Gỡ nút thắt nguồn cung điện
Năm 2020 sẽ là năm khó khăn về nguồn cung điện do thủy văn không thuận lợi và một số công trình điện chậm tiến độ. Nhiều phương án đã được đưa ra trong đó có việc phải nhập khẩu than để cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện. Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và kế hoạch cung cấp điện quốc gia năm 2020, do Bộ Công thương tổ chức, chiều 18/12, tại Hà Nội.
Tăng cường các nguồn điện đắt tiền
Theo đánh giá của Bộ Công thương, tình hình cung cấp điện, vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2019 là ổn định, đảm bảo đáp ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như các nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân; đặc biệt đã không phải thực hiện điều hòa, tiết giảm điện trên phạm vi cả nước. Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu hệ thống điện quốc năm 2019 ước đạt 239,739 tỷ kWh, tăng trưởng 8,93% so với năm 2018.
Theo phương án đã được phê duyệt, việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt năm 2020 cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên, Bộ Công thương đánh giá năm 2020 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho việc cung cấp điện, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thủy văn không thuận lợi, cực đoan và một số công trình điện chậm tiến độ vào vận hành… Cụ thể, năm 2019, hầu như không xuất hiện lũ trên nhiều hệ thống sông ở miền Bắc và Bắc miền Trung, lưu lượng nước về nhiều hồ thủy điện thấp hơn so với trung bình nhiều năm, dẫn đến mực nước của nhiều hồ thủy điện vào cuối năm 2019 rất thấp so với mực nước dâng bình thường. Theo tính toán, tổng sản lượng thủy điện trong các hồ thủy điện vào đầu năm 2020 thấp hơn so với mực nước dâng bình thường là 4,55 tỷ kWh.
Theo Bộ Công thương, năm 2020, để đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến phải huy động tới 3,397 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu giá thành cao, trong đó riêng mùa khô năm 2020 (tập trung vào các tháng 3,4,5,6) dự kiến phải huy động khoảng 3,153 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu do tình hình thủy văn không thuận lợi và việc phải vận hành phát điện các nhà máy thủy điện lớn (Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà) phục vụ đổ ải trong tháng 01-02/2020 sẽ không đảm bảo khả năng huy động cao các nhà máy này trong các tháng cao điểm mùa khô. Lượng điện huy động từ nguồn điện chạy dầu sẽ tăng thêm nếu xảy ra những tình huống cực đoan như lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục thấp hơn mức tần suất 65%, phụ tải tăng cao đột biến hoặc có sự cố kéo dài tại các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, năm 2020, dự kiến phải huy động 132 tỷ kWh điện từ nhiệt điện than. Nhiệt điện than cùng với tua bin khí và thủy điện là 3 nguồn chủ lực. Theo ông Tuấn, trong tình hình than trong nước còn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà máy nhiệt điện, Chính phủ cho phép chủ động sử dụng nguồn than nhập khẩu. Một số nhà máy điện đã chủ động sử dung nguồn than nhập khẩu. Một số nhà máy cho phép TKV, Đông Bắc nhập khẩu than về trộn với than trong nước.
Theo Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, năm 2020, sản lượng điện dự kiến là 132 triệu kWh sẽ phải sử dụng trên 66 triệu tấn than. Trong đó, xấp xỉ 15 triệu tấn là than nhập khẩu, còn lại là đơn vị trong nước cung cấp. “Đây là một trong những chỉ đạo của Bộ Công thương nhằm đảm bảo nguồn cung điện cho năm 2020” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Cần ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo
Có thể thấy, những khó khăn về nguồn cung điện đang ngày càng hiện hữu. Mục tiêu của chúng ta là làm sao để bổ sung thêm nguồn điện trong bối cảnh nguồn cung điện đang ngày càng thiếu hụt. Đặc biệt, nhiều dự án nhiệt điện đang chậm tiến độ, bên cạnh đó, những phàn nàn về môi trường do nhiệt điện gây ra cũng đang đặt ngành điện vào thế khó. Tại một cuộc hội thảo liên quan đến vấn đề an ninh năng lượng được tổ chức mới đây, ông Rahul Kitchlu, Trưởng nhóm Năng lượng, Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng việc cần bổ sung thêm nguồn năng lượng tái tạo là lời giải hợp lý nhất cho bài toán cung điện trong thời gian tới.
Giới chuyên gia nhận định, Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, với đường bờ biển dài hơn 3.000 km, gió biển quanh năm, số giờ nắng trong ngày lớn, đây chính là điều kiện thuận lợi để nước ta có thể khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để có thể đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.
Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nếu có những chính sách tháo gỡ kịp thời thì nguồn điện từ các nhà máy điện năng lượng tái tạo sẽ góp phần bổ sung nguồn điện, giảm áp lực thiếu điện ngay trước mắt, về lâu dài sẽ đảm bảo phát triển bền vững cũng như bài toán về môi trường.
Ông Ngãi cũng nhắc đến câu chuyện, vừa qua việc phát triển quá nóng, quá nhanh của các dự án điện mặt trời gây nên tình trạng tắc nghẽn truyền tải. Bởi vậy, theo, giải pháp trước mắt là EVN xem xét các đường dây truyền tải. Có thể lắp đặt thêm một số trạm biến áp và đường dây khác cho khu vực mới. Về lâu dài, cần xây dựng và xem xét kỹ lưỡng Quy hoạch điện mặt trời, trên cơ sở tính toán xác định được cường độ bức xạ mặt trời của một m2 tại từng vùng miền... Từ đó tính tới việc đấu thầu.
Tính tới nay, điện mặt trời và điện gió là hai nguồn năng lượng tái tạo chính được đưa vào vận hành thương mại với mức công suất lần lượt hơn 4.500 MW và khoảng 630 MW, chiếm gần 10% tổng cơ cấu nguồn điện quốc gia, vượt xa mục tiêu đặt ra tới năm 2020.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/go-nut-that-nguon-cung-dien-tintuc455020