Gỡ nút thắt giải phóng mặt bằng

Việc chậm giải phóng mặt bằng (GPMB) khiến nhiều dự án trọng điểm của TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng tiến độ giải ngân, đội vốn đầu tư; thậm chí không đạt mục tiêu đầu tư, kết nối giao thông để giải quyết nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường...

Các đơn vị thi công tập trung phương tiện đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư đường vành đai 2 (nút giao Thủ Ðức).

Các đơn vị thi công tập trung phương tiện đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư đường vành đai 2 (nút giao Thủ Ðức).

Việc chậm giải phóng mặt bằng (GPMB) khiến nhiều dự án trọng điểm của TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng tiến độ giải ngân, đội vốn đầu tư; thậm chí không đạt mục tiêu đầu tư, kết nối giao thông để giải quyết nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường...

Ngừng thi công vì vướng mặt bằng

Cả bốn nhóm dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh thẩm định và phê duyệt đều gặp khó khăn, có nguy cơ chậm tiến độ do không giải phóng được mặt bằng. Ðó là các dự án: Giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1); dự án Bờ tả sông Sài Gòn từ rạch cầu Ngang đến khu đô thị mới Thủ Thiêm; các dự án do Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác dịch vụ thủy lợi làm chủ đầu tư; các dự án do Ban Quản lý dự án chuyên ngành nông nghiệp làm chủ đầu tư. Việc chậm bàn giao mặt bằng ảnh hưởng lớn đến quá trình thi công và việc sử dụng nguồn vốn được bố trí. Các đơn vị thi công phải làm trước những chỗ đã có mặt bằng hoặc phần dưới nước, các khu vực chưa lấy được mặt bằng đành để lại sau… Ðiển hình như dự án chống sạt lở Thanh Ða đoạn 4 đang phải thi công ngưng thi công vì còn 50 trong số 92 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Dự án buộc phải thi công phần dưới nước (đạt 93% tiến độ); dự án chống ngập Thanh Ða đoạn 2 có 47 trong số 67 hộ dân chưa nhận tiền, chưa bàn giao mặt bằng…

Tương tự, các dự án giao thông trọng điểm cũng đang bế tắc vì khâu GPMB. Ông Trần Ðức Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái, chủ đầu tư dự án đoạn kết nối từ đường Phạm Văn Ðồng đến nút giao thông Gò Dưa - quốc lộ 1 (quận Thủ Ðức) dài 2,75 km cho biết, dự án đang chậm thi công do vướng GPMB khi mới có 258 trong số 466 hộ bàn giao mặt bằng (60%), ngoài ra còn vướng các khó khăn khác về hạ tầng kỹ thuật như đường dây điện, cáp quang, đường ống nước…, một số đoạn bàn giao không liền mạch cho nên không thể triển khai thi công xây dựng. Theo ông Thắng, nếu kịp nhận mặt bằng vào cuối năm 2019, công tác di dời hạ tầng thuận lợi thì phải mất thêm một năm nữa để hoàn thành đoạn tuyến 2,75 km này.

Ðối với dự án đầu tư khép kín đường vành đai 2 (đoạn từ cầu Phú Hữu trên đường vành đai phía đông đến xa lộ Hà Nội và đoạn từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Ðồng), UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công theo hướng ngân sách đảm nhận phần GPMB và kêu gọi đầu tư đối với phần xây lắp nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Gỡ vướng

Theo UBND quận Thủ Ðức, nguyên nhân dẫn đến công tác GPMB chậm là do người dân cho rằng, đơn giá đất ở bồi thường hiện nay thấp hơn giá thị trường. Thậm chí, người dân phản ứng gay gắt và dẫn chứng điều bất hợp lý vì sao giá đất nông nghiệp hiện nay bồi thường lại thấp hơn rất nhiều so với các dự án đã triển khai trước đây 10 năm. Từ đó, quận Thủ Ðức kiến nghị thành phố xem lại đơn giá bồi thường, hỗ trợ về đất và có chính sách hỗ trợ bổ sung để giảm bớt thiệt hại cho người dân; chấp thuận cho UBND quận Thủ Ðức sử dụng quỹ đất nền để phục vụ cho công tác tái định cư trong dự án…

Ban cán sự đảng UBND thành phố Hồ Chí Minh đánh giá việc bồi thường GPMB đối với các dự án có sử dụng đất trên địa bàn thành phố, bao gồm cả dự án đầu tư công và dự án đầu tư tư nhân đều gặp những khó khăn như: đơn giá bồi thường theo phương pháp tính căn cứ vào các quy định hiện hành chưa bám sát giá thị trường. Ðáng lưu ý, giá bồi thường thấp hơn rất nhiều so với giá giao dịch trên thị trường, nhất là khi so sánh giữa giá do thành phố đưa ra và đơn giá do nhà đầu tư tự thương lượng tại các dự án lân cận. Ðiều này dẫn đến người dân cảm thấy việc bồi thường không thỏa đáng và tổ chức khiếu kiện hết sức phức tạp. Ðáng lo hơn, đơn giá bồi thường theo quy định chưa bám sát hết các thiệt hại mà người dân phải gánh chịu mà chỉ tập trung vào tính toán giá bồi thường về đất. Trong khi đó, khi thay đổi chỗ ở mới, người dân thường mất kế sinh nhai, việc học hành, đi lại bị xáo trộn… thì chưa được tính đúng, tính đủ. Mức bồi thường chưa thật sự thỏa đáng dẫn đến người dân rất miễn cưỡng trong việc hợp tác với chính quyền để thực hiện việc di dời. Ðó là chưa kể, việc xây dựng nhà tái định cư còn nhiều bất cập. Chất lượng đầu tư (cả về mật độ xây dựng, phương án kiến trúc, chất lượng thi công, tiện ích đi kèm) chưa cao, trong khi thị hiếu và yêu cầu của người dân ngày càng cao. Thành phố chỉ xây dựng nhà tái định cư theo tiêu chuẩn quy định nhưng chưa chú trọng vào nhu cầu thực tế, dẫn đến tỷ lệ người dân nhận nhà tái định cư rất thấp…

Ðể giải quyết những vướng mắc này, Ban cán sự đảng UBND thành phố Hồ Chí Minh đề xuất các nhóm giải pháp, đó là: ưu tiên chuyển nguồn các dự án đầu tư công sang đầu tư tư nhân. Nhà đầu tư sẽ là người đứng ra thương lượng với người dân theo giá thị trường. Các phương án của nhà đầu tư thường sẽ linh hoạt hơn so với việc thành phố xây dựng phương án bồi thường theo quy định. Việc đàm phán sẽ tuân thủ theo nguyên tắc thị trường và các bên đồng thuận, tránh việc áp đặt dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện. Thành phố sẽ đóng vai trò tổ chức quy hoạch, hỗ trợ thủ tục hành chính và trung gian giữa nhà đầu tư và người dân để bảo đảm việc thương lượng tuân thủ các quy định pháp luật.

Ðối với các dự án thành phố phải trực tiếp xây dựng phương án bồi thường, trong quá trình tổ chức quy hoạch, phê duyệt dự án cần có tầm nhìn tổng thể để thực hiện việc thu hồi đất bảo đảm nhiều tiêu chí khác nhau và hạn chế việc tạo ra chênh lệch địa tô. Thí dụ như việc quy hoạch nút giao thông cần đi với việc quy hoạch tổng thể cả vùng đệm, công viên cây xanh, giao thông tĩnh (bến bãi đậu xe) và tính đến việc thu hồi đất cả khu vực chung quanh phục vụ chức năng thương mại dịch vụ. Như vậy, vừa chỉnh trang đô thị một cách đồng bộ, hạn chế nhà siêu mỏng, siêu méo, tạo thêm tiện ích cho người dân, vừa tạo quỹ đất thương mại dịch vụ để tổ chức đấu giá, tạo nguồn thu ngân sách để đầu tư trở lại cho hạ tầng…

Vũ Nguyên

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/41147002-go-nut-that-giai-phong-mat-bang.html