Gỡ rào cản, tạo đà cho khu công nghệ cao phát triển
Khu công nghệ cao (CNC) là đầu tàu về phát triển, ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tế phát triển tại các khu CNC còn nhiều rào cản, nhiều chính sách không còn phù hợp với nhà đầu tư, cần sớm điều chỉnh.
Việt Nam hiện có 4 khu CNC gồm: Khu CNC Hòa Lạc (Hà Nội), Khu CNC TP Hồ Chí Minh, Khu CNC và các khu công nghiệp Đà Nẵng, Khu công nghệ sinh học Đồng Nai.
Các trung tâm này hiện đang phát huy hiệu quả trong thu hút các dự án CNC, qua đó tạo động lực, sức lan tỏa cho công nghiệp cả nước phát triển.
Để phát huy tối đa tiềm năng của các khu CNC, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển các khu CNC như Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ban hành Quy chế khu CNC; quyết định số 53/2004/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích đầu tư tại khu CNC...
Sự ra đời của Luật Công nghệ cao năm 2008 đã thể chế hóa các chính sách lớn về ứng dụng và phát triển CNC ở nước ta.
Qua đó bước đầu tạo được hành lang pháp lý cơ bản cho hoạt động xây dựng và phát triển khu CNC; các hoạt động đầu tư, hoạt động khoa học và công nghệ, ươm tạo, đào tạo nhân lực, thương mại hóa CNC…
Tuy nhiên, kể từ khi Luật CNC được ban hành năm 2008, cho đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về đầu tư, phát triển và quản lý đối với khu nông nghiệp ứng dụng CNC. Điều này đã gây nên nhiều bất cập trong các hoạt động quản lý.
Chia sẻ bất cập trong quá trình phát triển, Trưởng ban Quản lý Khu CNC TP Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Thi cho biết, với Khu CNC TP Hồ Chí Minh, khó khăn lớn nhất, cơ bản nhất liên quan đến thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính. Với việc ra đời của các luật chuyên ngành, cơ chế “một cửa, tại chỗ” trước đây của Ban Quản lý Khu CNC TP Hồ Chí Minh bị phá vỡ dẫn đến thời gian triển khai của các dự án đầu tư bị kéo dài.
“Tốc độ ra quyết định chậm, thiếu linh hoạt trong việc điều chỉnh các cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư chiến lược… là những rào cản chính khiến Việt Nam mất lợi thế trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh sự dịch chuyển chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng các ngành đang diễn ra mạnh mẽ cả trên phương diện tốc độ và cường độ” - ông Thi nêu ý kiến.
Cũng chỉ ra những bất cập trong quá trình triển khai, Phó Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc Trần Đắc Trung cho rằng, việc BQL không thể khẳng định khung thời gian có thể hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án (do thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính nằm ở các cơ quan khác nhau) là một bất lợi rất lớn trong việc thu hút đầu tư. Vì vậy, cần có những cơ chế, chính sách đặc thù cho các khu CNC quốc gia để thực hiện nhiệm vụ của mình là tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn và ưu tiên cho đất nước.
Phó Vụ trưởng Vụ CNC Nguyễn Lê Hùng cho biết, để giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng và vận hành các khu CNC, căn cứ những vấn đề có tính chất đặc thù đối với từng khu CNC khác nhau, Bộ KH&CN đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách riêng đối với Khu CNC Hòa Lạc (Nghị định số 74/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017) và Khu CNC Đà Nẵng (Nghị định số 04/2018/NĐ-CP ngày 04/01/2018).
Dự thảo Nghị định gồm 7 Chương, 47 Điều, quy định cụ thể các vấn đề sau: những quy định chung; phương hướng xây dựng, phương án phát triển khu CNC; thành lập, mở rộng khu CNC; chính sách đối với khu CNC; hoạt động CNC trong khu CNC; quản lý Nhà nước đối với khu CNC; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của khu CNC; điều khoản thi hành.
Tuy nhiên, việc xây dựng một Nghị định chung cho các khu CNC là một việc khó, phức tạp. Bởi các nội dung quản lý Nhà nước đối với khu công nghệ rất rộng, bao phủ rất nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều pháp luật chuyên ngành khác nhau nên sẽ vẫn còn nhiều nội dung chưa giải quyết được trong Nghị định này. Bộ KH&CN sẽ tiếp tục xây dựng báo cáo, đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm tạo ra hành lang pháp lý đủ mạnh cho hoạt động của các khu CNC.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/go-rao-can-tao-da-cho-khu-cong-nghe-cao-phat-trien.html