Gỡ 'nút thắt chìm' cho đường sắt đô thị

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội Nguyễn Bá Sơn cho rằng, Nghị quyết danh mục các công trình ngầm ưu tiên đầu tư vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua đã góp phần rất quan trọng gỡ 'nút thắt chìm' cho các dự án ĐSĐT.

Đoạn tuyến khó khăn nhất

Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Nguyễn Bá Sơn cho biết, theo quy hoạch đã được phê duyệt, các tuyến ĐSĐT của Hà Nội có công trình ngầm gồm: số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; số 3 Nhổn - Ga Hà Nội - Hoàng Mai; số 4 Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà; số 5 Văn Cao - Hòa Lạc; số 6 Nội Bài - Ngọc Hồi; số 7 Hà Đông - Mê Linh; số 8 Sơn Động - Mai Dịch - Dương Xá.

Trong số này có những tuyến dài đến hơn 50km và các đoạn ngầm chủ yếu được quy hoạch nằm trong khu vực nội đô, nhằm giảm thiểu giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng như là bảo đảm mỹ quan đô thị khi tuyến hình thành.

“Vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết danh mục các công trình ngầm ưu tiên đầu tư. Trong đó ưu tiên số một là các công trình ngầm của các dự án ĐSĐT. Đây là điều kiện rát quan trọng để tháo gỡ về GPMB các công trình ngầm, vốn được xem như những “nút thắt chìm” rất khó khăn của ĐSĐT” - ông Nguyễn Bá Sơn nói.

Vị lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho hay, theo Đồ án phát triển ĐSĐT mà ban cùng các sở, ngành TP đã tham mưu và được TP thông qua, mạng lưới ĐSĐT của TP sẽ được phân kỳ đầu tư thành các giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2025 - 2030 tập trung đầu tư 3 tuyến chính: số 2; số 3 kéo dài; và số 5. Cả ba tuyến này đều có các công trình ngầm.

Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Cụ thể, tuyến số 2 đoạn từ đường Nguyễn Văn Huyên - Hồ Hoàn Kiếm - Trần Hưng Đạo - Thượng Đình là công trình ngầm với chiều dài 18km. Tuyến số 3 hiện đang thi công 4km ngầm, và sẽ kéo dài thêm một đoạn tuyến 8,5km từ Trần Hưng Đạo - Hoàng Mai. Tuyến số 5 có khoảng 5,5km từ Văn Cao đến hết Vành đai 3 là đi ngầm. Như vậy, ngay trong 3 tuyến ưu tiên của giai đoạn 1 cũng đã có số kilômét đi ngầm rất dài. Giai đoạn 2 từ 2030 - 2035, Hà Nội sẽ đầu tư tiếp 301km ĐSĐT trong đó có khoảng hơn 40km đi ngầm.

Ông Nguyễn Bá Sơn phân tích: “Việc chỉ cần thông qua HĐND phê duyệt danh mục các công trình ngầm đã là một bước rút gọn rất rõ rệt, bởi trước đây các dự án ĐSĐT đều phải trải qua bước lập chủ trương đầu tư và thông qua Quốc hội phê duyệt. Hiện nay, TP đã được ủy quyền phê duyệt và thực hiện các dự án này mà không cần Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư, chỉ cần thông qua HĐND chấp thuận chủ trương về một số nội dung”.

Đây là một bước cụ thể hóa Luật Thủ đô sửa đổi và Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội về cơ chế đặc thù đối với phát triển ĐSĐT tại Hà Nội, rút gọn khâu chuẩn bị đầu tư cũng như cho phép TP ưu tiên nguồn lực cho các công trình ngầm trong đó có ĐSĐT.

Quá trình triển khai dự án tuyến ĐSĐT thí điểm của Hà Nội (tuyến số 3) đã cho thấy vô vàn các khó khăn, khiến dự án chậm trễ rất nhiều. Trong các khó khăn đó, có hai vấn đề lớn nhất là: nguồn vốn và GPMB. Về GPMB, trước đây các quy định chưa cụ thể, đặc biệt là với phần ngầm.

Tuy nhiên, hiện nay Luật Thủ đô đã có những hướng dẫn, đồng thời Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, ban hành Nghị định về sử dụng không gian ngầm. Kỳ vọng trong thời gian tới, khi Nghị định này ra đời sẽ quỹ định rõ ràng hơn đối với phần sở hữu không gian ngầm, từ đó việc đền bù GPMB với phần ngầm được cụ thể, minh bạch hơn.

Bên cạnh đó, các cơ chế đặc thù hiện nay cũng đã cho phép những dự án được tách phần GPMB ra thành dự án độc lập để triển khai trước mà không phải chờ đợi phê duyệt dự án chính. Như vậy sẽ giúp công tác GPMB đủ điều kiện triển khai trước và đẩy nhanh hơn để khi các nhà thầu vào thi công công trình chính, mặt bằng thi công đã sẵn sàng, giúp giảm thiểu rủi ro về sau này.

Khơi thông nguồn lực

Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Nguyễn Bá Sơn chia sẻ, việc bảo đảm nguồn vốn cho các dự án ĐSĐT cũng được củng cố hơn với sự ra đời của danh mục các công trình ngầm ưu tiên đầu tư.

Cụ thể, với giai đoạn 1 từ nay đến 2030, để đầu tư khoảng 100km ĐSĐT, Hà Nội sẽ cần khoảng 14,6 tỷ USD và giai đoạn tiếp theo từ 2030 - 2035 sẽ cần khoảng 22 tỷ USD. Từ 2035 - 2045 sẽ cần tiếp 18 tỷ USD. Như vậy nguồn lực đầu tư ĐSĐT là rất lớn. Với các Nghị quyết của Quốc hội, HĐND TP, sẽ có nhiều cơ chế linh hoạt hơn trong thu hút đầu tư.

Hà Nội đã đề xuất và được chấp thuận một số chủ trương chủ trương như: trích từ nguồn thu của TP, tối thiểu 50% nguồn đầu tư cho hạ tầng giao thông để triển khai các dự án ĐSĐT; sử dụng vốn vay ODA; thu hút vốn tư nhân thông qua hình thức PPP. Ngoài ra TP cũng đang triển khai các dự án đầu tiên áp dụng mô hình TOD, thông qua đó huy động nguồn lực từ đất đai để tái đầu tư cho ĐSĐT.

Hiện ban đang lập dự án để triển khai tuyến ĐSĐT với mô hình TOD đầu tiên dự kiến trên tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Tuyến ĐSĐT số 3 Nhổn - Ga Hà Nội đã hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao từ tháng 8/2024. Đối với đoạn ngầm do vướng mắc về GPMB trước đây, tiến độ thi công chậm hơn, hiện đã đạt khoảng 50% khối lượng công việc. Toàn bộ 4 nhà ga ngầm đã thi công đến bản đáy. Hai máy đào hầm TBM đang hoạt động tích cực ngày đêm. Máy số 1 đã khoan được khoảng 1.600m, máy số 2 khoan được 700m. Theo kế hoạch, đến hết năm 2025, cả hai máy sẽ hoàn thành toàn bộ công tác khoan hầm và sau đó được tháo dỡ và bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu lắp đặt thiết bị.

Đối với các dự án ĐSĐT, chi phí rất lớn, việc bảo đảm thanh toán trong suốt quá trình dự án là hết sức quan trọng. Do vậy, việc triển khai các dự án tiếp theo, đặc biệt là triển khai một cách đồng loạt như kế hoạch chúng ta đã đặt ra sẽ đòi hỏi nguồn lực tài chính phải được bảo đảm.

Đề án phát triển ĐSĐT đã được xây dựng hết sức công phu và thận trọng, trong đó chúng tôi đã tính toán nguồn lực cần thiết để đầu tư. Chúng tôi cũng đã phân tích các nguồn lực có thể huy động được, từ ngân sách cho đến vốn vay ODA, và nhận thấy rất khả thi.

“Với sự quan tâm từ cấp cao nhất, từ Quốc hội, Chính phủ cho đến HĐND, UBND TP, thể hiện qua sự thay đổi trong các quy định của pháp luật, trong đó có Nghị quyết danh mục các công trình ngầm ưu tiên đầu tư, chúng tôi tin rằng việc phát triển ĐSĐT trong thời gian tới sẽ rất thuận lợi, hiệu quả. Để triển khai các đề án, Nghị quyết đã được phê duyệt, thông qua, bước tiếp theo ban sẽ tiến thẳng vào lập các dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên. Dự kiến cuối năm nay sẽ khởi công được tuyến ĐSĐT số 2.1 và số 5; tuyến số 3 kéo dài sẽ thực hiện trong năm sau” - ông Nguyễn Bá Sơn nói.

Ngọc Hải

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/go-nut-that-chim-cho-duong-sat-do-thi.774160.html