Gỡ rào cản trong sản xuất nông nghiệp
Ngày 30/10, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020. Thúc đẩy kinh tế tư nhân, cách xử lý, ứng xử của bộ máy công quyền trước những vấn đề nóng của xã hội; đặc biệt việc gỡ rào cản trong sản xuất nông nghiệp đã nhận được nhiều sự quan tâm từ các đại biểu Quốc hội.
Chuyển tư duy từ số lượng sang chất lượng
Vấn đề nông nghiệp vẫn nhận được sự quan tâm lớn của nhiều đại biểu. Từ thực tiễn ý kiến, kiến nghị cử tri ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) kiến nghị một số vấn đề nhằm phát huy nguồn lực cho mục tiêu phát triển bền vững, ổn định, nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt nhất là người nông dân.
“Rào cản lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là sự ngăn cách thông tin giữa người sản xuất và thị trường”- ông Công nhìn nhận. Từ đó, ĐB tỉnh Vĩnh Long đề nghị: Chính phủ quan tâm nhiều hơn cho việc cung cấp thông tin sản xuất nông nghiệp cho người nông dân. Vì trở ngại lớn nhất cho nông dân Việt Nam không phải vốn, không phải kỹ thuật canh tác mà là rào cản thông tin. Người nông dân chỉ biết lao động trên đồng ruộng, nương rẫy tạo ra các sản phẩm nông nghiệp không biết thông tin về thị trường, chỉ nhận thông tin từ đại lý thu mua, thương lái, nên họ không biết chính xác cách thức sản xuất của mình có đúng quy luật thị trường không. Chừng nào thông tin chính thống về giá cả thị trường chưa đến với nông dân thì câu chuyện “được mùa mất giá” vẫn chưa chấm dứt.
Đề cập đến rào cản tích tụ và tập trung ruộng đất, ông Công cho rằng đây là việc đặt ra từ nhiều năm qua chúng ta chưa khắc phục được, nên cần phân biệt rõ tích tụ ruộng đất và tập trung ruộng đất. Tích tụ ruộng đất gắn hẳn với chuyển nhượng quyền sở hữu đất, người nông dân sẽ mất quyền sở hữu, sử dụng. Quản lý nhà nước hiện nay là cấm tích tụ ruộng đất để đầu cơ, kinh doanh. Ngược lại làm sao khuyến khích mô hình tập trung ruộng đất, liên kết các mảnh đất khác nhau của nhiều người để cùng khai thác.
“Chúng ta cần khuyến khích mô hình tập trung ruộng đất theo quy mô phù hợp năng lực, trình độ sản xuất hiện nay do một nông dân, một hợp tác xã đứng ra thuê lại để canh tác. Nhà nước cần có chính sách đặc thù, ưu đãi cho loại hình này. Nếu rào cản này được tháo gỡ sẽ tác động lớn đến nông nghiệp như giúp dễ tiếp cận công nghệ mới, tập trung ruộng đất, sản xuất giá trị cao”-ông Công cho hay.
Theo ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), xuất khẩu nông thủy sản hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, thế mạnh thủy sản đang gặp nhiều bất lợi khi Ủy ban châu Âu chưa gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp hiện chuyển dịch cơ cấu chưa rõ nét, chậm so với xu thế chung thế giới là phát triển theo chuỗi giá trị, cơ giới hóa; nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu thu hẹp dần, trong đó có gạo. Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng xuất nhập khẩu cao, nhất là trái cây, rau quả, nhưng phần lớn hàng xuất sang Trung Quốc là qua đường tiểu ngạch.
Từ đó bà Tuyết đề nghị, Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ để khắc phục tình trạng trên theo hướng quy hoạch định hướng dựa trên dự báo thị trường, tránh việc người dân đổ xô, mở rộng diện tích trồng dưa hấu, thanh long, xoài xong cuối cùng phải...giải cứu. Bà Tuyết cho rằng, cần tập trung vào nông nghiệp và người nông dân, thay đổi tư duy sản xuất chuyển từ số lượng sang chất lượng.
Kinh tế tư nhân chưa thể bứt phá
Theo ĐB Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ở Việt Nam mặc dù đã đóng góp tới 40% GDP, nhưng khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn một nghịch lý lớn. Đó là chỉ có trên 700 ngàn doanh nghiệp thuộc khu vực doanh nghiệp tư nhân chính thức đóng góp, chỉ vẻn vẹn 10% cho GDP, còn lại hơn 30% GDP là thuộc về trên 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, trong đó có 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký.
“Quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh thiếu minh bạch, hộ kinh doanh không được thúc đẩy và hỗ trợ để lớn lên. Hoạt động kinh doanh của các hộ này đang là mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng vặt”- ông Lộc nêu ý kiến đồng thời cho rằng để giải quyết vấn đề này, chỉ có thể đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp với những quy định pháp lý tối giản nhưng minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Cùng chung quan điểm, ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng, kinh tế tư nhân là động lực đóng góp cho nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân vẫn phát triển dưới dạng tiềm năng, chưa thể bứt phá để trở thành trụ cột mới của nền kinh tế. Theo ông So, Nhà nước phải đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ, nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu chuyển giao công nghệ giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững. Qua đó, thu hút kinh tế tư nhân tham gia sâu vào những lĩnh vực lâu nay vốn độc quyền của Nhà nước như thiết kế, xây dựng hạ tầng, sân bay, đường cao tốc.
“Có lợi thì làm, không an toàn thì né”
Theo ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An), điều đáng lo ngại là tinh thần kiến tạo, trách nhiệm của Chính phủ chưa thực sự được quán triệt thực hiện trong toàn hệ thống. Còn có hiện tượng việc có lợi thì làm, việc không an toàn thì né tránh, đùn đẩy, việc mới thì ngại triển khai. Nhiều vụ việc chuyển lên, chuyển xuống, chuyển ngang, qua nhiều cơ quan vẫn chưa có lời giải. Vấn đề này là lực cản lớn, cần được quan tâm khắc phục.
Đưa ra dẫn chứng về vụ Công ty địa ốc Alibaba hoạt động ở nhiều tỉnh, lừa đảo ảnh hưởng đến hàng nghìn người hay vụ cháy tại Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông gây ô nhiễm môi trường, ông Hiền cho rằng có nguyên nhân của việc thiếu sót trong công tác quản lý, thậm chí buông lỏng, thiếu trách nhiệm. Do đó đừng để người dân chịu hậu quả vì sự tắc trách của một bộ phận cán bộ.
“Kết quả phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã chứng minh thái độ kiên quyết của Đảng, Nhà nước, tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước”- ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đánh giá. Nhưng theo ông, lãng phí vẫn còn nhiều bức xúc khi nhiều dự án hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng được đầu tư không đem lại hiệu quả như mong đợi, tình trạng đội vốn vẫn diễn ra, lãng phí đất đai còn phổ biến. Từ đó ông Tám đề nghị, Chính phủ rà soát các dự án kém hiệu quả để xử lý, nhất là quy trách nhiệm rõ ràng, trong đó có trách nhiệm cá nhân.
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cũng cho rằng, tham nhũng vặt đang làm bộ máy công quyền xấu đi trong mắt nhân dân. Do đó ngoài vấn đề phát triển kinh tế, cần quan tâm nhiều hơn tới chất lượng cuộc sống của người dân.
Sau sự cố vụ cháy tại Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông, vụ đổ trộm dầu thải vào đầu nguồn nước của Công ty cổ phần nước sạch Sông Đà… ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nhìn nhận cách xử lý của các cấp chính quyền đang còn lúng túng, chưa thực hiện hết trách nhiệm với dân. Từ đó, ĐB này đề nghị, giảm bớt họp hành, mít tinh để nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước, phục vụ lo cho dân. Đồng thời, Chính phủ cần xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm nhằm ngăn chặn những tình trạng này.
Cảnh giác, tỉnh táo đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh
ĐB Trần Việt Khoa- Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng cho biết: Tình hình Biển Đông vừa qua diễn biến phức tạp, đe dọa tới an ninh khu vực, ảnh hưởng an toàn hàng hải quốc tế. Trước tình hình trên, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ Quốc phòng, Công an và Ngoại giao cùng kiên quyết đấu tranh. Một mặt đấu tranh về ngoại giao, pháp lý để khẳng định chủ quyền. Mặt khác, trên thực địa, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phong chỉ đạo các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Kiểm ngư thường xuyên bám sát, nắm chắc tình hình, và tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam theo Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982.
Việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, phải cảnh giác, tỉnh táo và sẵn sàng các phương án cao nhất với những tình huống có thể xảy ra. Vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta phải sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Bộ GTVT đến cuối năm sẽ giải ngân được 90-95%
Liên quan đến các dự án giao thông chậm tiến độ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: Đến thời điểm này Bộ đã bàn giao cho 14 địa phương để tiến hành giải phóng mặt bằng, đến tháng 12 sẽ giải ngân được khoảng 4.000/7.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng cho toàn tuyến. Về 14 dự án cấp bách, từ nay cho đến cuối năm sẽ khởi công 10 dự án và hiện nay đang đấu thầu và chuẩn bị mặt bằng. Trong 3 dự án đầu tư công, từ nay đến cuối năm sẽ khởi công thêm 12 gói thầu nữa; Bộ quyết tâm sẽ giải ngân từ 90-95%.
Bị bệnh tâm thần nhưng vẫn được cấp giấy phép lái xe?
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đánh giá, tuy tổng số vụ tai nạn giao thông trong những năm qua giảm trên cả 3 tiêu chí, nhưng lại xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, làm chết nhiều người trong một vụ, xuất hiện tình trạng lái xe sử dụng ma túy gây ra những cái chết oan cho người đi đường. Tình hình trên có nhiều nguyên nhân song còn nhiều chủ thể liên đới nhưng vẫn vô can đứng ngoài chưa phải chịu trách nhiệm. Luật quy định chặt chẽ việc khám sức khỏe cho lái xe phải thực hiện 3 khâu gồm: Khâu đào tạo, sát hạch và phải khám định kỳ trong suốt quá trình lái xe, tuy nhiên thực tế vẫn còn xảy ra những hiện tượng tiêu cực, như nhiều lái xe không cần đến khám mà chỉ bỏ ra 200 nghìn đồng, cung cấp thông tin chiều cao, cân nặng là có giấy chứng nhận đủ sức khỏe lái xe. Có trường hợp đến khám thì bác sĩ chỉ hỏi và ghi, không khám, không xét nghiệm. Hậu quả nhãn tiền của cách làm trên là vừa qua có những trường hợp bị bệnh tâm thần nhưng vẫn được cấp giấy lái xe.
Để giảm tải tai nạn giao thông cần nhiều biện pháp, nhưng trước hết phải là sự nghiêm khắc của pháp luật dành cho những đối tượng vi phạm.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/go-rao-can-trong-san-xuat-nong-nghiep-tintuc451101