Gỡ 'nút thắt' về cơ chế quản lý mặt hàng xăng dầu

Tháo gỡ các nút thắt, hoàn thiện các cơ chế chính sách để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, hiệu quả là chủ đề được các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp quan tâm phân tích, thảo luận tại cuộc tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 30/7.

Chuyển từ quản lý hành chính sang công cụ thị trường

Tại cuộc tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá Phạm Văn Bình đánh giá, trong giai đoạn vừa qua, mặc dù còn một số nội dung trong công tác quản lý điều hành cần nghiên cứu để hoàn thiện hơn, tuy nhiên có thể đánh giá tổng quát việc điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu, nhất là điều hành giá đã được cơ quan điều hành thực hiện bám sát đúng quy định của nghị định và các văn bản pháp luật hiện nay cũng như theo giá thế giới.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá Phạm Văn Bình, giá xăng dầu biến động thời gian qua có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân chính là do giá xăng dầu thế giới. Hiện nay, cơ cấu giá xăng dầu thế giới chiếm khoảng 65 - 77% trong giá xăng dầu trong nước, tùy theo mặt hàng xăng dầu. Một số yếu tố còn lại trong cơ cấu giá là các loại thuế, chi phí định mức…

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cũng nhận xét, thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực để điều hành và bình ổn giá xăng dầu, với điển hình là 3 công cụ chính. Một là công cụ điều hành thông qua giá cơ sở. Tất cả các nhà cung cấp đều phải bán ra dựa trên mức giá do cơ quan quản lý điều hành, với kỳ điều chỉnh 7 ngày. Như vậy, thực chất giá bán ra trên thị trường do Nhà nước ấn định. Công cụ thứ hai là thuế, chẳng hạn khi giá thế giới tăng cao chúng ta đã có động thái giảm một số loại thuế. Công cụ thứ ba là trích lập quỹ bình ổn.

Các đại biểu tham gia cuộc tọa đàm "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả". Ảnh: VGP

Các đại biểu tham gia cuộc tọa đàm "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả". Ảnh: VGP

Cách điều hành này đã mang lại kết quả khá tích cực, giảm nhẹ được những biến động lớn về giá cả từ thị trường thế giới. Tuy nhiên, mặt hạn chế là giá nội địa không linh hoạt theo kịp được diễn biến giá thế giới. Giá cả được áp dụng đồng đều nên doanh nghiệp không có áp lực cạnh tranh về giá bán, ảnh hưởng đến yếu tố lợi nhuận của doanh nghiệp. Đối với công cụ về thuế hay Quỹ bình ổn, thực chất là dùng nguồn lực ngân sách hoặc nguồn lực của xã hội để tạo ra bình ổn giá chứ chúng ta chưa sử dụng công cụ thị trường.

Từ những phân tích này, GS.TS Hoàng Văn Cường đề nghị việc sửa đổi chính sách quản lý trong thời gian tới cần hướng vào một số vấn đề.

Thứ nhất là thay đổi cơ chế quản lý, chuyển từ quản lý hành chính sang công cụ thị trường, để thị trường điều tiết. Việc dùng công cụ thị trường là có cơ sở bởi nguồn xăng dầu sản xuất trong nước khá lớn, chiếm khoảng 70% thị phần, do đó sẽ không quá bị động hay phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài. Để thị trường cạnh tranh là yếu tố bao trùm, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Khi dựa vào công cụ thị trường như vậy, doanh nghiệp cũng phải được tự xác định giá để có tính cạnh tranh. Nhà nước không can thiệp nhưng Nhà nước có công cụ để điều tiết. Công cụ chủ yếu của Nhà nước ở đây sẽ là chính sách thuế như là thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp…

Muốn có được công cụ thị trường để cạnh tranh thì chúng ta phải có thị trường cạnh tranh mà muốn có thị trường cạnh tranh thì việc mua bán để thị trường quyết định, trăm người bán, vạn người mua.

Tất nhiên, ông Hoàng Văn Cường lưu ý chúng ta cũng không thể thả nổi hoàn toàn. Bên cạnh các công cụ quản lý nhà nước, cần phối hợp với các công cụ tài chính như công cụ phái sinh để bình ổn giá thị trường.

Từ trái qua phải: Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo; Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường; Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá Phạm Văn Bình

Từ trái qua phải: Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo; Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường; Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá Phạm Văn Bình

Xác định rõ phạm vi Nhà nước cần quản lý

Từ góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo đồng tình quan điểm đã đến lúc phải thay đổi cơ chế quản lý đối với mặt hàng nhạy cảm và quan trọng này. Những năm qua, Việt Nam đã vượt qua những ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng năng lượng trên thế giới và qua đó nhận ra những "nút thắt" rất lớn cần sửa đổi.

Ông Bùi Ngọc Bảo phân tích, trước hết xăng dầu là mặt hàng liên thông với thị trường quốc tế. Trong đó, như Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá đã nêu, giá thế giới chiếm khoảng trên dưới 70% trong cơ cấu giá trong nước. Đặc biệt, giá xăng dầu từ lâu đã không hoàn toàn chịu ảnh hưởng của quy luật cung cầu thuần túy mà phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như chiến tranh, xung đột, thiên tai, sự đầu cơ quá lớn của các tổ chức tài chính… Do đó, chúng ta không thể thoát ly khỏi diễn biến thị trường thế giới.

Trong khi đó, “nút thắt” trong tất cả các nghị định, văn bản quản lý thời gian qua cơ bản nhất vẫn là các cơ chế điều hành mang tính chất hành chính, đặc biệt là vấn đề giá. “Chúng ta quy định kỹ quá, cơ quan quản lý đang làm thay doanh nghiệp”, ông Bảo nói.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, để gỡ nút thắt này, cần có xác định rõ đâu là vấn đề nhà nước cần quản lý, đồng thời có cơ chế để đưa những vấn đề thuộc về thị trường trả lại cho doanh nghiệp quyết định,

Đối với quản lý nhà nước, ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng, điều quan trọng nhất là đảm bảo an ninh năng lượng, bảo đảm nguồn cung ứng cho nền kinh tế. Thứ hai là bảo đảm quản lý về mặt bằng giá chung để không có những cú sốc mạnh, chẳng hạn khi thế giới biến động mạnh thì sử dụng các công cụ tài khóa như thuế để xử lý, còn lại để thị trường vận hành. Một khi thị trường vận hành có cạnh tranh thì người tiêu dùng sẽ hưởng lợi về giá cả.

Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia đề cập đến việc cần thiết có quy định đi cùng theo xu hướng thế giới, cho phép sử dụng các nghiệp vụ phái sinh, không chỉ thuần túy là đầu tư về tài chính mà đây là những nghiệp vụ phòng vệ giá, tức là bảo hiểm giá xăng dầu. Thực tế, các doanh nghiệp xăng dầu trên thế giới đều làm nghiệp vụ phái sinh. Tuy nhiên ở Việt Nam nội dung này còn chưa đồng bộ, nhiều rủi ro nếu doanh nghiệp áp dụng.

“Chúng ta phải tiến tới việc tạo ra các cơ sở pháp lý và các điều kiện khuôn khổ cho các doanh nghiệp sử dụng công cụ phái sinh này để bình ổn giá xăng dầu, có thị trường cạnh tranh bình đẳng để làm sao cho mọi người có thể tham gia giao dịch tốt”, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị.

Dương An

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/go-nut-that-ve-co-che-quan-ly-mat-hang-xang-dau-156019.html