Gỡ 'nút thắt' cho cụm công nghiệp - Kỳ II: Công khai, minh bạch chính sách
Việc hình thành cụm công nghiệp (CCN) ở các địa phương nhằm quy hoạch hộ, doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh vào một khu vực nhất định, vừa sản xuất tập trung, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường là thực sự cần thiết. Vấn đề hiện nay là cơ chế, chính sách như thế nào để các CCN phát triển bền vững.
Gỡ “nút thắt” cho cụm công nghiệp - Kỳ I: Địa phương kêu khó
Chất lượng dự án - tiêu chí hàng đầu
Chia sẻ các giải pháp để phát triển bền vững CCN, TS. Vũ Quang Hùng - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) - cho rằng, cần tăng cường công tác quản lý nhằm nắm bắt được tình hình đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong các CCN để kịp thời cấp, điều chỉnh, hoặc thu hồi các loại giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận kinh doanh, các loại giấy phép, chứng chỉ, chứng nhận liên quan đến hoạt động trong CCN. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư; giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hình thành, hoạt động và phát triển CCN, kết hợp với việc triển khai cơ chế giám sát xã hội đối với phát triển CCN thông qua thực hiện công khai, minh bạch hóa chủ trương, quy hoạch, cơ chế, chính sách đối với phát triển CCN.
Bên cạnh đó, khuyến khích, ưu tiên lựa chọn các DN, hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN. Trường hợp một CCN có nhiều DN, hợp tác xã cùng đề nghị chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, căn cứ năng lực tài chính, kinh nghiệm của từng DN, hợp tác xã và mức độ khả thi của báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng CCN, Sở Công Thương báo cáo UBND tỉnh quyết định lựa chọn chủ đầu tư theo quy định.
Đặc biệt, không thu hút đầu tư bằng mọi giá nhằm dành quỹ đất để đầu tư cho các giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, xác định chất lượng của dự án là tiêu chí hàng đầu để thu hút đầu tư, thông qua đó, lựa chọn được các dự án có công nghệ cao, hiện đại, tiêu thụ ít năng lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao...
"Cần tạo điều kiện cho các DN kinh doanh hạ tầng có tiềm lực về vốn, công nghệ, thương hiệu đầu tư vào cơ sở hạ tầng các CCN trên địa bàn thông qua một số cơ chế đặc thù như thời hạn thuê đất, giá thuê đất và một số cơ chế hỗ trợ khác" - TS. Vũ Quang Hùng nói. Đối với CCN thành lập mới, việc quy hoạch tổng thể bảo vệ môi trường phải được thực hiện ngay từ khi lập dự án. Ngoài ra, khuyến khích các DN tăng cường ứng dụng và chuyển giao công nghệ kỹ thuật vào sản xuất.
Hoàn thiện khung pháp lý
Theo Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), sau hai năm triển khai thực hiện Nghị định 68/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN và Thông tư 15/2017/TT-BCT quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 68/2017/NĐ-CP, công tác quản lý, phát triển CCN của các địa phương trên cả nước đã bước đầu đạt được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế.
Thực hiện trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về CCN trên phạm vi cả nước, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo UBND cấp tỉnh quản lý chặt chẽ, đúng quy định đối với phát triển CCN. Hàng năm, kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các quy định, chính sách về quản lý, phát triển CCN; tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trên cả nước nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý về công tác quản lý, phát triển CCN. Trước mắt, Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quy hoạch phát triển CCN, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN giai đoạn sau năm 2020 do ngân sách trung ương đảm bảo.
Cục Công Thương địa phương đề nghị UBND cấp tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy chế phối hợp các sở, UBND cấp huyện và đơn vị liên quan về quản lý, giải quyết các thủ tục triển khai dự án đầu tư hạ tầng và dự án sản xuất trong CCN theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và nguyên tắc Sở Công Thương làm cơ quan đầu mối quản lý về CCN.
Thường xuyên rà soát tiến độ triển khai quy hoạch, hiệu quả hoạt động của các CCN trên địa bàn, bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế của địa phương; hiệu quả sử dụng đất và tuân thủ quy định của pháp luật; bố trí CCN tại những vị trí thuận lợi thu hút đầu tư, đấu nối với kết cấu hạ tầng bên ngoài, gần vùng nguyên liệu; chấm dứt tiếp nhận, bố trí các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp ở ngoài khu, CCN; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN phù hợp khả năng ngân sách địa phương; tăng cường bố trí ngân sách cho các hoạt động phát triển CCN, đặc biệt hoạt động xúc tiến, thu hút các DN, nhà đầu tư tiềm năng vào lĩnh vực CCN.
Theo Cục Công Thương địa phương, khi thành lập CCN, phải xem xét, tính toán kỹ nhu cầu thực tế, nguồn vốn, năng lực, kinh nghiệm của chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng, hiệu quả đầu tư và tiến độ thu hút lấp đầy CCN.