Gỡ 'nút thắt' cho cụm công nghiệp - Kỳ I: Địa phương kêu khó

Thời gian qua, các cụm công nghiệp (CCN) đã tạo ra bước đột phá trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa ở các địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát triển CCN ở các địa phương hiện vẫn còn nhiều thách thức.

Chậm tiến độ và khó mở rộng

Bắc Giang được biết đến là một trong những “điểm sáng” về phát triển CCN. Trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 40 CCN, với tổng diện tích 1.385,8ha; trong đó, 27 CCN đã đi vào hoạt động. Các CCN thu hút 226 dự án (trong đó có 55 dự án FDI) đang triển khai và đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư thực hiện ước đạt 10.237 tỷ đồng, bằng 16,7% vốn đăng ký (61.270 tỷ đồng). Tuy nhiên, việc phát triển CCN của tỉnh cũng gặp nhiều thách thức. Ông Đào Xuân Cường - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang - cho biết, các CCN mới được thành lập hoặc chuyển chủ đầu tư chủ yếu gặp khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng nên ảnh hưởng tới tiến độ đầu tư xây dựng. Cụ thể, trong 21 CCN đang đầu tư xây dựng hạ tầng, chỉ có 16 CCN đúng tiến độ, còn lại 5 CCN chậm tiến độ.

Khả năng tiếp cận đất của doanh nghiệp còn hạn chế

Khả năng tiếp cận đất của doanh nghiệp còn hạn chế

Bên cạnh đó, do các CCN thành lập trước đây đã lấp đầy, CCN mới được thành lập đang trong quá trình hoàn thiện nên đất đã có hạ tầng đầy đủ để thu hút doanh nghiệp (DN) thứ cấp tại các huyện rất ít, thậm chí một số huyện không còn. “Hiện nay, nhu cầu bất động sản công nghiệp rất lớn, trong khi, quỹ đất dành cho CCN đã hết nên việc thành lập, mở rộng CCN gặp khó khăn” - ông Đào Xuân Cường nói.

Tiếp giáp với tỉnh Bắc Giang là tỉnh Bắc Ninh - một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước làm tốt công tác quy hoạch, phát triển các khu, CCN. Tỉnh có 24 CCN đã được đầu tư thành lập, trong đó có 17 CCN đã đi vào hoạt động và có DN thứ cấp thuê với diện tích đạt 547,09ha; 7 CCN đang tiến hành đầu tư hạ tầng. Tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của các CCN (tính theo dự án được duyệt) đạt 5.026 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Tố - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh - thừa nhận, hiện nay, việc giải phóng mặt bằng tại các CCN rất khó khăn như kinh phí cao, xây dựng cơ sở hạ tầng, giá đền bù đất cho người dân... Do vậy, một số KCN mặc dù đã có quy hoạch sử dụng đất song vẫn chưa giải phóng được mặt bằng, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận đất cho DN. “Tỉnh Bắc Ninh hiện có 17.000 DN, hàng năm, số DN được thành lập mới khoảng 1.000 DN. Trong khi đó, số lượng các DN được cho thuê đất hàng năm chỉ chiếm 10% tổng số DN; số lượng các CCN trên địa bàn tỉnh không được quy hoạch thêm, một số CCN đã được quy hoạch thành khu đô thị. Chính vì vậy, nhu cầu và khả năng tiếp cận đất của các DN nói chung và DN nhỏ và vừa nói riêng rất hạn chế, đa số DN thiếu mặt bằng để sản xuất, kinh doanh” - ông Nguyễn Đức Tố nêu.

Đầu tư chưa đồng bộ

Hiện tại, các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN chủ yếu là UBND cấp xã và DN. Tuy nhiên, các CCN do UBND xã làm chủ đầu tư bộc lộ nhiều hạn chế. Các công trình hạ tầng tuy đã được đầu tư nhưng chưa đầy đủ, không đồng bộ, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu theo quy định, các hạng mục xử lý môi trường chưa được đầu tư.

Ông Lê Anh Dũng - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh) - chia sẻ, UBND cấp xã không đủ năng lực để thực hiện chức năng làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật; các CCN chủ yếu là làng nghề với quy mô nhỏ, dẫn đến hiệu quả đầu tư hạ tầng thấp, khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung. Công tác quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh trong CCN không đạt theo yêu cầu, xuất hiện tình trạng xây dựng không có giấy phép hoặc không đúng giấy phép xây dựng được cấp, sử dụng đất không đúng mục đích. Môi trường một số CCN còn ô nhiễm nghiêm trọng do công tác xử lý; bảo đảm vệ sinh, môi trường không được quan tâm…

Chưa kể, tại một số CCN, các đơn vị thuê đất thuộc loại hình DN nhỏ và vừa, năng lực sản xuất nhỏ, lẻ, phương pháp quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh mang tính chất hộ gia đình; hệ thống máy móc lạc hậu. Sau khi thuê đất, các tổ chức, hộ gia đình đều tự tiến hành xây dựng nhà xưởng và lắp đặt máy móc theo kinh nghiệm và khả năng của mình, không lập hồ sơ xin cấp phép theo quy định, do đó, hệ thống nhà xưởng đều không đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn…

Theo Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), tính đến hết năm 2018, cả nước có 698 CCN đi vào hoạt động, thu hút trên 9.800 dự án; tạo khoảng 600.000 việc làm và giá trị sản xuất công nghiệp hơn 67.000 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước của các dự án trong các CCN đạt khoảng 36.000 tỷ đồng…

Kỳ II: Công khai, minh bạch chính sách

Quỳnh Nga - Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/go-nut-that-cho-cum-cong-nghiep-ky-i-dia-phuong-keu-kho-125948.html