Gỡ rào cản để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trên thương mại điện tử
Thanh toán không tiền mặt dần phổ biến, nhưng vẫn tồn tại nhiều rào cản, nhất là khi thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến qua thương mại điện tử.
Theo sách trắng về thương mại điện tử năm 2023, do Bộ Công Thương phát hành, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Thái Lan về quy mô nền kinh tế Internet. Trong đó, doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam đã đạt 20,5 tỷ USD, tương đương 470.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
Chia sẻ tại hội thảo về thanh toán gần đây, ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, mặc dù thời gian truy cập Internet ở Việt Nam tương đối lớn (6 giờ 23 phút), đứng thứ 6 tại khu vực Đông Nam Á, song tỷ lệ người dùng chưa lựa chọn hoặc chưa ưu tiên mua sắm trực tuyến vẫn còn cao.
Trong đó, có 89% người tiêu dùng chấp nhận các hình thức thanh toán mới, 76% người dùng Internet mua sắm thanh toán bằng tiền mặt và 81% mong muốn sử dụng ứng dụng thanh toán của ngân hàng.
Điều này đặt ra thách thức trong việc tìm và giải quyết được các vấn đề của khách hàng để thúc đẩy sự phát triển của thanh toán không tiền mặt. Trên thực tế, tồn tại các rào cản đối với việc phát triển thanh toán điện tử, điển hình: lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ, thanh toán phức tạp… “Với đặc điểm nhân khẩu học gồm dân số trẻ, yêu thích công nghệ và tỷ lệ sử dụng tiền mặt còn khá cao, Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn để phát triển thanh toán không tiền mặt”, ông Hùng nhận định.
Đồng thời ông cho biết, hiện phần lớn người tiêu dùng tại Việt Nam đang dùng các ứng dụng di động để thực hiện mua sắm. Vì vậy, việc tập trung nâng cao trải nghiệm thanh toán trên nền tảng di động trở thành một yếu tố vô cùng quan trọng.
Ông Hùng lấy ví dụ, nếu như gần 20 năm trước, khi một số hãng hàng không triển khai bán vé máy bay qua mạng, nhiều người thường dùng trình duyệt web qua máy tính. Nhưng giờ đây, có gần 44% doanh nghiệp cho phép người mua thực hiện toàn bộ quá trình mua sắm trên ứng dụng kinh doanh di động. 94% khách hàng dùng điện thoại để truy cập Internet. 91% thường sử dụng ứng dụng di động để mua hàng.
“Đã có sự thay đổi rất lớn về hành vi và thói quen của người dùng. Do đó, toàn bộ xã hội đã có sự chuyển động” - ông Hùng nói. Điều này cũng thể hiện, người dân có nhu cầu thanh toán không tiền mặt qua điện thoại di động.
Dù vậy, vẫn còn tồn tại các hạn chế khi thực hiện thanh toán trực tuyến. Điển hình, hiện tại luồng xác thực khi thanh toán bằng thẻ nội địa yêu cầu khách hàng nhập tin nhắn mã OTP (mã xác thực) trong đại đa số các trường hợp và/hoặc thông tin truy cập của ngân hàng điện tử, dẫn tới trải nghiệm không đồng nhất và không thuận tiện. “Đôi khi gây bối rối, khó khăn cho các đơn vị bán hàng khi hỗ trợ” - ông Hùng nói; đồng thời cho biết, trước vấn đề đó, NAPAS quyết định áp dụng tiêu chuẩn EMV 3DS, được xây dựng để cân bằng giữa tính an toàn và sự thuận tiện của người dùng, trong quá trình thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến.
Theo dữ liệu về thương mại điện tử tại NAPAS trong năm vừa qua, có 44 ngân hàng và 34 trung tâm thanh toán tham gia, hơn 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán, tổng giá trị đạt hơn 42.850 tỷ đồng.
Trước diễn biến trên, dự kiến NAPAS sẽ phối hợp cùng các ngân hàng và trung gian thanh toán triển khai công nghệ này từ 2025. “Để đảm bảo an toàn, đồng thời mang lại trải nghiệm thanh toán tốt hơn cho khách hàng. Từ đó thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam” - ông Hùng chia sẻ.