Gỡ nút thắt quỹ đất để hút vốn ngoại
Cơ hội đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ các thị trường khác sang sẽ bị bỏ lỡ nếu các địa phương không sẵn sàng quỹ đất và hạ tầng tốt
Các nhà đầu tư nước ngoài liên tục "đổ bộ" tìm hiểu cơ hội đầu tư tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là vùng Đông Nam Bộ. Điều này cho thấy khu vực này vẫn là điểm đến hấp dẫn.
Điểm sáng thu hút đầu tư
Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, chỉ trong 20 ngày đầu tiên của tháng 1, thành phố thu hút được hơn 179 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bằng 173,7% so với cùng kỳ năm 2022. Còn tính cả tháng 1, thành phố có 50 dự án FDI đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Từ kết quả khả quan này, dự báo TP HCM có thể thu hút khoảng 4,1-4,25 tỉ USD vốn FDI nếu tình hình kinh tế - xã hội ổn định hơn, lạm phát tiếp tục được kiềm chế.
Còn tại tỉnh Bình Dương, đầu năm 2023, nhà máy thứ 3 của Công ty Rheem Việt Nam (Úc) đã đi vào hoạt động tại KCN Đồng An 2, TP Thủ Dầu Một. Với việc đưa vào vận hành nhà máy này, tổng mức đầu tư của Rheem Việt Nam tại Bình Dương là hơn 46 triệu USD (khoảng 1.000 tỉ đồng).
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, nhờ quỹ đất công nghiệp mới cùng các công trình đường kết nối, nhà ở xã hội và sự đồng hành của chính quyền…, Bình Dương đã vươn lên vị trí thứ 2 về thu hút đầu tư FDI của cả nước, sau TP HCM. Đáng chú ý là trong năm 2022, tỉnh này tiếp nhận dự án nhà máy của tập đoàn Lego (Đan Mạch) hơn 1 tỉ USD, đưa tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 3,1 tỉ USD. Đặc biệt, ngay sau kỳ nghỉ Tết dương lịch 2023, Bình Dương đã tiếp một loạt tập đoàn lớn như: Sembcorp, CapitaLand (Singapore), đoàn DN của bang Nebraska (Mỹ), Tokyu (Nhật Bản)... đến tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Theo tính toán của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam có thể thu hút 36-38 tỉ USD vốn FDI trong năm nay mà khu vực Đông Nam Bộ là điểm sáng chủ lực. So với trước đây, các địa phương vùng Đông Nam Bộ có sự chuẩn bị tốt hơn, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kết nối vùng để tạo động lực phát triển kinh tế, đồng thời là lợi thế thu hút đầu tư.
Các chuyên gia kinh tế nhận định thời gian tới, khi cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3, Vành đai 4 được xây dựng, hạ tầng kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ thông suốt. Khi đó, vùng sẽ càng sáng giá trong thu hút đầu tư.
Thiếu quỹ đất cho các dự án lớn
Trở lại với dự án tỉ USD của Tập đoàn Lego, trước khi chính thức chọn đặt nhà máy tại Bình Dương, tập đoàn này từng có kế hoạch thuê đất trong KCN Công nghệ cao Long Thành (Đồng Nai) để triển khai dự án nhưng chờ 2-3 năm vẫn không được giao đất nên đã chuyển hướng đầu tư sang tỉnh Bình Dương. Đáng quan tâm là trước dự án "hụt" của Lego, Đồng Nai cũng đã bỏ lỡ nhiều dự án đến từ các nhà đầu tư ở châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… Đến giờ, địa phương vẫn còn tiếc nuối vì sự chậm trễ trong việc chuẩn bị hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp nên để vuột nhiều cơ hội lớn, đồng thời mất luôn vị thế tốp đầu trong thu hút vốn ngoại. Năm 2022, Đồng Nai chỉ thu hút đầu tư FDI hơn 1 tỉ USD, xếp thứ 8 cả nước.
Không riêng Đồng Nai mà thời gian qua, một số địa phương khác trong vùng cũng đã để vuột các dự án sản xuất quy mô lớn vì chưa sẵn sàng hạ tầng sản xuất công nghiệp hoặc nhiều gút mắc về quy định đất đai chưa được tháo gỡ. TP HCM cũng từng bỏ lỡ một số dự án hàng trăm triệu USD vì không có đủ đất sạch để cấp cho nhà đầu tư.
Theo giải thích của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, năm 2023, thành phố chỉ có 46 ha đất sạch để thu hút đầu tư vào các KCN, con số quá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của các nhà đầu tư. Quỹ đất này không tập trung mà nằm rải rác tại các KCX-KCN nên không thể đáp ứng các dự án yêu cầu quỹ đất lớn. Bên cạnh đó, nhiều chi phí đầu vào tăng cao, việc tuyển lao động khó khăn, kết nối hạ tầng chưa thông suốt cũng đang là rào cản thu hút FDI của TP HCM. Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các Khu Chế xuất và công nghiệp (HEPZA), xác nhận về tình trạng thiếu quỹ đất sạch để đón các dự án quy mô lớn. Theo quy hoạch phát triển đến năm 2020, toàn thành phố có 23 KCX-KCN nhưng đến nay mới triển khai được 19 KCX-KCN, chiếm 76,78% diện tích đất quy hoạch. Nguyên nhân được cho là sự chồng chéo trong các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng… Thậm chí, nhiều dự án ngoài KCN đã được cấp phép cũng phải tạm dừng vì các vướng mắc liên quan đến luật, nghị định, thông tư vượt quá thẩm quyền của cấp tỉnh.
Để thích ứng với hoàn cảnh hiện tại, TP HCM xác định chiến lược tập trung thu hút các chuỗi cung ứng vào vùng. Theo đó, nhà đầu tư sẽ mở nhà máy, tổ chức hoạt động sản xuất trực tiếp tại các tỉnh lân cận TP HCM, còn thành phố sẽ là "đầu não" của chuỗi cung ứng như trụ sở chính, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm logistics, trung tâm đào tạo, kết nối, hỗ trợ…
Còn tại Đồng Nai, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết hiện nay nhiều DN FDI vẫn muốn đầu tư mới, tăng vốn vào các KCN trên địa bàn tỉnh. Nếu khó khăn liên quan đến đất đai được giải quyết nhanh để tỉnh thành lập mới, mở rộng các KCN sẽ đón được nhiều dòng vốn FDI.
Chạy đua mở KCN mới
Hiện các tỉnh, thành đang chạy đua mở thêm các KCN mới, phát triển các KCN xanh để thu hút đầu tư. Trong đó, Bình Dương đầu tư KCN VSIP III diện tích 1.000 ha thành KCN xanh. Hai KCN Cây Trường và Rạch Bắp cũng đang được tỉnh này đầu tư. Tương tự, Đồng Nai đang phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục thành lập 8 KCN mới được Thủ tướng phê duyệt, nâng tổng diện tích đất công nghiệp của tỉnh hơn 7.000 ha để mời gọi đầu tư. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng lên kế hoạch từ nay tới năm 2030 sẽ mở rộng thêm 8 KCN với quỹ đất hơn 8.000 ha để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.