Gỡ nút thắt để nông nghiệp Sơn La bứt phá
Sơn La đang tiếp tục nghiên cứu để ban hành các chính sách hỗ trợ, tiếp tục tạo những 'cú hích' để chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh thực sự bền vững, vươn xa, hướng tới mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.
Là triệu phú trẻ, Giám đốc HTX nông nghiệp có tới 10 thành viên, nhưng anh Lò Văn Thương ở tiểu khu 2, xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) vẫn là nông dân chính hiệu, khi mọi thứ anh làm đều chỉ từ kinh nghiệm thực tiễn khi chưa được đào tạo qua bất kể trường lớp nào.
“Khát khao, mong muốn nhất của các HTX nói chung và HTX nông nghiệp Minh Thương nói riêng là được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo cán bộ chủ nhiệm HTX để mình nâng cao hiểu biết để chỉ đạo hướng đi đúng cho các thành viên HTX của mình được bền vững hơn và ổn định lâu dài hơn”, anh Lò Văn Thương nói.
Cơ bản chưa có tích lũy do mới khởi nghiệp, chưa đủ vốn để đầu tư hệ thống tưới ẩm tự động, nên mỗi ngày, vợ chồng anh Lò Văn Pằn, dân tộc Xinh Mun ở bản Kết Nà, xã biên giới Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn (Sơn La) vẫn phải xách tay từng xô nước để tưới cho gần 500 gốc chanh leo trên sườn dốc của gia đình. Mong muốn của anh và nhiều hộ dân làm nông nghiệp ở xã là có nguồn lực để đầu tư hệ thống tưới ẩm tự động cho vườn cây: “Hiện tại gia đình rất mong muốn được vay nguồn vốn ưu đãi để đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động và mở rộng quy mô sản xuất, vì như thế sẽ thu được nhiều sản lượng và sẽ thu được khoản tiền kha khá, sẽ đỡ vất vả cho bà con”.
Anh Lò Văn Sam, Giám đốc HTX Bảo Sam ở xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn cũng bày tỏ: “Mấy năm qua HTX tôi cũng được tham gia 1 – 2 chương trình từ nguồn của huyện và đã đầu tư công trình tưới ẩm cho cây; nhưng cơ bản vẫn chưa tiếp cận vay được nguồn tiền lớn vì lãi suất vẫn cao. HTX mong muốn tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng chính sách, hoặc ngân nào lãi suất thấp hơn thì sẽ yên tâm hơn.
Tỉnh Sơn La hiện có 821 HTX đang hoạt động, đa phần là các HTX hoạt động trên các lĩnh vực nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nông nghiệp, cây ăn quả…
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sơn La cho biết, những năm qua, các chính sách hỗ trợ cải tạo vườn tạp, lai tạo mắt ghép… mà HĐND tỉnh Sơn La ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương và người dân triển khai các chương trình tái cơ cấu nông nghiệp đạt hiệu quả. Tuy nhiên, tỷ lệ HTX trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động khá giỏi chưa cao, rất cần hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các bộ, ngành Trung ương và tỉnh.
“Cần bố trí cân đối nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết hội nghị TW 5 khóa XIII vừa qua, trong đó có Nghị quyết số 20 về phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn tới. Hai là để nghị Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình HTX theo chuỗi giá trị; tăng cường tổ chức hội thảo, hội chợ để qua đó giúp các HTX mở rộng liên kết, kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Văn Minh đề nghị.
Ông Chá A Của, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La cho biết, thực hiện các mục tiêu trên, ngay trong tháng 4 này, HĐND tỉnh Sơn La sẽ cùng UBND tỉnh và các ngành tổ chức đánh giá lại toàn bộ các Nghị quyết liên quan đến phát triển nông nghiệp đã triển khai thời gian qua, nhất là nhóm Nghị quyết chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất dốc. Từ kết quả thực tiễn, sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp.
- Theo Chương trình hành động số 12 ngày 16/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tỉnh Sơn La đặt mục tiêu trở thành Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh, sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các – bon thấp…
- Năm 2030, giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt hơn 400 triệu USD, tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 86 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 3%/năm trong giai đoạn 2021 – 2030…
“Trước mắt HĐND tỉnh Sơn La sẽ ban hành Nghị quyết mới về việc sắp xếp lại các khu quy hoạch, khu sản xuất, chế biến nông sản… để làm sao phát triển nhanh nhưng không nóng quá; phát triển nhưng phải tạo niềm tin trong đồng bào nhân dân các dân tộc, nhất là trong khâu tiêu thụ là khâu mấu chốt, không để xảy ra tình trạng bà con được mùa, nhưng không tiêu thụ được sản phẩm. Thứ 2 là sẽ tiếp tục nghiên cứu để ban hành Nghị quyết về sản xuất hữu cơ. Nghị quyết này đã làm một vài năm nay rồi, nhưng chính sách cụ thể thì chưa có. Vì vậy, chúng tôi đang muốn phải có chính sách cụ thể để thúc đẩy lên”, ông Chá A Của cho biết.
Có thể nói, việc nghiên cứu để tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế là hết sức cần thiết, đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân cả nước, tổ chức tại tỉnh Sơn La vào tháng 5 năm 2022: “nông nghiệp, nông thôn và nông dân là các trụ cột sẽ góp phần tiếp tục ổn định chính trị và ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng phục hồi, thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Trong đó, phải lấy nông dân làm trung tâm, phải nâng cao đời sống tinh thần vật chất và đề cao tiếng nói của họ”.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, để có những “cú hích” mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp, ngoài nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con nông dân, rất cần những chính sách đột phá từ Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương để chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở các tỉnh miền núi nói riêng và cả nước nói chung triển khai đạt kết quả cao hơn nữa.
“Sơn La đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành TW tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng, vì hạ tầng sẽ quyết định cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và chuyên canh lớn. Ví dụ, có đường cao tốc, có sân bay vận chuyển nhanh các sản phẩm nông nghiệp thì sẽ đảm bảo chất lượng, tăng giá trị gia tăng. Hai là kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nghiên cứu các bộ giống mới và tiếp tục có định hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới. Ba là hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, vì không có mã số vùng trồng thì không khẳng định được thương hiệu, không khẳng định được xuất xứ nguồn gốc hàng hóa. Vì vậy, phải tăng cường việc này thì mới xuất khẩu được nông sản”, ông Nguyễn Thành Công nêu rõ.
Để không bị lệ thuộc vào 1 thị trường thì phải cần có các doanh nghiệp, trong đó, Bộ Nông nghiệp phải có hỗ trợ mở rộng thị trường, đặc biệt là có sự tham gia của các doanh nghiệp để mở rộng thị trường ra các nước EU và các nước khác, tránh lệ thuộc vào 1 thị trường Trung Quốc. Có như vậy, trái cây của Việt Nam chúng ta mới có thể tiêu thụ tốt hơn, ổn định hơn.
Một tín hiệu rất vui khi nhiều giải pháp căn cơ, mang tính đột phá để chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở các tỉnh miền núi nói riêng, cả nước nói chung triển khai đạt kết quả cao đã được Chính phủ và các bộ, ngành TW tính đến.
“Trung tâm chiếu sạ Hà Nội đã chiếu xạ lô nhãn của Bắc Giang để đưa đi Mỹ, nghĩa là nông sản ở miền Bắc không phải chuyển vào miền Nam để chiếu sạ nữa. Tuy nhiên, mỗi lần chiếu sạ như thế, chỉ 1 lô sản phẩm bao nhiêu trái xoài chẳng hạn thì chi phí sẽ rất là đắt. Vì vậy, chúng tôi cùng với Bộ Khoa học - Công nghệ sẽ kiến nghị về quy trình với phía đối tác Mỹ để giảm chi phí cho phù hợp”, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho hay.
Thủ trướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh: “Vừa qua, Hội nghị TW 5 đã ban hành Nghị quyết bàn 3 vấn đề quan trọng là Nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Để tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước có thu nhập cao thì nay mai TW sẽ tiếp tục ban hành 2 Nghị quyết nữa là Nghị quyết liên quan đến đất đai - là vấn đề liên quan nhiều đến người nông dân và phát triển nông nghiệp nông thôn; hai là Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Trên cơ sở ban hành các Nghị quyết của TW thì các cấp, các ngành, địa phương cần phải tổ chức thực hiện cho thật tốt, để làm cho nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng hiện đại, diện mạo nông thôn ngày một thay đổi, góp phần làm vững chắc thêm nên tảng cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.
“Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng’, từ vận dụng sáng tạo chủ trương của Ban chấp hành TW Đảng khóa XIII, tích cực đồng hành cùng nhân dân tái cơ cấu nông nghiệp bằng các chính sách phù hợp, sát với thực tiễn, Sơn La đã gặt hái nhiều thành công trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, đưa địa phương thoát khỏi danh sách 10 tỉnh nghèo nhất nước”, Thủ trướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Những giải pháp mà các nhà quản lý, ngành chức năng vừa nêu tiếp tục được triển khai đồng bộ, nhanh chóng, quyết liệt, thì chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh miền núi Sơn La nói riêng và cả nước nói chung chắc chắn sẽ gặt hái nhiều thành quả hơn nữa, hướng tới mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra./.
Bài viết cùng loạt bài Nghị quyết về phát triển nông nghiệp – giải mã “hiện tượng” Sơn La:
Bài 1: “Biến” không thành có, nông dân Sơn La làm giàu
Bài 2: Sơn La xóa nghèo nhờ Nghị quyết về nông nghiệp
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/go-nut-that-de-nong-nghiep-son-la-but-pha-post1014498.vov