Gỡ rào cản quy hoạch 'treo'
Thôn Tân Bình, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng có hơn 200 hộ dân với gần 600 nhân khẩu. Nằm giữa một thành phố du lịch năng động, đang 'thay da đổi thịt' hằng ngày, nhưng ở thôn Tân Bình, thời gian dường như đã dừng lại từ lâu và khung cảnh vẫn giống như hàng chục năm trước với đường đất bụi mù, nhà cửa cũ nát, xuống cấp.
Nguồn cơn của sự “đứng im” ấy là do thôn Tân Bình phải cùng lúc “gánh” 4 quy hoạch “treo”. Đó là: Quy hoạch dự án Trường Đại học Tôn Đức Thắng, quy hoạch khu dân cư Tân Bình, quy hoạch sinh thái núi Sa Pung và quy hoạch vành đai xanh đường tránh phía Nam TP Bảo Lộc.
Các quy hoạch này đã bao trùm lên toàn bộ đất ở, đất nông nghiệp của thôn từ hơn 10 năm nay chưa được triển khai, tựa như vòng kim cô kìm nén sự phát triển. Thực trạng ấy khiến hạ tầng đường sá, điện, nước trong thôn không được đầu tư, nâng cấp; người dân muốn xây nhà mới cũng không được, sửa nhà cũ cũng không xong. Nhiều gia đình có con lớn muốn tách hộ, bố trí chỗ ở mới nhưng không thể thực hiện được những nội dung như thủ tục pháp lý để xây nhà, chia đất, chuyển nhượng, trao tặng, thừa kế...
Quy hoạch “treo” là cách gọi khá cũ từ hàng chục năm trước để chỉ những quy hoạch đã được lập, được phê duyệt nhưng sau thời gian dài vẫn chậm triển khai, thực hiện. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra như do thiếu nhà đầu tư, thiếu nguồn vốn, chất lượng lập quy hoạch thấp, công tác quản lý quy hoạch thiếu chặt chẽ, thậm chí do tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng trong quy hoạch gây ra...
Các quy hoạch "treo", dự án "treo" khá phổ biến ở nhiều địa phương, trở thành vấn đề bức xúc, bế tắc giải pháp tháo gỡ, gây ra nhiều hệ lụy trong phát triển kinh tế, xã hội và trong đời sống người dân. Cụ thể như gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, cơ sở vật chất, hạ tầng, làm thất thu ngân sách, khiến bộ mặt đô thị, nông thôn trở nên nhếch nhác... Người dân sống trong vùng quy hoạch rơi vào tình trạng "đi cũng dở, ở không xong", không ít nơi quy hoạch "treo" trở thành nguyên nhân dẫn tới bức xúc, khiếu kiện, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Để giải bài toán quy hoạch “treo” thì vấn đề mấu chốt là phải sớm hoàn thiện quy định pháp luật trong công tác quản lý quy hoạch, bởi hiện nay chưa có quy định cụ thể về thời gian hủy bỏ nếu không thực hiện hoặc chậm trễ trong thực hiện quy hoạch. Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương cần nâng cao chất lượng lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch; khắc phục tình trạng quy hoạch theo kiểu phong trào, duy ý chí, tiêu cực, quy hoạch theo chỉ tiêu, thiếu các giải pháp, tạo động lực để hiện thực hóa quy hoạch.
Khẩn trương rà soát, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ. Công khai quy hoạch và xây dựng kế hoạch thực hiện cần gắn với giải pháp cụ thể. Đặc biệt là cần xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể và cá nhân để xảy ra tình trạng quy hoạch “treo” kéo dài.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/go-rao-can-quy-hoach-treo-795782