Gỡ nút thắt thể chế, đảm bảo quyền công dân trong sửa luật

HNN.VN - Buổi thảo luận ở tổ 7 vào chiều 17/5 cho thấy quyết tâm cao của các đại biểu của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Huế trong việc góp ý cho các dự thảo luật, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói những điều cần nói, đề xuất những điều cần làm.

Từ câu chuyện quốc tịch cho trẻ em đến đấu thầu thuốc điều trị ung thư, từ thủ tục hải quan cho chip bán dẫn đến giá thuê sân cầu lông… tất cả đều là những chi tiết tưởng nhỏ, nhưng chính là nơi thể chế chạm vào đời sống. Đổi mới thể chế, vì thế không thể chỉ là những tuyên ngôn lớn lao mà phải bắt đầu từ những gì cụ thể, thiết thực nhất cho người dân, cho doanh nghiệp, cho sự phát triển của đất nước. Tinh thần xuyên suốt mà các ĐBQH TP. Huế nhấn mạnh đó là, thể chế phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, khơi thông nguồn lực phát triển và đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người dân.

Đại biểu Lê Hoài Trung nhấn mạnh vấn đề quốc tịch không chỉ là pháp lý đơn thuần mà còn liên quan đến chủ quyền quốc gia

Đại biểu Lê Hoài Trung nhấn mạnh vấn đề quốc tịch không chỉ là pháp lý đơn thuần mà còn liên quan đến chủ quyền quốc gia

Phải vì quyền lợi của trẻ em, không để trẻ em không quốc tịch

Đại biểu Lê Hoài Trung, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng (Đoàn ĐBQH TP. Huế) nhấn mạnh vấn đề quốc tịch không chỉ là pháp lý đơn thuần mà còn liên quan đến chủ quyền quốc gia, quyền công dân và lợi ích thực tế của từng cá nhân.

Theo ông, dự thảo sửa đổi Luật Quốc tịch hiện nay vẫn còn quy định phức tạp, khó hiểu với người dân, nhất là trong các trường hợp liên quan đến trẻ em có cha hoặc mẹ là người nước ngoài.

“Chúng ta phải viết luật thế nào để người dân đọc là hiểu, không cần luật sư mới hiểu. Trong trường hợp cha mẹ thỏa thuận chọn quốc tịch Việt Nam cho con thì cứ công nhận. Nếu không thỏa thuận được thì mặc nhiên con vẫn mang quốc tịch Việt Nam, trừ khi đã được nhập quốc tịch nước khác”, ông Trung đề xuất.

Ông Lê Hoài Trung cũng kiến nghị cần cân nhắc quy định bắt buộc đổi tên sang tiếng Việt khi nhập quốc tịch. “Việt Nam dùng chữ Latinh, tên tiếng nước ngoài không ảnh hưởng gì đến việc quản lý. Phải linh hoạt, tôn trọng đa dạng văn hóa, không nên áp đặt,” ông Trung nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Huế chỉ rõ một lỗ hổng pháp lý: “Luật hiện hành chưa quy định rõ về trường hợp trẻ em có cha mẹ đã thôi quốc tịch Việt Nam, nhưng chưa nhập quốc tịch nước ngoài, rất dễ khiến trẻ em rơi vào tình trạng không quốc tịch – điều không phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký kết.

Bà Sửu kiến nghị cần quy định rõ, trong trường hợp chưa có quốc tịch nước ngoài thay thế thì trẻ vẫn được công nhận quốc tịch Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam cho rằng, những năm gần đây, công tác đấu thầu tuy hình thức rất bài bản, quy trình chặt chẽ nhưng lại thiếu hiệu quả

Đại biểu Nguyễn Hải Nam cho rằng, những năm gần đây, công tác đấu thầu tuy hình thức rất bài bản, quy trình chặt chẽ nhưng lại thiếu hiệu quả

Đừng để minh bạch chỉ là hình thức trong đấu thầu

Về dự thảo Luật Đấu thầu, đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn ĐBQH TP. Huế) cho rằng, những năm gần đây, công tác đấu thầu tuy hình thức rất bài bản, quy trình chặt chẽ nhưng lại thiếu hiệu quả. “Tôi ủng hộ minh bạch nhưng minh bạch không có nghĩa là cứng nhắc đến mức dẫn đến thiệt hại. Có những gói thầu thực hiện đầy đủ quy trình, cuối cùng trúng thầu là nhà thầu giá rẻ nhưng chất lượng kém, dẫn đến đội vốn, chậm tiến độ, người dân lãnh đủ”, ông Nam nói.

Đặc biệt trong lĩnh vực y tế, ông Nam đề xuất cần có cơ chế đặc biệt, không thể máy móc áp dụng các quy định đấu thầu thông thường. “Nhiều loại thuốc, thiết bị y tế chuyên biệt chỉ có một nhà cung cấp. Bắt buộc đấu thầu trong khi thực tế chỉ có một lựa chọn thì chẳng khác nào hình thức hóa”, ông Nam nhấn mạnh.

Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, đại biểu Phạm Như Hiệp cũng đồng tình và nhấn mạnh thực trạng đau lòng hiện nay: “Có những loại thuốc điều trị ung thư hoặc thiết bị phẫu thuật tim, cả nước chỉ có một hãng sản xuất. Bắt đấu thầu là hình thức, thậm chí không ai dám tham gia vì rủi ro pháp lý quá lớn. Kết quả là bệnh viện thiếu thuốc, bệnh nhân thiệt thòi”.

Ông Hiệp đề xuất một hướng đi táo bạo nhưng thực tiễn: “Bộ Y tế nên đứng ra đàm phán giá trần với nhà cung cấp, ra bảng giá chuẩn. Các bệnh viện căn cứ vào bảng giá đó mà mua, vừa nhanh vừa đảm bảo chất lượng”.

 Đại biểu Nguyễn Thị Sửu kiến nghị cần quy định rõ, trong trường hợp chưa có quốc tịch nước ngoài thay thế thì trẻ vẫn được công nhận quốc tịch Việt Nam

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu kiến nghị cần quy định rõ, trong trường hợp chưa có quốc tịch nước ngoài thay thế thì trẻ vẫn được công nhận quốc tịch Việt Nam

Cần cơ chế đặc biệt cho công nghệ cao

Đại biểu Nguyễn Hải Nam kiến nghị Luật Hải quan sửa đổi cần có riêng một chương về các doanh nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là các lĩnh vực như vi mạch, chip bán dẫn – những ngành mang tính chiến lược toàn cầu. “Chúng ta đang kỳ vọng trở thành trung tâm sản xuất công nghệ của khu vực, thì hải quan cũng phải song hành. Không thể để doanh nghiệp phải chờ đợi cả tuần chỉ để làm thủ tục thông quan vài chiếc máy đo quang phổ trị giá hàng triệu USD”, đại biểu Nguyễn Hải Nam nhìn nhận.

Ông dẫn chứng kinh nghiệm của các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, nơi doanh nghiệp công nghệ cao được hưởng quy trình hải quan riêng, chỉ mất vài giờ hoặc thực hiện thủ tục điện tử hoàn toàn. “Cải cách ở đây không chỉ là rút ngắn thủ tục, mà còn là cách Việt Nam thể hiện cam kết với nhà đầu tư”, ông Nam nói.

Với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đại biểu Phạm Như Hiệp nêu một thực tế chua xót: Nhiều tài sản công bị đấu giá cho thuê với giá cao, khiến các đơn vị văn hóa, thể thao, y tế công lập không đủ khả năng chi trả, buộc phải dừng hoạt động hoặc tìm nơi khác.

“Có sân cầu lông trước đây thuê 300 nghìn đồng/tháng, sau đấu giá tăng lên 2 triệu đồng. Người dân không đủ khả năng thuê nữa. Vậy có còn đúng mục đích xã hội hay không?”, ông Hiệp đặt câu hỏi.

Theo ông Hiệp, cần phân loại tài sản công theo mục đích sử dụng, tài sản phục vụ mục đích xã hội phải có ưu đãi riêng, không thể đem đấu giá như tài sản kinh doanh thông thường.

Đại biểu Phạm Như Hiệp chỉ ra nhiều hạn chế trong đấu thầu trên lĩnh vực y tế

Đại biểu Phạm Như Hiệp chỉ ra nhiều hạn chế trong đấu thầu trên lĩnh vực y tế

Cải cách thể chế: Không thể chỉ sửa từ ngữ

Từ góc nhìn bao quát, các đại biểu Đoàn ĐBQH TP. Huế đều thống nhất rằng sửa luật không thể chỉ sửa câu chữ mà phải giải quyết được các “điểm nghẽn thể chế”, tạo ra động lực phát triển và bảo vệ quyền công dân. Đại biểu Lê Hoài Trung chia sẻ: “Luật không thể tách rời thực tiễn. Mỗi điều luật đều tác động đến hàng triệu người, đến vận hành của bộ máy, của doanh nghiệp. Do đó, sửa luật phải xuất phát từ thực tế, từ nhu cầu của người dân.”

Đồng tình, đại biểu Nguyễn Hải Nam nhấn mạnh thêm: “Nhiều năm qua, chúng ta vẫn loay hoay với các vấn đề như thủ tục hành chính rườm rà, đầu tư công chậm trễ, tài sản công lãng phí… Gốc rễ ở đâu? Là ở thể chế. Mà muốn đổi mới thể chế thì phải dám nhìn vào thực tế, dám cắt bỏ những phần lỗi thời.”

Các đại biểu TP. Huế cũng đề nghị Quốc hội cần giám sát việc ban hành nghị định, thông tư dưới luật – vốn là nơi phát sinh nhiều “giấy phép con”, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Lê Thọ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/go-nut-that-the-che-dam-bao-quyen-cong-dan-trong-sua-luat-153714.html