Gỡ 'thẻ vàng' gắn với tái cơ cấu ngành thủy sản

Thủy sản là một trong những ngành hàng được đánh giá là hưởng lợi lớn khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được phê chuẩn. Tuy nhiên, để phát huy được lợi thế đó chúng ta phải nhanh chóng gỡ 'thẻ vàng' của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, bà Mai Thị Ánh Tuyết- Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, về lâu dài, bên cạnh việc nỗ lực gỡ “thẻ vàng” thì cần tái cơ cấu lại ngành thủy sản gắn với phát triển bền vững.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết. Ảnh: Quang Vinh.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết. Ảnh: Quang Vinh.

PV: Thưa bà, việc EC áp dụng “thẻ vàng” đối với thủy sản của chúng ta đã khiến sản lượng xuất khẩu giảm đáng kể. Vậy chúng ta cần những giải pháp nào để gỡ “thẻ vàng” mà EC đưa ra với thủy sản Việt Nam?

Bà Mai Thị Ánh Tuyết: Khai thác thủy sản là ngành có lợi thế, sau khi EC áp “thẻ vàng” đã ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu thủy sản của nước ta. Hiện phía EC đã cử đoàn công tác lần thứ 2 đến Việt Nam để kiểm tra, giám sát việc thực hiện những khuyến nghị mà EC đưa ra, trong đó có những ràng buộc về yêu cầu. Về phía Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương cũng có nhiều giải pháp, cùng với các ngư dân đi đánh bắt phải thực hiện các yêu cầu, hướng dẫn thực hiện khai báo đánh bắt tại những khu vực được phép để thực hiện những yêu cầu mà EC đưa ra.

Vừa qua việc tuân thủ các yêu cầu đã được chúng ta thực hiện tốt. Tuy nhiên, quy mô số lượng, các hộ khai thác hiện nay rất lớn, để thay đổi tất cả các hành vi trong cùng một lúc không phải đơn giản, hiện vẫn còn một số hộ ngư dân chưa chấp hành. Do đó, vấn đề này cần quyết tâm làm và làm nghiêm khắc hơn nữa để làm sao việc xử lý vi phạm đủ sức răn đe hơn nữa để tuân thủ các khuyến cáo mà EC đưa ra, nhanh chóng sớm được gỡ “thẻ vàng”. Nhiều quốc gia như Thái Lan cũng bị áp “thẻ vàng” giống nước ta nhưng cuối cùng họ đã thực hiện tốt khuyến cáo. Cho nên chúng ta cần cương quyết để thực thi tốt những khuyến cáo mà EC đưa ra, tiếp tục xuất khẩu mạnh sang các thị trường tiềm năng trong đó có châu Âu.

Vấn đề vi phạm của ta, theo đánh giá của bà đã ở mức nguy hiểm hay chưa?

- Vừa qua trong vấn đề khai thác, mặc dù đã có chấn chỉnh nhưng vẫn còn một số cá nhân vi phạm, hoạt động chưa đúng theo quy định, yêu cầu. Đây chỉ là một số hộ không mang tính phổ biến. Vì vậy cần tiếp tục những giải pháp để xử lý những cá nhân này, giúp cho khai thác đi vào nề nếp trong thời gian tới. Để các hộ ngư dân đánh bắt tuân thủ theo các khuyến cáo của EC đưa ra thì việc tuyên truyền là yếu tố quyết định. Do đó, phải nâng cao nhận thức của các hộ dân này một cách tốt nhất trong thời gian tới. Cho nên cần tuyên truyền bằng nhiều hình thức để làm sao giúp cho các hộ ngư dân hiểu biết, nâng cao nhận thức và tự họ có cách để tuân thủ theo pháp luật.

Nhưng từ việc áp “thẻ vàng” của EC, có lẽ chúng ta cần tái cơ cấu lại ngành khai thác thủy sản gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp để phát triển bền vững, thưa bà?

- Đúng vậy. Tôi cho rằng đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu lại ngành thủy sản của Việt Nam. Vừa qua tái cơ cấu nền kinh tế trong đó có cơ cấu từng ngành, lĩnh vực chúng ta đã làm nhưng tiến trình đang rất chậm. Vì vậy theo tôi lần này cũng là cơ hội để ta làm nhanh chóng, quyết liệt hơn, và đồng bộ trong vấn đề khai thác thủy sản ở Việt Nam.

Nếu vậy chúng ta cần có cơ chế để hỗ trợ cho ngư dân?

- Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề xuất những chính sách, nhưng việc triển khai cơ cấu lại ngành khai thác thủy sản cũng chậm. Do đó theo tôi bộ cần sắp xếp lại những chính sách, phải tiếp tục cập nhật những chính sách mới để hỗ trợ cho các đối tượng là những người khai thác đánh bắt thực hiện theo những khuyến cáo hiện EC đưa ra; giúp ngành khai thác thủy sản đạt hiệu quả hơn, đánh bắt có chất lượng, vừa đảm bảo bảo tồn thủy hải sản nhưng lại giúp cho hộ ngư dân có điều kiện khai thác, phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Nhưng thưa bà, về lâu dài chúng ta phải tái cơ cấu, lúc đó sẽ có một bộ phận ngư dân buộc phải chuyển đổi nghề nghiệp. Vậy chúng ta cần có chính sách nào cho ngư dân?

- Vừa qua chúng ta khai thác có việc không đảm bảo chất lượng, chính vì vậy giá trị của sản phẩm đánh bắt được không cao. Bây giờ thứ nhất cần tổ chức lại, để việc đánh bắt nằm trong vùng kiểm soát; thứ hai, đánh bắt phải bảo đảm chất lượng cá, thủy hải sản làm sao nâng giá trị. Bên cạnh đó, nên tổ chức và sắp xếp lại việc khai thác để mang tính hiệu quả cao hơn từ đảm bảo về tổ chức, áp dụng công nghệ để đánh bắt hiện đại hơn. Lúc đó chắc chắn sẽ có một số lao động bị dôi dư. Vì vậy, chúng ta cần có sự tính toán về lộ trình để giúp cho hộ ngư dân chuyển đổi trong nghề nghiệp, để họ có nghề và tiếp tục cuộc sống. Tôi cho rằng đây là vấn đề trong tái cơ cấu ngành thủy sản, các bộ, ngành, địa phương cần tính toán rất kỹ để nâng cao chất lượng hiệu quả cho ngành thủy sản nhưng cũng phải giải quyết vấn đề lao động, tay nghề của từng đối tượng trong việc sắp xếp.

Vừa qua sau khi đánh bắt, mang vào bờ chất lượng cá giảm đi rất nhanh do đó phải đẩy mạnh khâu bảo quản, chế biến, cần phải chế biến trực tiếp, làm sao để chất lượng thủy hải sản mang vào bờ không bị giảm giá trị. Hiện chất lượng thủy hải sản sau đánh bắt bị giảm chất lượng rất nhanh, nên khi bán giá trị bị giảm mất từ 20-30% giá trị. Như vậy cần bảo quản sau khi đánh bắt, nếu được sơ chế cần chế biến ngay để bảo quản có chất lượng thủy hải sản sau đánh bắt. Do đó chúng ta cũng cần quan tâm đến vấn đề phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.

Trân trọng cảm ơn bà!

H.Vũ (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-hoi/go-the-vang-gan-voi-tai-co-cau-nganh-thuy-san-tintuc453161