Gỡ thẻ vàng IUU, cần khắc phục cấu trúc ngành thủy sản rời rạc, manh mún, nhỏ lẻ

Ngày 21-8, tiếp tục chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam đã có những thành quả nhất định trong việc thực hiện các giải pháp gỡ thẻ vàng IUU.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về các giải pháp gỡ “thẻ vàng” IUU, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, giải pháp chủ yếu vẫn là thực hiện tốt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, phát triển thủy sản dựa trên ba trụ cột: Giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển, để bảo đảm trữ lượng thủy sản dành cho thế hệ mai sau.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, những giải pháp nhằm gỡ thẻ vàng IUU chúng ta thực hiện trong suốt 7 năm qua đã có những thành quả nhất định. Chúng ta cũng tổ chức lại hệ thống kiểm ngư, hiện 28 địa phương ven biển đều có lực lượng kiểm ngư; chúng ta có Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục chứng minh về những nỗ lực của Việt Nam trong việc tháo gỡ thẻ vàng IUU; phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cùng vào cuộc triển khai đợt cao điểm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chỉ rõ, cấu trúc ngành thủy sản còn rời rạc, manh mún, nhỏ lẻ nhưng chưa có thiết chế thực hiện theo hướng cộng đồng cùng quản lý nguồn lợi thủy sản. Trình độ nhân lực nghề cá còn hạn chế, vì vậy, thời gian tới sẽ có giải pháp để tăng cường nhận thức cho ngư dân cùng tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ các giải pháp tham mưu cho Chính phủ để sớm có chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, mở rộng các thị trường mới cho nông sản Việt Nam trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, chủ trương mở cửa thị trường đã được nhất quán để mở cửa tiêu thụ nông sản từ trong nước cho đến nước ngoài; đồng thời yêu cầu chuẩn hóa đối với hàng hóa nông sản cũng là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát như ở nước ta hiện nay.

Để mở cửa tiêu thụ nông sản, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương liên tục có những Nghị định thư với các nước để tiêu thụ nông sản. Trong đó, vấn đề chuẩn hóa tất cả các tiêu chuẩn chất lượng nông sản là vấn đề lớn. Chúng ta không thể nói vấn đề tiêu thụ nếu hàng hóa của chúng ta không chuẩn hóa được các tiêu chuẩn của thị trường. Do đó, cần quan tâm đến vấn đề cấp mã số, vùng trồng, vùng nuôi. Đây là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp nước ta.

Đặc biệt, việc xây dựng lại vùng nguyên liệu tập trung, liên kết thành hợp tác xã đủ mạnh là nhiệm vụ quan trọng để khắc phục tính manh mún của nền nông nghiệp. Chính sách để liên kết được những mảnh ruộng nhỏ trở thành những mảnh ruộng lớn, khu rừng nhỏ trở thành khu rừng lớn cần các địa phương quan tâm hơn nữa. Bộ có vai trò kiến nghị với Chính phủ để có những chính sách phù hợp. Khi chính sách có rồi thì việc hành động ở cấp độ địa phương cũng cần quyết liệt...

 Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) nêu câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) nêu câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) nêu vấn đề, biến đổi khí hậu và những tác động tiêu cực từ hoạt động của con người đối với môi trường đang là thách thức rất lớn cho các mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt là đối với Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp ứng phó với tình trạng này.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và diễn biến xu thế tiêu dùng trên thế giới là thách thức rất lớn. Do đó, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” là đề án Chính phủ rất kỳ vọng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, lần đầu tiên nước ta có Đề án quy mô lớn về giảm phát thải, tư duy lại toàn bộ cấu trúc ngành hàng trồng lúa, quan trọng nhất là tăng thêm thu nhập cho người nông dân không chỉ về giá lúa, mà còn thông qua giá trị tuần hoàn của cây lúa như giảm chi phí, bán tín chỉ carbon…; như vậy thu nhập của người trồng lúa mới quyết định độ bền vững của ngành hàng lúa gạo. Từ đề án này, sẽ triển khai đối với ngành trồng lúa ở đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung rồi chuyển sang cây ăn quả, thủy sản, chăn nuôi…

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/go-the-vang-iuu-can-khac-phuc-cau-truc-nganh-thuy-san-roi-rac-manh-mun-nho-le-790395