Nhếch nhác nhà ven kênh rạch Tp.HCM - Kỳ 1: Mong chờ cuộc sống mới
Người dân sống ven sông, kênh rạch tại Tp.HCM luôn mong chờ các dự án di dời, hỗ trợ tái định cư được thực hiện sớm để thoát cảnh sống chật chội, tạm bợ.
Mong sớm xử lý nhà ven sông
Tp.HCM là một trong những đô thị lớn nhất cả nước, tập trung lượng cư dân sinh sống đông và có nhiều khu đô thị sầm uất, hạ tầng giao thông bài bản. Tuy nhiên, giữa phố thị xa hoa vẫn còn nhiều khu vực nhà ven sông, kênh rạch xập xệ nhiều năm nay chưa được xử lý. Người dân nơi đây mong mỏi các dự án di dời, hỗ trợ tái định cư sớm được thực hiện để có cuộc sống ổn định hơn.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Tp.HCM, hiện nay trên địa bàn có khoảng 46.000 căn nhà trên và ven sông, kênh, rạch chưa được di dời. Số lượng nhà ven sông, kênh rạch trên địa bàn Tp.HCM tập trung chủ yếu tại khu vực như: quận 8, quận 6, quận Bình Thạnh, Tp.Thủ Đức…
Nhiều năm qua, chính quyền Tp.HCM rất nỗ lực trong công tác nghiên cứu, giải quyết các vướng mắc, làm việc với từng hộ dân để có phương án giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư cho người dân, đồng thời tập trung kế hoạch chỉnh trang đô thị tạo diện mạo mới về quy hoạch, phát triển cho địa phương.
Điều này cũng là mong mỏi của rất nhiều người dân đang sinh sống trong những căn nhà ven sông, kênh rạch.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, bà Phan Thị Ngọc (phường 8, quận 8) cho biết: "Gia đình tôi đã sinh sống tại đây suốt 3 thế hệ. Chúng tôi đã nghe nhiều lần về các dự án di dời, tái định cư từ phía chính quyền, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy triển khai. Dù đã quen với cuộc sống nơi này, nhưng điều kiện sống thiếu thốn và vất vả khiến chúng tôi rất mong muốn chính quyền có chính sách giải quyết sớm, để tôi và con cháu có thể ổn định cuộc sống".
Bà Huệ (đường Nguyễn Duy, quận 8, khu vực bờ Bắc Kênh Đôi) cũng chia sẻ: "Sống ven kênh rạch, môi trường ô nhiễm, rác thải tràn ngập khắp nơi, mỗi khi thủy triều lên là chúng tôi lại gặp khó khăn. Mọi người đều muốn dời đi nơi khác, nhưng vì điều kiện khó khăn nên chưa thể thực hiện. Nay Thành phố có kế hoạch di dời và xóa nhà ven kênh, chúng tôi rất hy vọng sẽ sớm thực hiện để người dân có thể thoát khỏi cảnh sống tạm bợ này".
Cũng theo bà Huệ, môi trường sống tại đây không tốt, nhiều thế hệ đã dời đi thuê trọ ở một số khu vực khác để sinh sống làm việc, hưởng tiện ích và cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, với một số người lớn tuổi, họ chưa thể dời đi vì nhà đất còn ở đây. Họ mong mỏi Thành phố thực hiện các phương án tái định cư, vì không phải ai cũng có khả năng để đi nơi khác sinh sống.
Cần sớm giải "bài toán" an sinh và chỉnh trang đô thị ven sông
Theo ghi nhận của PV, tại khu vực quận Bình Thạnh, quận 8 (Tp.HCM), có tới hàng nghìn căn nhà nằm ven sông, kênh rạch. Tuy nhiên, các ngôi nhà đều rất lụp xụp, xuống cấp nghiêm trọng vì nhiều năm không thể cải tạo xây dựng. Vì không có điều kiện kinh tế, người dân chấp nhận sinh sống trong môi trường thiếu thốn nhiều điều kiện.
Cụ thể, tại khu vực quanh Rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật thuộc quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp), chỉ cần đi qua đây là người dân có thể nhìn thấy dòng kênh đen ngòm. Các ngôi nhà bằng tôn nằm trơ trọi trên dòng kênh và rác ngập xung quanh.
Còn tại khu vực bờ Bắc kênh Đôi trên địa bàn quận 8, hàng trăm căn nhà bằng tôn đã rỉ sét nằm san sát nhau. Dọc con kênh là những bãi rác đóng kín dưới các cột chống nhà.
Khảo sát tại khu vực trên, PV ghi nhận đời sống của người dân rất vất vả, điều kiện thiếu thốn. Đa số những hộ dân ở đây đã sống qua nhiều thế hệ, họ vẫn làm việc mưu sinh khắp nơi và bám trụ lại ngôi nhà vì còn chờ chính sách từ cơ quan chức năng.
Trái ngược với sự xa hoa của Thành phố, cuộc sống của người dân sống ven sông, kênh rạch khá vất vả. Để vào được những căn nhà trên, PV phải luồn lách qua nhiều con hẻm, nhiều ngôi nhà người dân ngăn phòng ra khoảng 20m2 để nằm ngủ, các khu vực sinh hoạt chung đều lụp xụp bàn ghế, sinh hoạt cá nhân rất bất tiện.
Ngoài ra, các căn nhà ở chủ yếu là tạm bợ, lập bằng mái tôn, phía dưới là dòng kênh đen ngòm, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm do nhiều chất thải đổ về. Dưới những căn nhà rác thải như túi nilon đến các vật dụng, chai nhựa bị chặn lại, bám xung quanh bờ kênh hoặc dưới cột của các căn nhà.
Bên cạnh đó, vì cuộc sống khá khó khăn nên vấn đề về phòng cháy chữa cháy cũng không được quan tâm, nguy cơ cháy nổ vẫn luôn "rình rập" người dân sinh sống tại đây.