sự phối hợp, tháo gỡ kịp thời,” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Tạo luồng xanh cho doanh nghiệp đưa hàng vào tâm dịch
Theo ghi nhận của Tổ Công tác, sau khi Bộ Giao thông Vận tải có Văn bản số 5017/TCDBVN-VT ngày 19/7, phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu và hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh tại các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 đã lưu thông thuận lợi hơn.
Các phương tiện vận chuyển hàng hóa đã được dán nhãn là các loại hàng mau hỏng (hàng nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh), các loại hàng thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh khi lưu thông giữa các địa phương trong khu vực đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg nên không cần đăng ký, không cần dán Thẻ nhận diện phương tiện (có mã QRCode) trên xe.
Thay vào đó các xe chỉ cần dán logo nhận diện phương tiện vận chuyển các hàng thiết yếu, đồng thời tài xế vẫn phải tuân thủ theo quy định Bộ Y tế về giấy xét nghiệm.
Tổ Công tác đã đề nghị Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp mẫu logo nhận diện để gửi các Sở Công Thương hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện theo quy định; đồng thời cung cấp đấu mối liên lạc của Sở Giao thông Vận tải để các doanh nghiệp có thể liên hệ khi gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh về Thành phố.
Hiện tại, Sở Công Thương Thành phố đã hoàn thiện hồ sơ theo quy định của ngành giao thông, chuyển Sở Giao thông Vận tải cấp Phiếu nhận diện được ưu tiên lưu thông khi qua các khu vực kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 (có mã QR Code) cho 529 đầu mối doanh nghiệp (cùng các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng) với 16.076 đầu xe.
Các ngành cũng thống nhất đảm bảo cho các doanh nghiệp lưu thông xuyên suốt trên địa bàn Thành phố và ưu tiên (theo luồng xanh) khi qua các trạm kiểm dịch trên địa bàn các tỉnh Miền Đông, Miền Tây Nam bộ./.