'Gỡ thế bí' thiếu quỹ đất để xóa nhà tạm

Trong khi một số địa phương lúng túng kêu khó vì không có quỹ đất chung để hỗ trợ xóa nhà tạm, thì một số địa phương đã rất linh hoạt tìm lời giải cho bài toán này.

Thiếu quỹ đất để hỗ trợ xóa nhà tạm

Hiện có nhiều chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát đang được tích cực triển khai tại các địa phương trên cả nước từ nhiều nguồn vốn khác nhau.

Tuy nhiên, thiếu quỹ đất để hỗ trợ xóa nhà tạm đã và đang là thực trạng khiến không ít lãnh đạo địa phương đau đầu, lúng túng.

Đơn cử tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Ông Lưu Trọng Hính, Trưởng Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Hà Quảng cho biết, trong số 10 dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719), có dự án liên quan tới việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, đó là dự án 1 - Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Đối tượng được hỗ trợ gồm hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa có đất ở; chưa có nhà ở hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng.

Tuy nhiên, "giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở đang là một trong những khó khăn lớn nhất đối với địa phương khi triển khai Chương trình 1719. Hà Quảng gần như không có quỹ đất chung để phục vụ đất ở cho dự án này”, ông Hính chia sẻ với báo VietNamNet.

Tại phiên họp 3 của Ban chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết đã tiếp nhận phản ánh của một số địa phương về tình trạng thiếu đất sạch làm nhà ở cho hộ nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều trường hợp đất lấn chiếm rất khó phê duyệt hỗ trợ. Không ít trường hợp hộ nghèo đã được hỗ trợ nhà ở, sau khi con cái dựng vợ gả chồng thì tách hộ, lại rơi vào diện ở nhà tạm, nhà dột nát.

Một số địa phương đã rất linh hoạt trong việc bố trí quỹ đất để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: Báo Chính phủ

Một số địa phương đã rất linh hoạt trong việc bố trí quỹ đất để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: Báo Chính phủ

Địa phương linh hoạt gỡ khó

Cũng là một tỉnh miền núi, song tại Lào Cai, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát đang được triển khai khá tốt.

Trao đổi với Báo VietNamNet, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo Nguyễn Xuân Nhẫn cho hay, Lào Cai là một trong những tỉnh có tổng số hộ có nhà tạm, nhà dột nát cần xóa rất cao, trên 11.000 hộ.

“Việc tạo lập quỹ đất để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát nếu chỉ thực hiện theo Luật Đầu tư công sẽ rất khó khăn. Chúng tôi kết hợp triển khai bằng nhiều nguồn lực khác nhau, đảm bảo mục tiêu cuối cùng là người dân được thụ hưởng. Chẳng hạn, chúng tôi áp dụng giải pháp để các hộ gia đình ở khu dân cư trao đổi và thống nhất với nhau về việc hỗ trợ đất cho nhau để xóa nhà tạm. Chúng tôi quyết tâm phấn đấu tới 30/5 sẽ hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Lào Cai”, ông Nhẫn chia sẻ kinh nghiệm.

Trong bối cảnh khó tìm quỹ đất mới quy mô lớn để bố trí cho các hộ dân ở miền núi, Lào Cai cùng một số tỉnh khác như Yên Bái, Sơn La... đã có cách giải quyết khá linh hoạt: Xem xét quỹ đất có sẵn, vận động những người có đất trong khu dân cư chia sẻ cho các hộ nghèo khác.

Lại có địa phương làm theo hướng khoán: Tỉnh phân bổ kinh phí chung về hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, huyện chịu trách nhiệm lo về đất, xã chịu trách nhiệm lo về nhân công, nguồn lực chính là dân quân, du kích, công an, thanh niên… Nhờ đó đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đánh giá cao những cách làm hay nêu trên, đồng thời đề nghị các địa phương khác tham khảo kinh nghiệm để có thể “về đích” đúng hạn hoặc trước hạn.

Bộ trưởng lưu ý, theo Luật Đất đai, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm đất ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Nếu phải thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để có quỹ đất hỗ trợ cho hộ nghèo thì tiền bồi thường được lấy từ ngân sách của địa phương.

Trường hợp khẩn cấp, cấp bách như thiên tai thì có thể thực hiện việc giải phóng mặt bằng, giao quỹ đất để xây nhà trước, sau đó cập nhật bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

Trung ương cũng đã vào cuộc

Trung tuần tháng 4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành văn bản số 1066 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn các địa phương bố trí đất xây dựng nhà ở đối với hộ gia đình khó khăn về đất ở, nhằm thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc trước ngày 31/10/2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, các địa phương giao cho các cấp, ngành chức năng rà soát ưu tiên bố trí đất ở đối với hộ có khó khăn về đất ở theo hình thức giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 124 và điểm b khoản 1 Điều 157 Luật Đất đai.

Bộ cũng đề nghị các địa phương rà soát diện tích đất có nguồn gốc nông, lâm trường để công nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất (trong đó có đất ở) mà có giấy tờ của nông, lâm trường quốc doanh trước ngày 1/7/2004 hoặc thu hồi đất theo quy định tại Điều 181 Luật Đất đai để giao cho người dân không có đất ở theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 124 và điểm b khoản 1 Điều 157 Luật Đất đai.

Trong quá trình bố trí đất xây dựng nhà ở đối với hộ có khó khăn về đất ở theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương cần chỉ đạo thực hiện các thủ tục về đất đai (như tách thửa, đăng ký đất đai, cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…) theo quy trình rút gọn và không thu phí.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/go-the-bi-thieu-quy-dat-de-xoa-nha-tam-2397945.html