Gỡ 'nút thắt' chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp

Yêu cầu về xanh và bền vững hiện không còn là xu hướng mà đã trở thành điều kiện bắt buộc ở nhiều thị trường. Nếu không chuẩn bị năng lực đáp ứng chuyển đổi xanh doanh nghiệp có thể mất cơ hội cạnh tranh.

Các doanh nghiệp nhỏ “đuối sức”

Không ít các doanh nghiệp đã coi chuyển đổi xanh trong kinh doanh là chiến lược cạnh tranh. Các tập đoàn lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang tích cực chuyển đổi sang mô hình kinh tế carbon thấp. Tham gia cuộc đua này các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều trở ngại đến từ những tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường.

Ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ cho biết, khách hàng quốc tế yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ có chứng nhận quản lý rừng bền vững, đồng thời phải chứng minh rằng quá trình khai thác không gây phá rừng, mất rừng- phù hợp với các quy định như EUTR hiện tại của EU và EUDR sắp được áp dụng. Trong quá trình sản xuất, các tiêu chuẩn cũng được siết chặt với yêu cầu áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, không phát thải độc hại.

Chuyển đổi xanh tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Chuyển đổi xanh tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Ông Kiên nêu ví dụ, EU đang triển khai Cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM), buộc doanh nghiệp khai báo lượng phát thải khí nhà kính trên mỗi đơn vị sản phẩm. Nhiều nhóm sản phẩm buộc phải thay thế chất liệu bằng những vật liệu thân thiện với môi trường, ví dụ như bộ dụng cụ ăn uống dùng một lần bằng tre, giấy thay cho nhựa.

“Quá trình chuyển đổi này đang gây áp lực lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là về chi phí. Việc thay đổi công nghệ, quy trình sản xuất và thiết kế sản phẩm làm tăng đáng kể giá thành sản phẩm, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong cạnh tranh”, ông Kiên cho biết thêm.

Ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, thiếu cơ chế rõ ràng khiến doanh nghiệp chưa biết nên đầu tư vào lĩnh vực nào, lựa chọn công nghệ nào hay có thể vay vốn từ đâu để thực hiện chuyển đổi xanh đang là rào cản đối với doanh nghiệp Việt.

TS. Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia kinh tế, giảng viên Trường Đại học Kinh tế cho rằng, tham gia vào chuyển đổi xanh các doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức. Doanh nghiệp quy mô lớn, đặc biệt trong các khu công nghiệp có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn quốc tế như tín dụng xanh hay phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, rủi ro tỷ giá là một trong những trở ngại đáng kể. Khi đồng nội tệ biến động mạnh, chi phí trả nợ gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả tài chính của dự án. Còn ở cấp độ vi mô, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ, hàng triệu hộ kinh doanh nhỏ và hộ nông dân vẫn đang gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận tín dụng. Các khoản vay nhỏ lẻ, thiếu bảo đảm, trong khi nhu cầu vốn lại lớn và ngày càng tăng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường bất cập hiện nay là nhiều danh mục dự án xanh mới chỉ mang tính chất tham khảo, thiếu cơ sở phân loại theo các tiêu chí sàng lọc hoặc chuẩn mực quốc tế. Các ngân hàng cũng gặp khó khăn khi cấp vốn cho các dự án thân thiện với môi trường vì chưa có bộ tiêu chí rõ ràng.

Cần hành lang pháp lý rõ ràng và cơ chế hỗ trợ thực chất

TS. Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, chuyển đổi xanh đòi hỏi nguồn vốn lớn để đầu tư vào công nghệ, máy móc và quy trình sản xuất mới. Nếu không có sự hỗ trợ từ chính sách hoặc các nguồn tài chính ưu đãi, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ khó có khả năng thực hiện. Khi có những chính sách hỗ trợ phù hợp, doanh nghiệp sẽ có thêm động lực để mạnh dạn chuyển đổi và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, ông Thắng nhấn mạnh, một trở ngại không nhỏ là vấn đề tư duy trong mỗi doanh nghiệp, người lao động. Doanh nghiệp phải chủ động và có tầm nhìn xa trong việc đổi mới công nghệ. Chính sách thị trường có thể thay đổi bất cứ lúc nào, và nếu không có sự chuẩn bị trước, doanh nghiệp sẽ rơi vào thế bị động. Việc đầu tư công nghệ đòi hỏi chi phí lớn, nhưng nếu không chuyển đổi sớm, doanh nghiệp có thể mất đi cơ hội cạnh tranh.

TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế tài chính của Chính phủ, đặc biệt là các chính sách về bảo lãnh tín dụng và huy động vốn, là yếu tố then chốt để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững. Để chính sách thực sự hiệu quả, cần bắt đầu từ việc phân loại đặc điểm và mô hình của các dự án, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng.

“Việc xây dựng cơ chế bảo lãnh rủi ro tỷ giá hoặc hỗ trợ tài chính từ Nhà nước là cần thiết để giúp doanh nghiệp yên tâm mở rộng đầu tư. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động triển khai các biện pháp quản trị rủi ro tài chính, chẳng hạn sử dụng công cụ phái sinh hoặc bảo hiểm tỷ giá”, ông Việt nhấn mạnh.

Ông Trịnh Đức Kiên cho rằng, chuyển đổi xanh là điều tất yếu, nhưng muốn doanh nghiệp thực hiện hiệu quả và bền vững, cần có hành lang pháp lý rõ ràng, đồng bộ và những cơ chế hỗ trợ thực chất.Chính phủ sớm ban hành lộ trình và thời hạn cụ thể đối với việc cấm hoặc hạn chế sử dụng các sản phẩm không thân thiện với môi trường, thay vì chỉ dừng lại ở các chiến dịch kêu gọi tự nguyện.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quyết định ban hành tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh, làm cơ sở pháp lý để đánh giá, xác nhận và thúc đẩy phát triển các dự án có lợi ích môi trường rõ ràng, minh bạch.

Vân Hồng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/go-nut-that-chuyen-doi-xanh-cho-doanh-nghiep-post1189119.vov