Gỡ ''nút thắt'' phát triển chuỗi liên kết
Tỉnh Lâm Đồng bắt đầu triển khai Đề án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản giai đoạn 2019 - 2023. Mục tiêu đặt ra cho Đề án này là xây dựng 200 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với tổng kinh phí thực hiện đề án lên tới trên 270 tỷ đồng.
Muốn đi xa phải cùng nhau đi
Phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững là một trong những chính sách quan trọng mà tỉnh Lâm Đồng kiên trì thực hiện nhiều năm qua.
Theo đó, đến năm 2020, tỉnh Lâm Đồng sẽ hình thành mới 89 chuỗi liên kết, nâng cấp 9 chuỗi. Trong 200 chuỗi liên kết đó có 120 chuỗi cấp tỉnh, 80 chuỗi cấp huyện, xã; đảm bảo mỗi xã đều có tối thiểu một mô hình liên kết cho sản phẩm chủ lực; tổng diện tích tham gia chuỗi liên kết là 50.000 ha, chiếm 18% diện tích đất canh tác toàn tỉnh. Các chuỗi liên kết này có sự tham gia của 32.000 hộ, khoảng 150 doanh nghiệp và 50 hợp tác xã; lượng nông sản tiêu thụ qua chuỗi đạt 30% sản lượng nông sản chủ lực toàn tỉnh.
Các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản của Lâm Đồng hiện khá đa dạng từ chăn nuôi đến trồng trọt, trong đó có những chuỗi liên kết đã xuất khẩu được nông sản đến những thị trường “khó tính” như các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Chỉ ra lợi ích cho nông dân khi tham gia chuỗi liên kết, anh Nguyễn Huy Phương - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Laba Banana Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông) cho rằng: Nếu không có liên kết sản xuất thì sẽ không có chuyện nông dân ở huyện nghèo 30a này xuất khẩu chuối sang Nhật. Chính quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và tự phát là vướng mắc chính khiến cho nông sản sạch, hay nông sản hữu cơ dù có tốt đến đâu cũng khó chen chân vào các thị trường lớn.
Chẳng hạn, cây chuối thì hầu như nông dân ở bất cứ tỉnh, thành nào cũng có thể trồng được. Nhưng nếu ngày nào đối tác cũng muốn có hàng, nông dân làm lẻ tẻ thì làm sao đáp ứng được? Vì thế, để tham gia vào các sân chơi lớn, cơ hội không dành cho các nhà sản xuất riêng lẻ mà phải liên kết lại mới làm được.
Chính vì vậy, mặc cho giá chuối trong nước lên xuống thất thường, HTX chuối của anh Phương lúc nào cũng trong tình trạng “sẵn sàng xuất ngoại”. Nhờ làm tốt liên kết, HTX từ 7 thành viên với quy mô 40 ha ban đầu nay đã mở rộng liên kết với 40 hộ dân trong và ngoài xã với diện tích 165 ha. Các mô hình sản xuất chuối được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP và thời gian tới sẽ chuyển sang quy trình GlobalGAP để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, hoạt động liên kết chuỗi giúp nông dân ổn định đầu ra cho nông sản, chủ động nguồn nguyên liệu cho chế biến. Một số chuỗi điển hình có thể kể đến như HTX Tân Tiến với 60 hộ tham gia, quy mô diện tích 80 ha rau, Công ty Việt Farm có 25 hộ tham gia với diện tích 30 ha rau. Các chuỗi này mỗi năm sản xuất và tiêu thụ khoảng từ 2.500 - 3.200 tấn nông sản.
Các nông sản tham gia chuỗi liên kết được sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, đạt được chứng nhận sản phẩm an toàn và được dán tem truy xuất nguồn gốc. Chính điều này giúp nông sản có giá cao hơn 15-20% so với giá thị trường.
Cần nâng “chất” cho liên kết
Hình thức liên kết tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh không thiếu, tuy nhiên mối quan hệ này chưa thật sự bền vững. Nhiều chuỗi liên kết vẫn dễ dàng đứt gãy, quy mô của nhiều chuỗi liên kết vẫn khá manh mún, không ít chuỗi liên kết rơi vào cảnh chết yểu vì mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn lỏng lẻo.
Theo bà Nguyễn Thùy Quý Tú - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm - thủy sản, qua theo dõi các mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ thấy, sự thất bại của mô hình đều xuất phát từ căn nguyên cơ bản - đó là sự phân chia lợi nhuận không đều.
Thường trước mỗi vụ, doanh nghiệp và nông dân cùng nhau ký kết hợp đồng mua bán liên quan đến việc ràng buộc các bên trong việc phải mua vật tư nông nghiệp, ứng dụng kỹ thuật và kèm theo đó là ấn định giá bán của sản phẩm. Nhưng, sau khi đến mùa vụ thu hoạch, hợp đồng ký kết giữa hai bên đã bị phá vỡ hoàn toàn. Đi liền với đó là việc bên này “chỉ trích”, “tố cáo” bên kia.
Trong khi đó, chuỗi giá trị thực chất là tổng thể các hoạt động liên quan đến một ngành hàng nông sản bao gồm các hoạt động có quan hệ với nhau, từ việc cung cấp đầu vào, tổ chức sản xuất, thu gom, chế biến và cuối cùng là bán sản phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp, HTX chỉ chú trọng liên kết đầu ra.
Điều này dẫn đến mối liên kết bị rạn nứt do giá bán. Theo một quy ước chung, đầu vụ sản xuất, doanh nghiệp và nông dân cùng ấn định một mức giá mua bán cho sản phẩm khi đến thời điểm thu hoạch. Thế nhưng, đến thời điểm đó, nếu giá trong hợp đồng cao hơn giá thị trường thì doanh nghiệp là bên thoái thác và tìm cách kéo dài thời gian thu mua.
Ngược lại, khi giá trong hợp đồng thấp hơn giá thị trường, doanh nghiệp là bên hưởng lợi, còn nông dân, thấy bất lợi vì giá thấp nên mang sản phẩm của mình bán cho doanh nghiệp khác chấp nhận mua theo giá thị trường. Lúc này, chẳng ai còn nhớ cái ôm hôn thắm thiết, cái bắt tay chặt vào đầu vụ khi hai bên mới ký hợp đồng. Các bên chỉ còn chăm chú vào lợi ích của mình.
Vì vậy, thay vì xây dựng các chuỗi giá trị thông thường, các doanh nghiệp, HTX phải chú trọng xây dựng chuỗi giá trị theo hướng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Nghĩa là quá trình liên kết sẽ được kiểm soát tất cả các khâu, từ sản xuất ban đầu đến tiêu thụ sản phẩm như: trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt đến thu gom, sơ chế, giết mổ, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối tiêu thụ sản phẩm. Tất cả các công đoạn đều áp dụng chương trình quản lý chất lượng, kiểm soát mối nguy an toàn thực phẩm toàn bộ chuỗi, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, có cam kết về đảm bảo an toàn… Mục đích cuối cùng là tạo sản phẩm an toàn thực phẩm, có khả năng truy xuất nguồn gốc.
Theo ông Nguyễn Văn Châu, gỡ nút thắt về xây dựng niềm tin giữa doanh nghiệp và nông dân trong tham gia chuỗi liên kết, cần quan tâm đến công tác tuyên truyền, thuyết phục nông dân bằng sự hỗ trợ thiết thực. Ngoài ra, hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp và nông dân phải có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý chứ không chỉ mang tính hình thức như trước.
Bên cạnh đó, các HTX phải phát huy vai trò trung gian trong kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân để hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Mô hình kinh tế tập thể ở hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh với mỗi xã có 5 - 7 HTX đang hoạt động, hiệu quả tốt. Chính vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh sản xuất tạo ra sản phẩm sạch và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, HTX phải đóng vai trò trung gian liên kết các hộ nông dân với doanh nghiệp xây dựng thành chuỗi giá trị sản phẩm; đồng thời tích cực góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX và người nông dân.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202003/go-nut-that-phat-trien-chuoi-lien-ket-2993647/