Gỡ 'nút thắt' cho học trò
Bên cạnh việc nâng cao kiến thức, kỹ năng để học sinh tự giải quyết những tình huống có vấn đề trong học tập, cuộc sống, việc triển khai công tác xã hội trong trường học còn nhằm kết nối các nguồn lực từ cộng đồng để cùng hỗ trợ, bảo vệ học sinh trước các nguy cơ bị xâm hại, bạo lực… Dù mới được triển khai từ năm 2018, song mô hình công tác xã hội đã cho thấy hiệu quả tích cực, kịp thời gỡ nhiều 'nút thắt' cho học trò, góp phần xây dựng trường học an toàn, thân thiện.
Chung sức hỗ trợ học sinh
Ngày 26-12-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT hướng dẫn công tác xã hội trong trường học. 5 nội dung cơ bản của công tác này gồm: Phát hiện nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh; tổ chức hoạt động phòng ngừa, hạn chế nguy cơ học sinh rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp học sinh; phối hợp với gia đình, chính quyền… can thiệp, trợ giúp các trường hợp cần thiết; tổ chức các hoạt động hỗ trợ phát triển, hòa nhập cộng đồng.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Doãn Hồng Hà, các sở giáo dục và đào tạo đều có cơ chế phối hợp với sở lao động - thương binh và xã hội cùng nhiều lực lượng khác để hỗ trợ hiệu quả cho học sinh. Mỗi nhà trường đều thành lập câu lạc bộ, tổ, nhóm làm công tác xã hội; triển khai hoạt động phòng ngừa, bảo vệ học sinh trước những nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực hoặc vi phạm pháp luật…
Tại Hà Nội, công tác xã hội trong trường học được triển khai tích cực. Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Hoàng Hữu Trung cho biết, 100% trường học có lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; đồng thời tăng cường thực hiện phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực với học sinh.
Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phương Trung (huyện Thanh Oai) Nguyễn Thị Chính, việc triển khai công tác xã hội giúp nhà trường kịp thời nắm bắt hoàn cảnh, hỗ trợ được nhiều học sinh. Cùng với việc hỗ trợ thiết bị học tập, mới đây, nhà trường đã triển khai chương trình “Áo ấm cho em”.
Bà Trần Thị Mai, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm) bày tỏ: "Các con học trực tuyến kéo dài, đối diện với nguy cơ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, nhưng không phải học sinh nào cũng chủ động chia sẻ. Trong khi đó, các trường còn gặp khó khăn, khi chưa có giáo viên chuyên trách về công tác xã hội…".
Tăng khả năng “miễn dịch”
Cộng đồng trách nhiệm, kết nối chặt chẽ trong tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ để học sinh có kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, giúp các em tăng khả năng “miễn dịch” trước các nguy cơ mất an toàn về thể chất, tinh thần, đặc biệt trong bối cảnh học trực tuyến kéo dài là giải pháp, cũng là mục tiêu của ngành Giáo dục Hà Nội.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, với tinh thần không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau, quận đặc biệt quan tâm tới trẻ mầm non. Mỗi tuần, các cô giáo mầm non gửi tới phụ huynh ít nhất một video hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà và tổ chức một số hoạt động để trẻ có thể tương tác với bạn, với cô. Nhiều cô giáo còn dành thời gian gọi điện bằng hình ảnh để trò biết mặt cô; động viên, hỗ trợ, giúp phụ huynh giảm áp lực khi vừa đi làm, vừa chăm sóc con.
Còn theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) Tô Văn Nhân, nhà trường coi trọng việc nắm bắt thông tin để ngăn chặn, bảo vệ học sinh trước các nguy cơ mất an toàn. Nhiều kênh thông tin đã được thiết lập, vận hành như lập hòm thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera… Mỗi giáo viên chủ nhiệm là một nhà tư vấn, kịp thời phát hiện các nguy cơ với từng học sinh để có biện pháp can thiệp.
Em Nguyễn Thu Trang, học sinh Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Ngoài việc nắm bắt tình hình sức khỏe, cả lớp thường xuyên được cô giáo chủ nhiệm hỏi thăm về điều kiện học tập, sinh hoạt ở nhà; hướng dẫn phương pháp học, khai thác tài liệu học tập, cách phòng tránh nguy cơ mất an toàn khi sử dụng mạng internet và các kênh thông tin có thể hỗ trợ khi gặp khó khăn".
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, ngoài việc tham mưu với chính quyền địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường học an toàn, Sở còn yêu cầu các đơn vị, nhà trường tích cực chia sẻ kinh nghiệm ngăn chặn, giải quyết những tình huống có vấn đề; tổ chức hiệu quả hoạt động tư vấn tâm lý.
“Cùng với việc thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ tư vấn tâm lý nói riêng, công tác xã hội nói chung, Sở tiếp tục đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ chế, lộ trình đào tạo để các nhà trường có cán bộ chuyên trách, có chế độ phụ cấp với lực lượng này, góp phần giáo dục toàn diện, xây dựng trường học an toàn, thân thiện”, ông Phạm Xuân Tiến cho biết thêm.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/1021793/go-nut-that-cho-hoc-tro