Gỡ nút thắt mặt bằng đưa dự án cải tạo, nâng cấp QL8A về đích đúng tiến độ
Chủ đầu tư, nhà thầu cùng với địa phương có dự án nâng cấp QL8A đi qua đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn về mặt bằng để về đích cuối năm 2023.
Chủ đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp QL8A đoạn qua huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) là Ban Quản lý dự án 4 đang rốt ráo phối hợp với UBND huyện Hương Sơn, các nhà thầu xắn tay giải quyết vấn đề mặt bằng để dự án cán đính đúng tiến độ vào cuối năm nay.
Dự án gặp khó vì vướng mặt bằng
Trước thực trạng công tác GPMB tại dự án nâng cấp, cải tạo QL8A đoạn qua địa bàn huyện Hương Sơn gặp khó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà cùng lãnh đạo Ban Quản lý dự án 4, nhà thầu, chính quyền địa phương đã đi khảo sát những vị trí đang vướng mặt bằng để tìm cách tháo gỡ.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, hiện một số gói thầu của Dự án cải tạo, nâng cấp QL8A đoạn qua địa bàn xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn, mặt bằng còn "xôi đỗ" đơn vị thi công không có công địa để triển khai máy móc cũng như tập kết vật liệu.
Đơn cử, đoạn Km 60+965 - Km 61+340 do vướng 8 hộ dân thuộc diện phải đi tái định cư (TĐC) nhưng đến nay mới có 2 hộ đồng ý chủ trương còn các hộ khác vẫn chưa đồng thuận nên đơn vị thi công chưa triển khai công việc.
Tại vị trí Km 67+030 thuộc thôn Hà Trai, xã Sơn Kim I, hiện vẫn còn 1 hộ đang cản trợ thi công nên nhà thầu chưa thể thi công liền mạch.
Tương tự, tại Km 57+700 - Km 57+900 hiện còn vướng nhà của 3 hộ dân. Lý do những người dân đưa ra là chưa đồng ý với giá đền bù chính quyền địa phương đưa ra.
"Tại những vị trí này, do vướng các hộ dân nên xe máy, thiết bị không thể tiếp cận để thi công. Đây là thời điểm vàng để thi công, nếu không giải quyết xong vấn đề mặt bằng sớm, đến mùa mưa coi như bế tắc hoàn toàn...", ông Kiều Vĩnh Phương, Giám đốc điều hành dự án lo lắng nói.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV, dự án đi qua các khu đất rừng tự nhiên tại các điểm như: Km 62+141 - Km 62+876; Km 65+405 - Km 66+636 vẫn chưa thể bàn giao mặt bằng do chưa hoàn thành việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên; đoạn Km 67+00 - Km 75+850 (thuộc phạm vi gói thầu XL9, XL10) cũng vướng diện tích rừng tự nhiên nên chưa thể thi công...
Thêm vào đó, hệ thống các cột điện, đường dây điện nằm trong phạm vi GPMB hoặc trong phạm vi mất an toàn cho đơn vị thi công vẫn chưa được các đơn vị liên quan tổ chức di dời. Cụ thể, 13 vị trí cột điện hạ thế thuộc dự án Rell 2; 2 vị trí cột điện trung thế thuộc dự án đường điện vào khu sản xuất chăn nuôi tập trung xã Sơn Kim I; 9 vị trí cột điện trung thế thuộc dự án Sơn Kim - Lak Sao.
Theo ông Phương, hiện nay, thời tiết vào thời điểm này khá thuận lợi, ban đang chỉ đạo các nhà thầu tập trung thiết bị máy móc, nhân lực, làm tăng ca để bù những ngày mưa đảm bảo tiến độ dự án. Vì vậy, ban kiến nghị với UBND tỉnh, UBND huyện Hương Sơn bàn giao nốt cho đơn vị đoạn từ Km 60+695 - Km 61+340; Km 57+700 - Km 57+900 và di dời hệ thống điện lưới, cột điện nằm trong phạm vị GPMB trước ngày 15/6/2023.
Ngoài ra, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành đẩy nhanh các thủ tục về chuyển đổi đất rừng tự nhiên và các thủ tục về khai thác, tận dụng gỗ sớm để bàn giao cho các đơn vị thi công trước thời điểm bước vào mùa mưa.
Đẩy nhanh tiến độ GPMB, đưa dự án về đích cuối năm nay
Lý giải về việc chậm GPMB để bàn giao cho các đơn vị thi công, ông Trần Bình Thân, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho rằng, tại Km 57+700 - Km 57+900 vướng 3 hộ dân là ông Quế, ông Chắt, ông Hải do bất cập về giá đất.
"Vấn đề này, chúng tôi đang làm đến giai đoạn công khai phương án đền bù GPMB, dự kiến phê duyệt vào ngày 15/6.
Trong số 8 hộ phải di dời đến khu tái định cư thì còn 6 hộ chưa đồng tình về giá tài sản. Về vấn đề này, chính quyền địa phương đã đến tuyên truyền, vận động nhiều nhưng các hộ dân vẫn chưa đồng thuận”, ông Thân nói.
Ngoài ra, liên quan đến đất rừng tự nhiên, theo lãnh đạo UBND huyện Hương Sơn, đơn vị đang phối hợp với chủ đầu tư liên hệ với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng để nộp tiền trồng rừng thay thế; việc tổ chức di dời hệ thống cột điện và bàn giao mặt bằng trước mốc 20/6/2023.
Về tiến độ thi công, theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 4, đến thời điểm này, 5 gói thầu xây lắp đã thi công hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng thuộc phạm vi đoạn Km37 - Km 52+3,4. Còn lại 7 gói thầu xây lắp đang triển khai trên phạm vi đoạn Km 52+3,4 - Km 84+863,38; trong đó 6 gói (XL5, XL6, XL7, XL8, XL9, XL10) đang triển khai và 1 gói thầu XL11 hiện đang thực hiện việc lựa chọn nhà thầu.
Cụ thể, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 4 thông tin, gói thầu XL5 đã hoàn thành dịp 30/4 vừa qua. Gói thầu XL6, dự kiến hoàn thành ngày 30/6/2023. Gói thầu XL7, XL8, dự kiến hoàn thành ngày 19/8/2023. Trong khi đó, gói thầu XL9, XL10 dự kiến hoàn thành ngày 31/12/2023 theo tiến độ dự án.
Tuy nhiên, tại gói XL8 có nguy cơ chậm do vướng mặt bằng (còn 2,4km chưa được bàn giao mặt bằng; trong đó có 1,97km đi qua phạm vi rừng tự nhiên; thời gian qua đoạn Km 59+00 - Km 60+500 qua khu công nghiệp Đại Kim đang bị người dân cản trở không cho thi công do lu rung nứt nhà).
Tiến độ gói thầu XL9, XL10 đang phụ thuộc rất lớn vào tiến độ bàn giao mặt bằng các đoạn đi qua rừng tự nhiên. Hai gói thầu chưa triển khai được nhiều trên hiện trường do phần lớn mặt bằng nằm trong phạm vi rừng tự nhiên, chưa được bàn giao mặt bằng. Tiến độ 2 gói thầu này khó có thể hoàn thành vào tháng 12/2023 theo tiến độ dự án, do thời điểm 3 tháng cuối năm là thời điểm mùa mưa.
Trước thực trạng này, ông Trần Báu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh lưu ý: Trong quá trình thực hiện di dời các hộ dân, các bên nên vận dụng hết mức có thể để hỗ trợ người dân thuê chỗ để chờ khu TĐC; nếu phát sinh nguồn kinh phí không quá lớn thì đơn vị và chủ đầu tư, nhà thầu bàn bạc với nhau hỗ trợ người dân tốt nhất.
Ông Hà cũng đề nghị: “Thời điểm này, thời tiết rất thuận lợi cho việc thi công, yêu cầu các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ công việc, không nên để đến thời điểm bước sang mùa mưa vì như vậy dự án khó về đích cuối năm.
Sau khi dự án nâng cấp, cải tạo QL8A được hoàn thành sẽ giúp phương tiện giao thông từ thị trấn Phố Châu (Hương Sơn) lên Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo thuận lợi hơn. Thời gian di chuyển trên tuyến sẽ giảm một nửa, còn khoảng 1,5 tiếng thay vì phải mất gần 3 tiếng như hiện nay.
Dự án hoàn thành sẽ góp phần phát triển giao thương buôn bán cho nhân dân trong khu vực cũng như thúc đẩy giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế giữa Việt Nam với các nước.
Theo Cục Đường bộ VN, dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL8A đoạn Km37 - Km 85+300 (từ thị trấn Phố Châu đến Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo) được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3051/QĐ-BGTVT ngày 22/10/2010, phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 1061/QĐ-BGTVT ngày 29/5/2020, khởi công vào năm 2014 và dự kiến hoàn thành vào năm 2023.