Gỡ nút thắt để đơn vị sự nghiệp đẩy mạnh tự chủ

Kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh. Các thị trường chứng khoán, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; việc cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao, lĩnh vực văn hóa chưa được đầu tư kịp thời.

Đây là ý kiến của các đại biểu trong phiên thảo luận tại hội trường, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra vào sáng nay 27-10, về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023.

Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng GDP 9 tháng của cả nước đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% - vượt mục tiêu đề ra từ 6-6,5%. Thu ngân sách 9 tháng đạt 94% dự toán, tăng 22% so cùng kỳ; ước cả năm vượt 14,3% - tăng 2,9% so năm 2021. Những con số này cho thấy sự điều hành hết sức tích cực, rất rõ ràng và quyết liệt của Chính phủ, thể hiện rất rõ trong đời sống kinh tế - xã hội đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận sáng 27-10

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận sáng 27-10

Đại biểu Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước nhấn mạnh, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Phát triển văn hóa chưa tương xứng, ngang hàng với phát triển kinh tế. Tổ chức bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động của ngành văn hóa còn một số bất cập, hạn chế.

Năm 2022, Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và các dự án thành phần về văn hóa thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã được Chính phủ phê duyệt với số kinh phí hạn chế, nhưng đến nay chưa được giao dự toán, cấp vốn thực hiện, hoặc chưa được giải ngân. Những khó khăn về nguồn lực đầu tư đã ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp phát triển văn hóa, dẫn đến nhiều di sản, di tích văn hóa - lịch sử bị mai một, xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội PHAN VIẾT LƯỢNG

Để phát triển văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chiến lược, chương trình đã ban hành, trong đó cần ưu tiên các chính sách, giải pháp xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật; xây dựng môi trường, con người văn hóa và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Sớm triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa theo Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 ngày 18-8-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp, đại biểu Phan Viết Lượng cho biết, dù đạt kết quả tích cực, nhưng còn không ít vướng mắc, bất cập. Nguyên nhân chính là công tác chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt; việc ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm, không đồng bộ hoặc ban hành văn bản chưa đúng, một số quy định chưa rõ, chưa đồng bộ với những quy định pháp luật khác... Những hạn chế, bất cập này đã ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị sự nghiệp, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu, như dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, thông tin truyền thông…

Đại biểu Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước phát biểu thảo luận

Đại biểu Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước phát biểu thảo luận

Đẩy mạnh tự chủ của đơn vị sự nghiệp là yêu cầu cấp thiết, cần tập trung giải quyết những nút thắt tồn tại. Đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo tổ chức đánh giá, làm rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; có giải pháp hoàn thiện cơ chế tự chủ bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi; tăng cường chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện nghiêm trách nhiệm ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện theo quy định.

Chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quyết định đến tăng năng suất lao động. Nhưng hiện nay, nguồn nhân lực của nước ta đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, chất lượng tuy có cải thiện, nhưng còn thấp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ ước đạt 27%, trong khi nhiều nước trong khu vực đạt trên 50%. Bên cạnh đó, ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; việc làm chủ công nghệ của chúng ta đang thấp thua so với các nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hộiPHAN VIẾT LƯỢNG

Đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị phải nghiên cứu, xây dựng đề án tổng thể, nỗ lực hơn trong việc cải thiện năng suất lao động. Chính phủ phải đánh giá kỹ thực trạng tình hình, làm rõ nguyên nhân, quyết liệt chỉ đạo, có giải pháp hiệu quả, tạo đột phá về tăng năng suất lao động trong thời gian tới để thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội đất nước.

Trần Thể

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/138233/go-nut-that-de-don-vi-su-nghiep-day-manh-tu-chu