Gỡ 'rào cản' ảnh hưởng đến hiệu quả của biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Báo cáo của một số địa phương cho thấy, đối tượng người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định; người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện hành vi xâm phạm tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân là đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (GDTXPTT) nhiều nhất. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp này trên thực tế còn nhiều hạn chế.
Sau 8 năm thực hiện Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2016/NĐ-CP), nhìn chung, tình hình áp dụng biện pháp GDTXPTT trên cả nước đã được thực hiện tương đối tốt. So sánh số liệu các năm cho thấy, số lượng đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp GDTXPTT có xu hướng tăng đều từ năm 2014 cho đến nay.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị định số 111/2013/NĐ-CP cũng đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, đòi hỏi cần sớm sửa đổi. Cụ thể, Luật XLVPHC và Nghị định số 111/2013/NĐ-CP quy định “Chủ tịch UBND cấp xã” có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp GDTXPTT. Tuy nhiên, Luật XLVPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành đều không có quy định về giao quyền áp dụng biện pháp GDTXPTT cho cấp phó. Trong khi đó, trên thực tế có trường hợp xã, phường, thị trấn chưa kịp bổ sung chức danh Chủ tịch UBND với các lý do: Nghỉ hưu, thôi việc, được điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức hoặc tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật; chết; bị Tòa tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích; bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Điểm c và đ khoản 2 Điều 4 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP quy định về điều kiện “đã hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi…”. Tuy nhiên, trường hợp đối tượng vi phạm trên nhiều địa bàn khác nhau nhưng Luật và Nghị định không có quy định về việc cơ quan, người có thẩm quyền hoặc cá nhân phải có trách nhiệm thông tin, báo cáo, gửi về địa phương nơi người vi phạm cư trú để theo dõi quản lý; trong khi cơ chế phối hợp giữa cá địa phương còn nhiều hạn chế nên việc áp dụng biện pháp này trên thực tế còn nhiều hạn chế.
Điều 4 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP còn quy định trong thời hạn 6 tháng đã 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại tiếp tục thực hiện một trong các hành vi vi phạm đến lần thứ 3 thì mới lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp GDTXPTT nên số lượng đối tượng đủ điều kiện theo thời gian trên là rất ít, chưa đáp ứng được công tác quản lý giáo dục đối tượng hiện nay.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP: “Người được phân công giúp đỡ phải là cộng tác viên công tác xã hội, cộng tác viên trẻ em, người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng dân cư hoặc người có kinh nghiệm quản lý, giáo dục người chưa thành niên trong cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em. Những người này phải có điều kiện, năng lực và kinh nghiệm giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục”. Song, thực tế rất khó xác định người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng dân cư, năng lực và kinh nghiệp giúp đỡ, giáo dục nên Chủ tịch UBND cấp xã thường giao cho trưởng phố, thôn hoặc bí thư chi bộ phố, thôn là người trực tiếp quản lý, giáo dục. Hơn nữa, các đối tượng được giáo dục đều là những đối tượng vi phạm pháp luật nhiều lần, không hợp tác. Do vậy, với điều kiện, khả năng của người được phân công giúp đỡ sẽ rất khó khăn trong việc quản lý, giáo dục.
Mặt khác, mặc dù Luật XLVPHC và Nghị định số 20/2016/NĐ-CP ngày 30/3/2016 của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính đã quy định cụ thể về việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được vận hành trên thực tế, dẫn đến chưa có cơ chế để chia sẻ và cung cấp thông tin về các đối tượng xử phạt vi phạm hành chính, gây khó khăn trong việc xác định những trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính để áp dụng biện pháp GDTXPTT.
Ngoài vướng mắc về mặt thể chế, các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các biện pháp giáo dục do đối tượng là người chưa thành niên không có nơi cư trú ổn định khi áp dụng biện pháp GDTXPTT tại các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em thường không chấp hành, bỏ trốn khỏi cơ sở. Trong khi đó, các cơ sở chưa có đủ điều kiện cần thiết về nhân lực, trang thiết bị, phương tiện để quản lý các đối tượng này, gây khó khăn trong công tác quản lý và trong thi hành quyết định. Công tác đào tạo nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho các đối tượng bị áp dụng biện pháp này còn gặp rất nhiều khó khăn do tâm lý cộng đồng dân cư, các công ty, doanh nghiệp còn tâm lý e dè, né tránh việc tiếp nhận các đối tượng bị áp dụng biện pháp GDTXPTT...
Những vấn đề nêu trên cơ bản đã được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC. Vì vậy cần sớm xây dựng, ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP để đảm bảo phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC, Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đồng thời, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật trên thực tế.